| 10-12-2022 | 09:17:49

Nhiều nỗi lo bữa ăn bán trú học sinh

Thời gian gần đây, bữa ăn bán trú tại trường học được phụ huynh quan tâm hơn sau khi liên tiếp xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm ở học sinh (HS). Với tỷ lệ các trường tổ chức ăn bán trú nhiều, việc bảo đảm an toàn bữa ăn cho HS đang là vấn đề trọng tâm của ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) tỉnh.

Phụ huynh thấp thỏm

Đọc tin gần 650 HS ngộ độc sau bữa ăn bán trú ở Nha Trang, chị Phạm Thị Hợp ở phường Bình Chuẩn, TP.Thuận An vội vàng hỏi lại con gái của mình về bữa ăn bán trú tại trường. Chị Hợp chia sẻ: “Do cả 2 vợ chồng đều làm công nhân, không thể đưa đón con về buổi trưa nên đành đăng ký cho con học bán trú ở trường. Hàng ngày, tôi có hỏi cháu về thực đơn ăn tại trường để biết được ngày hôm nay cháu ăn những gì, có ngon không. Sau liên tiếp nhiều vụ HS ngộ độc thực phẩm, tôi lo lắng và mong trường siết chặt quản lý, giám sát việc tổ chức ăn bán trú, đồng thời thông tin rộng rãi cho phụ huynh được biết”.

Một bữa ăn bán trú của học sinh trường TH Tân Hưng, huyện Bàu Bàng

Còn với chị Trần Thị Long ở phường Tân Đông Hiệp, TP.Dĩ An thì thấp thỏm nhiều điều khi cả hai đứa con đều đăng ký ăn bán trú tại trường. Ngoài việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, chị còn quan tâm tới bữa ăn có bảo đảm đầy đủ chất dinh dưỡng cho con mình hay không. “Trường có dán thông báo với thực đơn khá phong phú, thay đổi món liên tục. Nhưng điều mà tôi quan tâm nhất đó là dinh dưỡng và nguồn gốc nguyên liệu, thực phẩm. Một bữa ăn có giá 30.000 đồng. Tôi tin với số tiền như vậy, bếp ăn của trường hoàn toàn có thể lên thực đơn để bảo đảm dinh dưỡng cho HS. Chính quyền địa phương có tổ chức giám sát các bữa ăn, nhưng theo tôi người ta có thể làm đối phó. Quan trọng vẫn là lương tâm, trách nhiệm của từng nhà trường”, chị Long cho biết thêm.

Những ngày này, bữa ăn bán trú của con ở trường là chủ đề được các phụ huynh đề cập nhiều nhất. Những âu lo của phụ huynh không phải không có cơ sở khi liên tiếp những ngày qua có nhiều vụ HS bị ngộ độc thực phẩm ở các tỉnh, thành làm dấy lên nỗi lo lắng về chất lượng bữa ăn của HS tại trường. Bữa ăn bán trú được coi là giải pháp tốt cho những phụ huynh bận rộn. Do đó, các bậc cha mẹ ai cũng mong muốn các trường cung cấp bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng, bảo đảm vệ sinh cho con mình.

Tăng cường giám sát

Hiện tại, ở Bình Dương, 100% trường mầm non, cơ sở giáo dục mầm non độc lập và trên 100 trường TH tổ chức bữa ăn bán trú cho trẻ. Việc liên tiếp xuất hiện các vụ ngộ độc tập thể trong thời gian qua trên cả nước đã dấy lên nỗi lo của những phụ huynh có con ăn bán trú tại trường học. Trước tình hình này, nhiều địa phương đã tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát thực phẩm, suất ăn bán trú tại các nhà trường một cách kỹ lưỡng.

Năm học 2022-2023 toàn huyện Bàu Bàng có 100% trẻ mầm non được tổ chức bữa ăn bán trú với hơn 5.000 trẻ. Ở cấp TH, 7.622/9.331 HS đăng ký ăn bán trú tại trường, chiếm tỷ lệ 81,7%. Vừa qua, lãnh đạo huyện Bàu Bàng đã đi thực tế kiểm tra các bếp ăn tại các trường học. Thực tế kiểm tra cho thấy, bước vào năm học mới, nhiều cơ sở giáo dục đã xây mới, sửa sang hệ thống bếp ăn, nâng cấp trang thiết bị đúng theo tiêu chuẩn. Các bếp ăn trong trường học đều chấp hành tốt các quy định về trang bị bảo hộ lao động và vệ sinh cá nhân khi chế biến thực phẩm. Bếp ăn bán trú được xây dựng và thiết kế xây dựng theo nguyên tắc “một chiều” bảo đảm không nhiễm chéo giữa khu vực thực phẩm chưa qua chế biến và thực phẩm đã chế biến. Đa số bếp ăn nghiêm túc thực hiện ghi chép hồ sơ kiểm thực 3 bước và lưu mẫu thức ăn 24/24 giờ theo quy định…

Cùng với huyện Bàu Bàng, các địa phương, trường học trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại các bếp ăn, căn tin của nhà trường; kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm; tuân thủ quy trình giao nhận, kiểm thực 3 bước, lưu mẫu thực phẩm theo quy định. Cô Phạm Thị Thanh, Hiệu trưởng trường Mầm non tư thục Thành phố Trẻ Thơ, TP.Dĩ An chia sẻ: “Chúng tôi luôn làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, tâm huyết để các cháu có được những bữa ăn bán trú bảo đảm mọi mặt. Hàng ngày, mọi công đoạn liên quan đều được chuẩn bị chu đáo, từ lên thực đơn, tiếp nhận hàng đầu vào, vệ sinh bếp núc, chuẩn bị dụng cụ đến việc sơ chế thực phẩm, chế biến món ăn, nấu nướng, chia khẩu phần... Tất cả đều được thực hiện nghiêm túc, không để xảy ra sai sót, mất an toàn”.

Để kiểm soát chặt chẽ bữa ăn bán trú tại các cơ sở giáo dục, trường học, Sở GD&ĐT tỉnh vừa ban hành Công văn số 2638/SGDĐT-GDTrHTX về việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong các cơ sở giáo dục, trường học trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Sở GD-ĐT chỉ đạo các phòng GD-ĐT huyện, thị, thành phố và các cơ sở giáo dục, trường học trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm, đầy đủ các quy định của Luật An toàn thực phẩm. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kiến thức về an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm. Đối với các đơn vị tổ chức bữa ăn bán trú, bếp ăn tập thể, căn tin trong nhà trường phải thực hiện nghiêm các quy định về an toàn thực phẩm. Các cơ sở giáo dục, trường học chủ động phối hợp với ngành y tế và Ban đại diện cha mẹ HS tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm bảo đảm sức khỏe cho HS…

Để kiểm soát chặt chẽ bữa ăn bán trú tại các cơ sở giáo dục, trường học, Sở GD&ĐT tỉnh vừa ban hành Công văn số 2638/SGDĐT-GDTrHTX về việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong các cơ sở giáo dục, trường học trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Sở GD-ĐT chỉ đạo các phòng GD-ĐT huyện thị, thành phố và các cơ sở giáo dục, trường học trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm, đầy đủ các quy định của Luật An toàn thực phẩm. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kiến thức về an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm…

HỒNG PHƯƠNG

Chia sẻ