| 07-03-2017 | 22:53:14

Những đóa hồng lung linh

Người phụ nữ trong xã hội hiện đại không chỉ giỏi trong công việc nhà mà còn tích cực tham gia và gặt hái nhiều thành công rực rỡ trong các lĩnh vực xã hội. Mỗi người một vị trí, cương vị công tác khác nhau, tuy nhiên ở các chị đều có một điểm chung xuyên suốt là nỗ lực hết mình, khẳng định vị thế…

 Cô Phan Thị Thùy Trang: Tận tụy với sự nghiệp “trồng người”

 Trong đội ngũ nhà giáo tỉnh nhà, có biết bao người thầy suốt đời tận tụy với sự nghiệp “trồng người”. Trong số ấy có cô Phan Thị Thùy Trang, Hiệu trưởng trường Tiểu học Hưng Định (TX.Thuận An). 26 năm trong nghề, cô luôn để lại dấu ấn đẹp đối với đồng nghiệp, học sinh (HS) và các cấp lãnh đạo. Riêng tại trường Tiểu học Hưng Định, từ khi cô làm hiệu trưởng, chất lượng giáo dục của trường tiếp tục được nâng cao, nhiều năm liền được UBND tỉnh công nhận tập thể lao động xuất sắc và tặng bằng khen.

Thể hiện trách nhiệm của người đứng đầu của trường, cô đã dành nhiều thời gian, công sức cho công tác quản lý giáo dục. Cô luôn tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm các đơn vị bạn, sách nghiệp vụ, hướng dẫn nhiệm vụ năm học và căn cứ vào chủ đề năm học, từ đó đề ra những phương pháp quản lý hiệu quả, từng bước nâng cao chuyên môn nghiệp vụ giáo viên và chất lượng HS. Cô đã chỉ đạo tốt việc tổ chức khảo sát chất lượng HS, thực hiện thời khóa biểu linh hoạt, tổ chức các kỳ kiểm tra, các hội thi để có kế hoạch phụ đạo và bồi dưỡng HS kịp thời, chỉ đạo tốt việc bồi dưỡng HS giỏi… từ sự nhiệt tâm của người cán bộ quản lý, thầy trò của trường Tiểu học Hưng Định đạt nhiều giải thưởng ở các cuộc thi giáo viên giỏi, HS giỏi các cấp.

Xác định làm thầy vẫn phải học, cô không ngừng phấn đấu học tập bồi dưỡng chuyên môn, kinh nghiệm trong quản lý. Tham gia học tập đầy đủ các buổi tập huấn, sinh hoạt chuyên đề về chuyên môn, công tác bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên và cho bản thân. Sống trọn với nghề, cô Trang đã dành nhiều tâm huyết để có những sáng kiến đổi mới công tác quản lý. Nổi bật là sáng kiến: “Một số biện pháp chỉ đạo nâng cao chất lượng dạy học 2 buổi/ngày”. Từ những kinh nghiệm đã áp dụng thực tế ở trường, cô đã mạnh dạn chọn đề tài này dự thi cán bộ quản lý giỏi cấp tỉnh năm học 2015-2016, và cô đã xuất sắc đoạt giải nhất.

Cô Trang càng tỏa sáng hơn, đó là dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 năm học 2015-2016, cô vinh dự là 1 trong 2 nhà giáo của tỉnh được Bộ GD-ĐT tuyên dương nhà giáo tiêu biểu của cả nước.

 Chị Thái Thanh Thủy: Hết mình vì công nhân lao động

 Chị Thủy (bìa phải) đang làm giám khảo cuộc thi cắm hoa ở công ty

 Với gần 800 công nhân lao động (CNLĐ), để chăm lo tốt cho họ, công đoàn (CĐ) công ty TNHH Liên doanh Stada Việt Nam (TX.Thuận An) đã có nhiều việc làm thiết thực. Trong đó, tâm huyết với công tác, hết mình vì CNLĐ là nữ Chủ tịch CĐ công ty Thái Thanh Thủy.

Chị Thủy tâm sự, từ khi nhận nhiệm vụ là Chủ tịch CĐ công ty, chị luôn trăn trở phải làm thật tốt nhiệm vụ của mình, nhất là tham mưu Ban giám đốc (BGĐ) chăm lo cho CNLĐ. Vấn đề đầu tiên được chị đưa ra là sức khỏe của công nhân. Có sức khỏe mới làm tốt mọi việc, bởi vậy CĐ đề xuất tăng tiền ăn suất ăn giữa ca của công nhân lên 30.000 đồng, ngoài thức ăn chính còn có thêm trái cây. Đặc biệt hơn nữa là phục vụ thêm bữa ăn sáng ngay tại nhà xưởng cho công nhân.

