| 08-06-2012 | 00:00:00

Những câu chuyện kể về Bác Hồ

>> Kỳ trước

21. Thế là ta đẹp chung

 Tháng 3-1960, hai cán bộ tỉnh Nghệ An (ông Nghị, Phó Trưởng ty Văn hóa và ông Liên, Bí thư xã Nam Liên) ra Bộ Văn hóa báo cáo và nhận kế hoạch xây dựng Nhà lưu niệm Hồ Chủ tịch và nhà khách ở quê, được Bác cho gọi vào gặp.

Các ông đến thì Bác và Thứ trưởng Bộ Văn hóa Lê Liêm đang chờ. Bác ân cần hỏi thăm các cán bộ ở tỉnh và bà con trong xã, tình hình mùa màng, công tác thủy lợi, rồi nói đại ý: Nam Liên là gọi cho đẹp thế thôi, trước đây là Làng Sen, còn Nam Chung thì gọi là làng Chùa, chứ ai biết Liên, Chung gì đâu. Còn cái nhà của Bác mấy năm qua các chú sửa sang lại, có nhiều cái đúng, nhưng cũng có cái không đúng. Ví dụ như cái thềm bằng đất chứ không phải bằng xi măng. Nhắc đến bộ đồng, Bác hỏi: Nghe nói các chú đã tìm được, làm sao mà biết chắc chắn đó là bộ đồng nhà Bác? Dạ, cũng là nhờ hỏi các cụ phụ lão. Nghe ông Liên đáp, Bác hỏi tiếp: Nghe nói Nam Liên nhiều khách đến thăm phải không? Tưởng là Bác đã đi vào việc, ông Nghị “dạ” thật to, nhưng Bác đã hỏi: “Đường từ Vinh lên Nam Liên bao nhiêu cây số?”. Dạ thưa “13 cây”. Bác nhẩm tính: “Hơn 13 cây, đi xe đạp chậm lắm mất một giờ rưỡi, thì cho đi hai giờ, đi ô tô chậm lắm mất nửa giờ...; sáng đi, trưa về Vinh nghỉ. Đi xe đạp thì đi sớm một chút, trưa cũng về Vinh...”, rồi nói rõ: Đừng bày chuyện xây dựng nọ kia làm gì cho tốn kém của dân!

Đến đây thái độ của Bác rất nghiêm khắc, hỏi dồn dập: “Nghe nói các chú đang xây dựng trong kia phải không?”; “Làm đến đâu rồi?”. “Những cái sai đã sửa chưa?”; “Bây giờ làm gì nữa?”; “Ai cho tiền làm?”; “Ai chịu trách nhiệm làm?”; “Ai ký giấy cấp tiền?”; “Cấp bao nhiêu?”; “Đã tiêu hết bao nhiêu rồi?”... Thứ trưởng Lê Liêm và hai cán bộ tỉnh trả lời không kịp.

Nghe báo cáo tiền được cấp hơn ba nghìn và đã tiêu hết bao nhiêu rồi, Bác bảo ông Nghị: Còn bao nhiêu trả lại Nhà nước. Thiếu đồng nào chú chịu trách nhiệm bỏ tiền túi ra mà bù nhé! Ba người nhìn nhau, im lặng. Bác trở lại thân mật, ôn tồn giảng giải: Thôi, bây giờ những vật liệu đã mua rồi, như: vôi, gạch, ngói, đá, sỏi... thì giao lại cho ngành giáo dục làm trường học và ngành y tế làm nhà hộ sinh. Việc sửa sang nhà Bác, làm nhà lưu niệm, nhà đón tiếp, dứt khoát phải đình chỉ. Các chú muốn cho quê Bác đẹp thì phải xây dựng chung, trước hết là sản xuất phải cho thật tốt, xã viên thật no đủ, đường sá thật sạch sẽ, trồng cây thật nhiều, vừa lấy gỗ, vừa có bóng mát. Các cháu ăn no, có quần áo đẹp, học cho giỏi, thế là ta đẹp chung. Còn nếu đường sá chật hẹp, các cháu ốm yếu, không được học hành, mà các chú lo tô vàng lên nhà Bác cho đẹp, thì chẳng qua là trát tí phấn lên bộ mặt gầy gò. Việc đó không nên và nhất thiết không được làm.

Bác bảo ông Vũ Kỳ lấy ra gói hạt phượng. Bác trao cho ông Liên và dặn: Loại phượng này cành lá sum xuê, nên trồng hai bên đường để các cháu đi học hay bà con đi làm về thì có bóng mát.

22. Phong cách ứng xử thân tình

Ngày 15-12-1961, đoàn đại biểu quân sự Trung Quốc do Nguyên soái Diệp Kiếm Anh dẫn đầu sang thăm hữu nghị nước ta. Bộ Ngoại giao và Văn phòng Bộ Quốc phòng đã lên kế hoạch đón đoàn. Đoàn đại biểu sẽ đến chào Bác ngay sau khi tới Việt Nam. Khi báo cáo vấn đề trên với Bác, Bác nói:

- Hồi trước, khi Bác đi từ Diên An về phương Nam, đồng chí Diệp Kiếm Anh đã từng là đội trưởng và Bác là bí thư chi bộ. Nay đồng chí ấy đến Việt Nam mà Bác lại đợi đồng chí ấy đến chào chính thức là không thân tình. Do đó, Bác quyết định là Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ ra đón đoàn ở sân bay, khi về tới Bắc Bộ phủ đã có Bác. Bác sẽ dự cơm thân mật với đoàn đại biểu quân sự Trung Quốc, nhưng không công bố trên báo, vì như vậy sẽ không tiện về mặt lễ tân. Bởi vì lúc đó Bác là Chủ tịch nước, còn đồng chí Diệp Kiếm Anh chỉ là một trong mười nguyên soái của Trung Quốc, chưa phải là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Nhưng là chỗ thân tình từ trước nên Bác sẽ có mặt ở Bắc Bộ phủ. Bác không thể làm khác được. Đó là một cách xử trí rất tinh tế của Bác về mặt ngoại giao lại có lý, lại có tình.

(Theo di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh)

Chia sẻ