Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Mấy chục năm trước, các cô chú là những thanh niên căng tràn nhựa sống của tuổi thanh xuân. Chiến trường Đông Nam bộ in dấu chân họ. Không nề hà gian khó, tất cả quyết hy sinh cho non sông liền một dải. Nay, những mái đầu bạc về được bên nhau trong buổi họp mặt truyền thống quả là một niềm vui không thể nào tả hết…
Các cựu chiến binh Thủ - Biên năm xưa nay gặp nhau trong niềm hân hoan.
Ảnh: Q.NHƯ
Một thời oanh liệt
Buổi họp mặt truyền thống kháng chiến Thủ - Biên thường niên lần thứ 26 được tổ chức ở Bình Dương mới đây trong không khí xúc động, ngậm ngùi. Những người lính ngày nào giờ đã trở thành ông, bà và đã nghỉ hưu an dưỡng tuổi già. Họ gặp lại nhau tay bắt mặt mừng, những câu chuyện của ngày xưa, ngày nay kéo dài mãi tưởng chừng không dứt. Ai cũng có một thời tuổi trẻ và tuổi trẻ của các cô chú thật đáng tự hào lắm thay!
“…Anh em đồng đội ngày xưa người còn, người mất. Thế nên không có gì vui bằng gặp lại anh em để nói về một thời quá gian khổ nhưng cũng rất hào hùng. Gặp để thấy cuộc sống hòa bình luôn hạnh phúc biết bao!...” (ông TRỊNH HOÀN CHÂU, nguyên cán bộ tình báo) |
Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Văn Nam (con trai trưởng của thi tướng Huỳnh Văn Nghệ), Trưởng ban Liên lạc truyền thống kháng chiến Thủ - Biên cho biết, 26 năm qua, Ban Liên lạc luôn tổ chức một cuộc gặp đầy ân tình vào dịp sau Tết Nguyên đán hàng năm. Buổi họp mặt tạo điều kiện để các cựu chiến binh Thủ - Biên gặp gỡ, thăm hỏi nhau và ôn lại những ngày hào hùng đồng cam cộng khổ góp phần đi đến thắng lợi của dân tộc. Trong bài phát biểu của mình, ông Nam nhắc lại: từ tháng 5-1951 đến cuối năm 1954, chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sáp nhập tỉnh Biên Hòa với tỉnh Thủ Dầu Một thành tỉnh Thủ - Biên. Địa giới tỉnh Thủ - Biên bao gồm phần đất các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, quận Thủ Đức, quận 2, quận 9 (TP.Hồ Chí Minh ngày nay). Trừ huyện Long Thành lúc này được giao về tỉnh Bà Rịa - Chợ Lớn. Cuối năm 1954, tỉnh Thủ Biên được tách ra lập lại hai tỉnh: Biên Hòa và Thủ Dầu Một. Từ tháng 9-1960 đến tháng 7-1961, chính quyền Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tái lập tỉnh Thủ Biên. Tháng 7-1961, tỉnh Thủ Biên được tách thành 3 tỉnh: Thủ Dầu Một, Biên Hòa và Phước Thành. Thủ - Biên, Chiến khu Đ được xem là chiến trường ác liệt của miền Đông Nam bộ trong 2 cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ cứu nước. Quân và dân miền Đông Nam bộ đã không tiếc xương máu của mình đi theo tiếng gọi cứu quốc thiêng liêng của Đảng, Bác Hồ.
