| 19-07-2013 | 00:00:00

Những thương binh sống đẹp giữa đời thường

Kỳ 1: Chuyện cổ tích ở một gia đình thương binh

Kỳ 2: 5 thương binh chung sức dựng xây cơ nghiệp

 Trong chiến tranh họ đã lên đường xông pha ra chiến trận, ngày trở về thân thể của họ không được vẹn toàn. Cuộc sống của họ rất đỗi khó khăn nhưng với bản chất của “anh bộ đội Cụ Hồ”, những người thương binh ấy đã nỗ lực hết mình để xây dựng công ty ngày một phát triển, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp. Đó là hình ảnh của những anh thương binh đang điều hành Công ty Cổ phần (CTCP) Thạnh Long.

   Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Mai Thế Trung (bìa trái, hàng trước) và nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hoàng Sơn trao biểu tượng Doanh nghiệp tiêu biểu cho Tổng Giám đốc Nguyễn Sanh

 

Từ chiến trường trở về đời thường

Một ngày giữa tháng 7, chúng tôi tìm về KCN Sóng Thần để tìm gặp những người “Thương binh tàn nhưng không phế”. Bởi trong thời bình những thương binh đã cùng nhau tổ chức làm ăn, phát triển cơ nghiệp không chỉ ổn định kinh tế gia đình, làm giàu mà còn góp phần phát triển kinh tế đất nước nói chung, Bình Dương nói riêng. Với dáng vẻ chân chất, giản dị và bước đi liêu xiêu, anh thương binh 2/4 Nguyễn Sanh, Tổng Giám đốc CTCP Thạnh Long, tâm sự: “Sinh ra và lớn lên tại quê hương Quảng Ngãi, năm 1969 tiếp nối truyền thống cách mạng của cha ông trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, tôi đã xung phong tình nguyện lên đường nhập ngũ tại chiến trường Quảng Ngãi. Năm 1972 không may bị thương (cụt chân phải) tại chiến dịch mùa hè đỏ lửa. Đến năm 1973, tôi được đơn vị đưa ra Bắc để an dưỡng tiếp tục chữa bệnh”.

Với bản chất “anh bộ đội Cụ Hồ” mặc dù vết thương đau đớn luôn hành hạ thể xác nhưng người thương binh 2/4 này quyết chí cố gắng học văn hóa để nâng cao trình độ cho mình. Sau năm 1975, anh Sanh vào Nam học nghề cơ khí tại Thủ Đức. Đến năm 1980, tốt nghiệp và anh ở lại giảng dạy tại trường Dạy nghề thương binh thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Mãi đến năm 1987, anh nghỉ chế độ mất sức. Vào những năm đầu thập niên 90, thời kỳ đầu của sự nghiệp đổi mới đất nước những người thương bệnh binh vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Thực hiện lời dạy của Bác: “Thương binh tàn nhưng không phế”, anh Sanh thành lập HTX vận chuyển bốc xếp kho bãi. Sau những năm tháng lăn lộn với nghề, anh đã lèo lái doanh nghiệp của mình đi đến thành công. Trên “mặt trận” kinh kế, những thương binh chúng tôi không phải đối mặt với kẻ thù xâm lược mà kẻ thù ấy lại chính là những vết thương do chiến tranh còn để lại trong mỗi cơ thể luôn đau đớn hành hạ, là sự thiếu thốn về học vấn, về vốn… Với quyết tâm chiến thắng của người lính trên mặt trận mới, tôi đã “đầu tàu gương mẫu” trong công ty để động viên anh em đoàn kết, vượt qua khó khăn”, anh Sanh tâm sự.

