Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
- BS Võ Nguyễn Diễm Thy, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh cho biết, bình thường dưới da có sẵn tiền vitamin D. Dưới tác dụng của tia tử ngoại có trong ánh nắng mặt trời, tiền vitamin D được hoạt hóa thành vitamin D3 và được hấp thu trực tiếp vào máu. Lượng vitamin D3 này đáp ứng 70 - 80% nhu cầu của cơ thể, tùy theo điều kiện địa lý, khí hậu và màu da nếu tắm nắng mỗi ngày khoảng 20 phút.
Vitamin D có nguồn gốc bên ngoài được hấp thu trong ruột non kèm theo chất béo rồi được đưa vào máu. Vitamin D có ít trong thực phẩm tự nhiên trừ một vài cá biển béo, có ít trong sữa mẹ, có ít trong sữa bò, có nhiều hơn trong các loại sữa bột đã được bổ sung vitamin D. Điều này lý giải tại sao hầu hết trẻ em bị còi xương với nhiều mức độ khác nhau, từ nhẹ cho đến nặng mặc dù được ăn uống rất đầy đủ. Bình thường, nhu cầu vitamin D của trẻ bú mẹ là 400 đơn vị/ngày.
Vitamin D tham gia vào quá trình hấp thu, chuyển hóa canxi và phốt pho trong quá trình tạo xương. Bệnh còi xương là bệnh làm mềm và yếu xương ở trẻ em do thiếu hụt vitamin D ảnh hưởng tới hấp thu, chuyển hóa canxi và phốt pho trong quá trình tạo xương dễ dẫn đến biến dạng xương và gãy xương. Tuy nhiên, bệnh còi xương rất dễ nhận biết. Người mẹ cảm nhận rất rõ trẻ ngủ không yên giấc, vật vã hay giật mình, gắt ngủ, ngày thì ngủ lơ mơ đêm thì thức giấc. Nặng hơn thì bé quấy khóc, khóc đêm, thậm chí khóc suốt đêm. Trẻ bị còi xương thường ra nhiều mồ hôi, mồ hôi trộm, mồ hôi ướt tóc, ướt cả gối, áo.
Những biểu hiện khi trẻ bị xương mềm và biến dạng xương cũng thấy rất rõ: mềm xương sọ; thóp chậm liền, thóp rộng, bờ thóp mềm; bướu trán, chẩm, bướu đỉnh, đầu bẹt. Từ 6 - 12 tháng tuổi, trẻ xuất hiện các nốt ở đầu xương sườn và biến dạng lồng ngực, ngực dô ức gà, ngực lép, xương sườn cong. Sau 1 tuổi, biến dạng sẽ ảnh hưởng lên chân khi trẻ em đã tập đi: cong xương chi dưới hình chữ O, chữ X, đầu gối vẹo ra ngoài. Gù vẹo cột sống, khung chậu hẹp, chậm phát triển chiều cao. Chậm mọc răng, chất lượng răng kém, răng chóng mòn, sún răng.
Ngoài ra, còn có nhiều biểu hiện khác tương đối điển hình của bệnh còi xương, như: rụng tóc hình vành khăn, đau nhức xương dài ở trẻ lớn hơn. Một số triệu chứng không điển hình nhưng lại là hậu quả của bệnh còi xương như: biếng ăn, chậm tăng cân, táo bón…
Điều trị bệnh còi xương bằng vitamin D phối hợp canxi và cho trẻ tắm nắng mỗi ngày khoảng 20 phút là cần thiết để tạo vitamin D, phòng chống còi xương. Tuy nhiên, vitamin D là loại vitamin có thể gây ngộ độc khi sử dụng quá liều. Vì vậy, các bà mẹ không nên tự ý điều trị cho con mình mà cần được BS khám để được tư vấn và điều trị đúng cách.
CẨM LÝ (thực hiện)