Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, đội ngũ các y, bác sĩ đã thực sự là những “chiến sĩ áo trắng” tại những tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh. Đồng hành cùng đội ngũ này trong cuộc chiến chống giặc Covid-19, chúng tôi đã ghi lại được những câu chuyện đẹp về tinh thần “Lương y như từ mẫu”, những hy sinh thầm lặng của những “chiến sĩ áo trắng” vì sức khỏe nhân dân.
Các y bác sĩ ăn vội ổ bánh mì thay cơm để vào làm nhiệm vụ
Những đêm trắng nơi tuyến đầu
Sau khi nhận được tin có ca nhiễm Covid-19 đầu tiên trong cộng đồng tại Bình Dương ở ấp Cà Na, xã An Bình, huyện Phú Giáo, chúng tôi cùng đoàn cán bộ y, bác sĩ tỉnh lập tức lên đường khi trời đã gần sáng. Để kéo tôi ra khỏi suy nghĩ e ngại khi đi vào ổ dịch, bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế cất tiếng: “Đi theo anh hết dịch bệnh mới về nghe. Em, anh, mọi người có thể trở thành một F xác định nhưng mục tiêu cuối cùng là dập dịch, bảo vệ sức khỏe, giành lại cuộc sống an toàn cho người dân. Mình có lỡ thành F mấy cũng không sao đâu em”. Chưa kịp suy nghĩ tôi buông lời “Mà em vẫn sợ lắm anh ơi”. Thế là cả đoàn phá lên cười.
2 giờ sáng, xe chúng tôi dừng lại ở Sở Chỉ huy tiền phương tại xã Phước Hòa. Tại đây, lớp học được tận dụng làm nơi “tác chiến” lâu dài. Sau lớp khẩu trang kín mít, các thành viên trong Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch huyện Phú Giáo tỏ ra lo lắng vì ca bệnh đã được xác định, lần đầu tiên Phú Giáo ghi nhận ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Công tác truy vết, dập dịch còn ngổn ngang. Giữ tâm thế đầy lạc quan, không hoang mang nhưng rất cẩn trọng, đoàn triển khai phương án dập dịch thần tốc, tận dụng từng phút, từng giây truy vết đến cùng các trường hợp liên quan ngay trong đêm. Bác sĩ Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh điều hành đội lấy mẫu, sắp xếp triển khai lấy mẫu nhanh, chính xác nhất để rạng sáng kịp giao mẫu cho Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh làm xét nghiệm.
Nữ y tá làm việc trong Khu cách ly tập trung Trung tâm Y tế huyện Bàu Bàng bị ngất xỉu vì làm việc liên tục
Trong suốt 40 năm làm công tác dự phòng, trải qua nhiều đợt dịch nguy hiểm (tả, cúm A/H1N1, sởi, sốt xuất huyết…) và có những lúc phải ăn, ngủ ở rừng để dập dịch nhưng với bác sĩ Huỳnh Thanh Hà, đây là đợt chống dịch khá đặc biệt và đáng nhớ nhất. Ca nhiễm Covid-19 là chị bán gà với lịch trình di chuyển phức tạp đến nhiều nơi, ghé nhiều chỗ. Lúc thì chị đi trên các con đường trung tâm hành chính huyện, lúc thì đi vòng quanh chợ Phước Vĩnh để bán gà, mua đồ ăn, lúc khác chị lại đi giao gà tại các chợ Tam Lập, Vĩnh Hòa, Tân Long nên rất khó cho công tác truy vết. Để sàng lọc hết các F1, F2 liên quan đến chị thì như “mò kim đáy biển”.
Ý tưởng thành lập hàng loạt điểm hỗ trợ người dân khai báo y tế tại khu vực chợ và những địa điểm chị bán gà ghé qua ngay lập tức phát huy tác dụng. Người dân Phú Giáo đồng tình ủng hộ, thực hiện nghiêm “Khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tập trung - khai báo y tế” và dấy lên phong trào phát giác các trường hợp trở về từ vùng dịch không khai báo y tế, không thực hiện cách ly. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ của bác sĩ Huỳnh Thanh Hà, đội phản ứng nhanh huyện Phú Giáo đã thần tốc truy vết được 387 trường hợp tiếp xúc gần với các bệnh nhân và đưa đi cách ly. Tuy nhiên, để đánh giá dịch tễ học Covid-19 tại huyện Phú Giáo, ngay trong ngày 6-2 bác sĩ Hà đã chỉ đạo triển khai lấy mẫu xét nghiệm tại cộng đồng cho 877 trường hợp.
