| 14-11-2015 | 08:49:41

Những thông điệp đầy ý nghĩa từ một hội thi

 Ban Chỉ đạo đề án nâng cao nhận thức pháp luật cho thanh niên tỉnh vừa tổ chức thành công hội thi Tìm hiểu kiến thức pháp luật về hôn nhân gia đình (HNGĐ) và phòng chống bạo lực gia đình (BLGĐ) năm 2015. Cuộc thi đã mang những bài học quý giá, giúp đoàn viên thanh niên, người dân địa phương nâng cao nhận thức pháp luật…

 Hội thi thu hút gần 200 thí sinh đến từ 17 đơn vị trực thuộc Tỉnh đoàn. Các thí sinh là báo cáo viên, tuyên truyền viên xuất sắc và đoạt giải cao trong hội thi tìm hiểu pháp luật về HNGĐ và phòng chống BLGĐ do các Huyện, Thị, Thành đoàn và Đoàn trực thuộc tổ chức. Đến với hội thi, mỗi đơn vị đều mang theo những thông điệp ý nghĩa, từ những câu chuyện mà chúng ta có thể gặp hàng ngày trong cuộc sống. Đó là những tình huống chồng bạo hành vợ, cha bạo hành con hay ngược lại vợ bạo hành chồng, con; các trường hợp tảo hôn, mang thai hộ… Điển hình như đơn vị TP.TDM với tiểu phẩm “Tía ơi… đừng”; trường Đại học Thủ Dầu Một với tiểu phẩm phản ánh tình trạng thiếu hiểu biết về việc mang thai hộ, lên án cổ hủ “Nối dõi tông đường”… Mỗi tiểu phẩm các đội mang đến như gióng lên một hồi chuông cảnh báo về tình trạng vi phạm pháp luật HNGĐ và phòng chống BLGĐ của một bộ phận người dân ít hiểu biết, xem thường pháp luật.

 

Phần thi kịch diễn đàn của đơn vị trường Đại học Thủ Dầu Một
đã gây ấn tượng mạnh mẽ. Ảnh: N.NHƯ

Hội thi được chia thành 2 phần thi chính là trắc nghiệm kiến thức theo hình thức thi “Rung chuông vàng” và thi kịch diễn đàn tuyên truyền pháp luật với các tình huống thường xảy ra trong cuộc sống. Theo đó, ở phần thi kịch diễn đàn tuyên truyền pháp luật, thay vì mỗi đội sẽ diễn một tiểu phẩm có đầy đủ mở đầu, đoạn cao trào và kết thúc như thường lệ, điểm mới tại hội thi này là khi đội A diễn một tình huống pháp luật về HNGĐ và pháp luật phòng chống BLGĐ, khi đến đoạn cao trào sẽ tạm dừng lại để một thành viên của đội B (đội thi tiếp theo) lên xử lý tình huống. Khi thành viên đội B lên sân khấu, tình huống sẽ diễn lại từ đầu hoặc diễn tiếp theo tình huống của đội A nhưng phải có hướng xử lý, giải quyết của đội B. Sau khi diễn xong, đội A sẽ cử 1 báo cáo viên để phân tích tình huống diễn ra đúng hay sai theo quy định của pháp luật nhưng phải có dẫn chứng cụ thể theo các điều, khoản của pháp luật. Với cách thức thi như vậy, các đội có sự tương tác lẫn nhau, không chỉ tập trung cho phần thi của mình mà phải theo dõi tình huống của đội bạn để có cách xử lý tình huống hợp lý nhất. Đặc biệt, các tình huống sau khi thành viên đội B lên sân khấu đều được xử lý trực tiếp, không hề có kịch bản soạn trước, nên các đơn vị đã có sự tung hứng, phối hợp nhịp nhàng để đoạn kết của kịch diễn đàn có cái kết hợp lý, hợp tình.

Chị Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Trưởng ban tổ chức cuộc thi cho biết: “Hội thi nhằm khẳng định vai trò của tổ chức Đoàn trong công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các nội dung về pháp luật HNGĐ và pháp luật phòng chống BLGĐ. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức của đoàn viên, thanh niên toàn tỉnh trong việc chấp hành pháp luật của nhà nước. Đồng thời, hội thi cũng góp phần thúc đẩy hoạt động “Ngày pháp luật” trở thành phong trào sâu rộng trong cơ quan, tổ chức, nhân dân; tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho đoàn viên thanh niên có cơ hội giao lưu học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau trong việc xử lý các tình huống pháp luật”.

Cuộc thi cũng đã mang đến những bài học quý giá cho mỗi người, từng thành viên tham gia cuộc thi và cả những khán giả. Điều này sẽ góp phần xây dựng nên đội ngũ tuyên truyền viên, vận động gia đình, bạn bè, người dân hiểu và chấp hành đúng pháp luật trong các tình huống của đời sống gia đình và xã hội hiện nay, kịp thời ngăn chặn và đẩy lùi những sự việc đáng tiếc xảy ra.

NGỌC NHƯ

Chia sẻ