| 30-12-2022 | 13:59:11

Những chính sách mới nổi bật có hiệu lực trong tháng 1 năm 2023

Sổ hộ khẩu.

Trong tháng 1-2023, nhiều chính sách nổi bật sẽ chính thức có hiệu lực, đơn cử như: ban hành phương thức tra cứu thông tin công dân thay cho sổ hộ khẩu giấy, tăng mức lãi suất cho vay hỗ trợ nhà ở.

Quy định mới về nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy

Nghị định số 104/2022/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2023.

Nghị định gồm 15 Điều, trong đó từ Điều 1 đến Điều 13 của Nghị định quy định việc sửa đổi, bổ sung các nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.

Nghị định số 104/2022/NĐ-CP bỏ quy định về việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công, chủ yếu thuộc nhiều lĩnh vực như: việc làm, bảo hiểm y tế, giáo dục, y tế, đất đai, thuế, nhà ở, nhà ở xã hội, điện lực, nuôi con nuôi…

Thay vào đó, khi thực hiện các thủ tục trên, người dân chỉ cần xuất trình một trong các loại giấy tờ: thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân, giấy xác nhận thông tin về cư trú, giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Nghị định cũng bãi bỏ, thay thế một số cụm từ liên quan tới quy định về sổ hộ khẩu tại các nghị định liên quan tới một số lĩnh vực cụ thể như: điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính trong lĩnh vực thông tin và truyền thông; hộ tịch, người có công, bảo trợ xã hội…

Tăng mức lãi suất cho vay hỗ trợ nhà ở lên 5,0%/năm

Đây là nội dung tại Quyết định 2081/QĐ-NHNN ngày 12/12/2022 (thay thế Quyết định 1956/QĐ-NHNN) về mức lãi suất của ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2023 đối với dư nợ của các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở theo quy định tại Thông tư 11/2013/TT-NHNN, 32/2014/TT-NHNN và 25/2016/TT-NHNN do Ngân hàng Nhà nước ban hành.

Cụ thể, mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2023 đối với dư nợ của các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở theo quy định tại Thông tư 11/2013/TT-NHNN, Thông tư 32/2014/TT-NHNN và Thông tư 25/2016/TT-NHNN là 5,0%/năm (tăng 0,2% so với mức lãi suất quy định tại Quyết định 1956/QĐ-NHNN năm 2021).

Theo Thông tư 11/2013/TT-NHNN (sửa đổi bởi Thông tư 32/2014/TT-NHNN), các ngân hàng cho vay áp dụng mức lãi suất nêu trên bao gồm: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam; Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam; Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam; Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam; Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long; các ngân hàng thương mại cổ phần khác do Ngân hàng Nhà nước chỉ định.

Điều chỉnh mức phụ cấp trách nhiệm cán bộ công đoàn cơ sở

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành Quyết định 5692/QĐ-TLĐ ngày 8/12/2022 (thay thế Quyết định 3226/QĐ-TLĐ ngày 20/9/2021) Quy định chế độ phụ cấp cán bộ công đoàn các cấp. Theo đó, quy định hệ số phụ cấp trách nhiệm cán bộ công đoàn cơ sở cao nhất là 1,00 (áp dụng với chủ tịch công đoàn).

Mức lương làm cơ sở tính hưởng phụ cấp quy định như sau: Công đoàn cơ sở khu vực hành chính, sự nghiệp nhà nước, mức phụ cấp hằng tháng = (Hệ số phụ cấp trách nhiệm) x (Mức lương cơ sở theo quy định của Nhà nước).

Mức lương cơ sở năm 2023 dự kiến như sau: Từ ngày 1/1-30/6/2023: 1.490.000 đồng/tháng (căn cứ Nghị định 38/2019/NĐ-CP ); từ ngày 1/7/2023: 1.800.000 đồng/tháng (căn cứ Nghị quyết 69/2022/QH15 ngày 11/11/2022).

Công đoàn cơ sở doanh nghiệp và công đoàn cơ sở ngoài khu vực nhà nước, mức phụ cấp hằng tháng = (Hệ số phụ cấp trách nhiệm) x (Mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Nhà nước).