Thấy cuộc sống CNLĐ ngoài tỉnh đến Bình Dương mưu sinh còn nhiều khó khăn, chị cùng các thành viên Ban chấp hành CĐ công ty đề nghị và được BGĐ chấp thuận tăng mức lương cơ bản của CNLĐ mới vào khoảng 4,2 triệu đồng/công nhân, cộng thêm các khoản phụ cấp cũng gần 5 triệu đồng (chưa tính tiền tăng ca, các chế độ về BHXH, BHYT, BHTN…). Đặc biệt, các dịp lễ, tết công ty đều tổ chức các hoạt động cho CNLĐ như thể thao, văn nghệ, họp mặt, nói chuyện chuyên đề… từ đó tạo cơ hội để BGĐ, cán bộ CĐ, công nhân hiểu thêm về nhau, góp sức đưa công ty ngày càng phát triển.

Trước mong muốn được học tập nâng cao trình độ của cán bộ, CNLĐ tại công ty, CĐ cùng BGĐ tạo điều kiện cho họ học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, tham gia tập huấn kỹ thuật tại nước ngoài để đáp ứng tốt nhất cho nhu cầu công việc. Chị Thủy nói: “Người làm CĐ không đơn giản là làm xong nhiệm vụ mà phải làm bằng cả cái tâm để có những cách làm hay, sáng kiến tốt đem lợi ích cho CNLĐ. Có như vậy mới thật sự xứng đáng là chỗ dựa tinh thần vững chắc của CNLĐ”. Chị Thủy gửi gắm, là một phụ nữ vừa làm công việc xã hội, vừa phải chăm lo tốt cho gia đình nên sẽ rất áp lực. Do đó, bản thân mỗi chị em phải biết sắp xếp mọi việc một cách khoa học, mặt khác cần nỗ lực hơn nữa để học tập nâng cao trình độ, năng lực, phấn đấu không ngừng để khẳng định bản lĩnh của mình.

Từ những nỗ lực đó, chị Thủy liên tục được CĐ VSIP, Liên đoàn Lao động tỉnh tặng bằng khen, giấy khen, tuyên dương cán bộ CĐ tiêu biểu.

 Cô Nguyễn Thị Phúc: Gắn bó với công tác dân số

 Cô Phúc (giữa) tham gia giao lưu chia sẻ về kinh nghiệm làm công tác DS-KHHGĐ trong một chương trình họp mặt của ngành

 Cô Nguyễn Thị Phúc là cộng tác viên dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) ấp 3, xã Tân Lập, huyện Bắc Tân Uyên. Với thâm niên 18 năm làm công tác DS-KHHGĐ, cô không ngại khó, ngại khổ khi đi vận động các đối tượng thực hiện KHHGĐ và ngày càng yêu công việc này hơn.

Trong công tác, cô thường kết hợp với Ban điều hành ấp, các thành viên trong Ban DS, tổ phụ nữ, nhất là Câu lạc bộ “Không sinh con thứ ba trở lên” để tuyên truyền, vận động về DS-KHHGĐ trong các buổi họp ấp, họp nhóm. Để tạo sự chuyển biến trong công tác DS-KHHGĐ tại địa bàn mình phụ trách, cô tích cực tuyên truyền nhằm làm cho chị em thấy rõ quyền lợi của mình sau khi thực hiện KHHGĐ bảo đảm đủ sức khỏe để có điều kiện nuôi dạy con. Từ đó, các chị tự nguyện đăng ký các biện pháp tránh thai hiện đại, các chị có con một bề cũng đăng ký đi đình sản. Những người đăng ký đặt vòng, đình sản, cấy tránh thai đều được cô hướng dẫn tận tình, tư vấn chu đáo, đưa đón đến trạm xá hoặc bệnh viện để thực hiện; sau khi về cô còn đến thăm hỏi, động viên kịp thời.

Ngay từ đầu năm, cô đã lập danh sách các chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và đối tượng chưa sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại để từ đó dễ dàng đi vận động. Nếu gặp khó khăn, cô chủ động đề xuất lên Ban DS nhờ hỗ trợ. Hàng tháng, cô thường đi phân phát dịch vụ tránh thai đến từng đối tượng; phân phối tài liệu truyền thông, tờ rơi về DS-KHHGĐ đến từng hộ gia đình và nhắc nhở bà con thực hiện để bảo vệ bản thân, xây dựng gia đình hạnh phúc. Những lúc huyện tổ chức tư vấn về DS-KHHGĐ, cô tích cực vận động chị em tham dự đầy đủ để nâng cao sự hiểu biết và áp dụng các biện pháp tránh thai có hiệu quả, biết cách chăm sóc sức khỏe sinh sản cho mình. “Mặc dù tiền thù lao hàng quý còn hạn hẹp, nhưng tôi vẫn phải phấn đấu hết năng lực, năng nổ, nhiệt tình trong công tác. Với sự quan tâm chỉ đạo của cấp trên, sự phối hợp nhịp nhàng của các ban ngành, đoàn thể, nhất là chị em trong hội phụ nữ, Ban điều hành ấp, tổ tư vấn KHHGĐ, cán bộ y tế đã giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ và đạt hiệu quả cao trong chương trình dân số. Nhiều năm liền, ấp 3 không có người sinh con thứ 3 trở lên và đạt ấp DS phát triển”, cô Phúc chia sẻ. Riêng bản thân cô cũng được ghi nhận bằng nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp, ngành trao tặng.

 SÁNG - LÝ - THUẬN

Chia sẻ