Những ổ bánh mì nguội thay cơm
Những ngày theo chân các cán bộ y, bác sĩ tỉnh tham gia chống dịch, rất nhiều hình ảnh trong Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khiến tôi không khỏi xúc động. Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế trong suốt hơn 10 ngày đêm hầu như không về nhà, bánh mì nguội thay cơm cùng các anh em y tế là chuyện thường tình. Lấy hội trường làm phòng làm việc, lấy ghế bố làm giường nghỉ lưng, tiến sĩ Chương đã chỉ đạo mạng lưới y tế toàn ngành truy vết thần tốc 700 trường hợp F1 và hơn 2.300 trường hợp F2 của 6 ca dương tính. Để đánh giá chính xác tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh, ông đã chỉ đạo, triển khai đồng loạt toàn ngành lấy mẫu xét nghiệm tầm soát cho hơn 1.400 công nhân lao động của 50 nhà máy, xí nghiệp và gần 1.200 người dân tại các địa bàn dân cư. Có những đêm ông ngủ gục ở hội trường Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, giật mình bật dậy, miệng khô khốc, người nóng lạnh thất thường nhưng rồi lại thở phào nhẹ nhõm khi nhận được kết quả các mẫu xét nghiệm đều âm tính.
Ấn tượng nhất với tôi trong những ngày phòng, chống dịch bệnh có lẽ là bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thành Danh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Dáng người cao to hoạt bát, nước da ngăm đen dễ mến, bác sĩ Danh trực tiếp tham mưu phương án triển khai và vận hành mạng lưới chuyên môn phòng, chống dịch bệnh. Trong thời gian qua, bác sĩ Danh vừa là người trực tiếp tham mưu chuyên môn cho lãnh đạo Sở Y tế vừa chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh vận hành hệ thống truy vết, cách ly và xử lý các trường hợp liên quan đến Covid-19. Ngoài trọng trách này, bác sĩ Danh còn đảm nhận nhiệm vụ tiếp nhận, vận chuyển mẫu xét nghiệm trong toàn tỉnh để có kết quả làm căn cứ tham mưu cho toàn ngành công tác phòng, chống dịch bệnh. Có thể nói, với công tác tham mưu này đã tôi luyện cho bác sĩ Danh trở thành người lãnh đạo dày dạn kinh nghiệm, dẫn dắt Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh ngày càng vững mạnh.
Có mặt và tận mắt chứng kiến công việc bộn bề của những “chiến sĩ áo trắng” mới thấu hiểu hết nỗi gian truân, sự hy sinh cống hiến của họ. Ở nơi tuyến đầu chống dịch bệnh, các y, bác sĩ, điều dưỡng luôn chủ động, linh hoạt trong mọi tình huống và bánh mì là những khẩu phần ăn tiện lợi thay cơm. Vào những ngày dịch bệnh bùng phát, khối lượng công việc nhiều nên tất cả các y, bác sĩ phải làm việc không kể ngày đêm. Nhiều cán bộ y bác sĩ ở Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Y tế huyện Phú Giáo hay Trung tâm Y tế TP.Thuận An phải thay nhau làm việc xuyên đêm nhưng sáng hôm sau vẫn phải bắt nhịp với guồng quay công việc mới. Dù vậy, phía sau những lớp khẩu trang in hằn lên mặt, những bộ quần áo bảo hộ nóng bức, mặc trong nhiều giờ vẫn là những nụ cười, sự nhiệt huyết, tận tâm của của lực lượng cán bộ y, bác sĩ sớm mong đẩy lùi dịch bệnh.
Bác sĩ Trần Tấn Tài, Trưởng phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế trải lòng: “Chúng tôi đã làm việc không kể ngày đêm để hoàn thành nhiệm vụ. Mỗi lần thấy người cách ly sức khỏe ổn định, kết quả xét nghiệm âm tính, mỗi lần nhận được thông báo trên toàn tỉnh chưa có người nhiễm bệnh là chúng tôi phấn khởi vô cùng, càng thấy ý nghĩa lớn lao công việc mà mình được giao, góp phần đem lại thành công trong trận chiến phòng, chống dịch bệnh Covid-19”.