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Tào (hiện sống ở TP.HCM) cũng đã nhắc lại truyền thống của một thời oanh liệt. Ông nói đến tinh thần của chiến sĩ cách mạng Chiến khu Đ hồi đó làm cho kẻ thù phải khiếp sợ khi đối mặt. Ông cũng nhắc nhở đến đồng đội ông đã hy sinh cho ngày thống nhất đất nước. Mọi người cảm động hơn khi vị anh hùng đọc mấy câu thơ: “Người chiến sĩ năm xưa/ Mái tóc đã hoa râm/ Vẫn chưa rời tay súng…”. Đó là ông nhắc thế hệ sau đừng bao giờ quên đi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, luôn sẵn sàng tinh thần chiến đấu, hy sinh khi Tổ quốc cần…
Vui ngày gặp lại…
Có ai đó nhắc nhở về những người không đến buổi họp mặt. Có ai đó thoáng chút ngậm ngùi. Bởi, ở vào tuổi “cổ lai hy trở lên” như các cô chú nói thì chuyện “ra đi” mãi là điều khó nói trước. Thế mới thấy quý hơn những người đang mang trong mình nhiều thương tích do tù đày, do chiến tranh để lại vẫn cố gắng đến để được gặp lại đồng đội cũ.
Tham dự và phát biểu tại buổi họp mặt, ông Phạm Văn Cành, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: “Truyền thống kháng chiến Thủ - Biên là trang sử vẻ vang của thế hệ cha anh từng kháng chiến ở chiến trường Đông Nam bộ. Sự phát triển của các tỉnh, thành Đông Nam bộ hôm nay có đóng góp rất lớn của thế hệ cha anh đi trước. Thế hệ sau phải tiếp tục đoàn kết, xây dựng quê hương, đất nước vững mạnh, bảo đảm an sinh xã hội… mới đáp lại mong mỏi của thế hệ cha ông chúng ta, để xứng đáng với sự hy sinh của các chiến sĩ cách mạng cho độc lập dân tộc…”. |
Cô Nguyễn Thị Ngọc, ở phường Lái Thiêu, TX.Thuận An nay đã 84 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn. Cô kể về những tháng ngày tham gia công tác ở Hội Phụ nữ tỉnh Thủ - Biên, về những lần bị địch bắt giam và tra tấn dã man vào năm 1968. Vượt qua được bao gian nan vất vả như thế nên hôm nay, gặp lại bạn bè cũ, cô thật vui mừng và “dường như thấy mình trẻ lại”. Chú Trịnh Hoàn Châu, nguyên là một cán bộ tình báo, hiện sống ở TP.HCM cũng nói: “Tôi nay đã 80 tuổi rồi, anh em đồng đội ngày xưa người còn, người mất. Thế nên không có gì vui bằng gặp lại anh em để nói về một thời quá gian khổ nhưng cũng rất hào hùng. Gặp để thấy cuộc sống hòa bình luôn hạnh phúc biết bao!”. Và, nói như cô Nguyễn Thị Minh Tâm (TP.HCM) - Phó ban Liên lạc truyền thống kháng chiến Thủ - Biên là: “Chúng ta bây giờ được Đảng, Nhà nước quan tâm rất nhiều nhưng cái thiếu là thiếu tình cảm đồng đội cũ dành cho nhau. Bởi, bây giờ ai cũng tuổi cao sức yếu, lại sống ở các tỉnh, thành khác nhau nên nếu không có những buổi họp mặt thường niên như thế này thật khó có dịp gặp nhau mà ôn chuyện cũ…”. Cô cũng cảm động khi Bình Dương đăng cai năm nay đã tổ chức thật chu đáo, tràn đầy tình cảm dành cho thế hệ các cô chú đã chiến đấu oanh liệt một thời...
Cuối năm 1954, tỉnh Thủ - Biên được tách ra lập lại hai tỉnh Biên Hòa và Thủ Dầu Một. Từ tháng 9 năm 1960 đến tháng 7 năm 1961, chính quyền Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tái lập tỉnh Thủ - Biên. Tháng 7 năm 1961, tỉnh Thủ Biên được tách thành 3 tỉnh Thủ Dầu Một, Biên Hòa và Phước Thành. Thủ - Biên, Chiến khu Đ được xem là chiến trường ác liệt của miền Đông Nam bộ trong 2 cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ cứu nước. Quân và dân miền Đông Nam bộ đã không tiếc xương máu của mình đi theo tiếng gọi cứu quốc thiêng liêng của Đảng, Bác Hồ…
QUỲNH NHƯ