5 thương binh cùng chung ý chí

Trải qua bao năm tháng chiến tranh ác liệt, trở về cuộc sống thời bình với phần cơ thể không còn lành lặn, với vết thương nặng, nhẹ khác nhau nhưng 5 anh thương binh tại CTCP Thạnh Long đều cùng chung ý chí vượt qua nỗi đau về thể xác và tinh thần, vươn lên trong cuộc sống, xây dựng cơ nghiệp, đóng góp công sức để điều hành công việc trôi chảy. “Cơ duyên cũng đến với tôi khi vừa thành lập CTCP Thạnh Long. Từ Trưởng phòng tổ chức đến các chức danh lãnh đạo khác đều là thương binh. CTCP Thạnh Long cũng tập trung được 5 thương binh từ các vùng miền về đây cùng nắm tay nhau gắn kết xây dựng công ty phát triển cho đến ngày hôm nay”, Tổng Giám đốc Nguyễn Sanh vui mừng chia sẻ. Những anh thương binh đang ngày đêm đóng góp sức mình để xây dựng CTCP Thạnh Long ngày càng phát triển như các anh: Tổng Giám đốc Nguyễn Sanh, thương binh 2/4 là đầu tàu trong điều hành công việc. Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Thạnh, thương binh 1/4. Dù ngồi trên xe lăn đến công ty làm việc mỗi ngày nhưng nghị lực thương binh “tàn nhưng không phế” của anh thương binh Thạnh là một minh chứng. “Thương binh dù nặng hay nhẹ đều có những khó khăn hơn nhiều so với người lành lặn. Tuy nhiên, anh em chúng tôi luôn cố gắng sống có ích hết phần đời còn lại sao cho xứng đáng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đã dành cho và xứng đáng với hình ảnh người lính bộ đội Cụ Hồ”, anh Thạnh cho biết. Sau những năm tháng phục vụ trong quân ngũ, năm 1984 hoàn thành nhiệm vụ tại chiến trường Cumpuchia, anh Trần Duy Thanh được phục viên trở về quê hương với tài sản duy nhất là chiếc ba lô và mang trên mình thương tật hạng 2/4. Nhưng phát huy phẩm chất của người lính Cụ Hồ, anh gia nhập vào CTCP Thạnh Long từ ngày đầu thành lập. Hiện nay với chức vụ Phó Giám đốc Kế hoạch điều hành, anh thương binh Trần Duy Thanh luôn gương mẫu đi đầu trong công việc. Anh Hàn Quốc Lượng thương binh 2/4, Trưởng phòng Điều hành cũng là một trong những thương binh điển hình của công ty.

Tổng Giám đốc CTCP Thạnh Long NGUYỄN SANH:

“Với tất cả tâm huyết của mình, còn sức khỏe, tôi tiếp tục điều hành, xây dựng công ty phát triển. Chính công việc đã giúp tôi cũng như những anh em thương binh đang làm việc tại CTCP Thạnh Long vơi bớt nỗi đau thể xác do vết thương chiến tranh để lại trong cơ thể mỗi khi trái gió trở trời. Ngày đầu “khởi nghiệp”, chúng tôi là những thương binh đã phải đối mặt với không ít khó khăn, bỡ ngỡ. Tuy nhiên, bằng sự nhạy bén, nhất là ý chí, nghị lực của người lính Cụ Hồ, anh em chúng tôi đã vượt qua khó khăn đưa doanh nghiệp hoạt động ngày càng hiệu quả. Nhưng có lẽ niềm vui lớn nhất của chúng tôi bây giờ là cả 5 người đều là thương binh có cùng chung chí hướng để điều hành công ty”.

Dù các anh có hoàn cảnh và đến từ nhiều vùng miền khác nhau nhưng với bản chất của người lính, các anh đều có chung chí hướng để xây dựng công ty ăn nên làm ra. “Những ngày đầu mới thành lập, cơ sở vật chất khó khăn, quy mô hoạt động sản xuất, kinh doanh hạn hẹp. Trong chặng đường hoạt động, CTCP Thạnh Long ngày càng phát triển để khẳng định được thương hiệu của mình. Đến nay, công ty đã có trụ sở làm việc khang trang, bộ máy điều hành sản xuất, kinh doanh có quy mô, bảo đảm xử lý tốt nhất các yêu cầu của một công ty bốc xếp có tầm cỡ. Chức năng của CTCP Thạnh Long là hoạt động vận chuyển, bốc xếp, giao nhận hàng hóa, khai thác kho bãi, cho thuê lao động và ủy thác xuất khẩu. Từ chỗ ban đầu chỉ có vài chục người nhưng đến nay số công nhân đã tăng lên 3.000 - 4.000 lao động. Qua đây cho thấy rằng: CTCP Thạnh Long phát triển theo thời gian và làm ăn có hiệu quả, số công nhân tăng theo sự phát triển của công ty. Điều vui nhất là hiện nay, công ty đã tạo công ăn việc làm cho số lượng lớn lao động với mức thu nhập khá ổn định. Cũng xuất phát từ tấm lòng nên trong khâu tuyển dụng, công ty luôn chú ý và ưu tiên tuyển dụng những lao động thuộc đối tượng chính sách, bộ đội xuất ngũ để tạo điều kiện cho họ có việc làm ổn định”, Tổng Giám đốc Nguyễn Sanh vui mừng cho biết.

Với hướng đi đúng đắn, là người khiêm tốn, dám nghĩ, dám làm, 5 thương binh là “hạt nhân” tại CTCP Thạnh Long đã ngày đêm đóng góp công sức của mình bằng cách giải quyết việc làm ổn định cho hàng ngàn lao động và tham gia đóng góp vào các phong trào ở địa phương để góp phần xây dựng quê hương ngày một phát triển. Với những nỗ lực và ý chí, các anh đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen cấp trên trao tặng. Riêng bản thân anh Nguyễn Sanh được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh trao tặng.

Kỳ 3: Tình đồng đội giữa đời thường

 VĂN SƠN
Chia sẻ