Mức lương tối thiểu vùng năm 2023 áp dụng theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP, cụ thể: vùng I là 4.680.000 đồng/tháng; vùng II là 4.160.000 đồng/tháng; vùng III là 3.640.000 đồng/tháng và vùng IV là 3.250.000 đồng/tháng).

Hiện hành, mức phụ cấp trách nhiệm cán bộ công đoàn cơ sở được thực hiện theo Quyết định 3226/QĐ-TLĐ ngày 20/9/2021 và không phân biệt giữa công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp và khối nhà nước.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không còn 4 Tổng cục

Nghị định 105/2022/NĐ-CP ngày 22/12/2022 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có hiệu lực từ ngày 15/1/2023.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực: nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản, thủy lợi, phòng, chống thiên tai, phát triển nông thôn; quản lý nhà nước đối với các dịch vụ công trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của bộ theo quy định của pháp luật.

So với Nghị định 15/2017/NĐ-CP ngày 17/2/2017, bốn Tổng cục: Lâm nghiệp, Thủy sản, Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai được sắp xếp lại, tổ chức lại thành các cục.

Cụ thể, Tổng cục Lâm nghiệp được tổ chức lại thành Cục Lâm nghiệp và Cục Kiểm lâm. Tổng cục Thủy sản được tổ chức lại thành Cục Thủy sản và Cục Kiểm ngư. Tổng cục Thủy lợi được tổ chức lại thành Cục Thủy lợi. Tổng cục Phòng, chống thiên tai được tổ chức lại thành Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai.

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản sáp nhập với Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản thành Cục Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị trực thuộc bộ; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập khác trực thuộc bộ.

Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Tổng cục Thủy lợi, Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Tổng cục Lâm nghiệp, Tổng cục Thủy sản, Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và Phát triển nông thôn I, Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và Phát triển nông thôn II, Trung tâm Tin học và Thống kê, Trung tâm khuyến nông quốc gia tiếp tục duy trì hoạt động theo quy định hiện hành cho đến khi Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị quy định tại: 15, 16, 17, 18, 19, 20, 21, 23, 24, 25 và 26 nêu trên được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành có hiệu lực thi hành.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường bảo đảm kế thừa nhiệm vụ quyền hạn của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản; Cục Thủy lợi bảo đảm kế thừa nhiệm vụ quyền hạn của Tổng cục Thủy lợi; Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai bảo đảm kế thừa nhiệm vụ quyền hạn của Tổng cục Phòng, chống thiên tai; Cục Thủy sản, Cục Kiểm ngư bảo đảm kế thừa nhiệm vụ quyền hạn của Tổng cục Thủy sản; Cục Lâm nghiệp, Cục Kiểm lâm bảo đảm kế thừa nhiệm vụ quyền hạn của Tổng cục Lâm nghiệp theo quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên cho đến khi cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan.

Các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Tổng cục Thủy lợi, Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Tổng cục Lâm nghiệp, Tổng cục Thủy sản tiếp tục duy trì hoạt động theo quy định hiện hành cho đến khi có quyết định kiện toàn, sắp xếp lại của cấp có thẩm quyền.

Cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Ngày 12/12/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 102/2022/NĐ-CP về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1/1/2023.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là cơ quan ngang bộ của Chính phủ, Ngân hàng Trung ương của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối; thực hiện chức năng của Ngân hàng Trung ương về phát hành tiền, ngân hàng của các tổ chức tín dụng và cung ứng dịch vụ tiền tệ cho Chính phủ; quản lý Nhà nước các dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý của Ngân hàng Nhà nước.

Đáng chú ý, trong cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không còn Vụ Thi đua-Khen thưởng và Trường Bồi dưỡng cán bộ ngân hàng; bổ sung thêm Cục Quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước.

Vụ Chính sách tiền tệ có 6 phòng thay vì 7 phòng như trước đây. Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Vụ Tài chính-Kế toán có 5 phòng (quy định cũ có 6 phòng)…

Bên cạnh đó, Trường Bồi dưỡng cán bộ ngân hàng được hoàn thành các nhiệm vụ đang thực hiện cho đến khi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thực hiện xong việc sắp xếp tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản của Trường Bồi dưỡng cán bộ ngân hàng./.

Theo TTXVN

Chia sẻ