| 01-11-2011 | 00:00:00

Niềm vui song hành nỗi lo!

Theo số liệu xác định dân số thế giới tương đối chính xác của Liên hiệp quốc (LHQ) thì hôm qua 31-10-2011, nhân loại trên thế giới đã đạt ngưỡng 7 tỷ người. Cùng với niềm vui đón chào sự hiện diện của người công dân thứ 7 tỷ trên địa cầu thì nhân loại cũng đang đứng trước những nỗi lo và thách thức từ chính sự bùng nổ của dân số trên hành tinh.

Được biết kể từ ngày đầu tiên xuất hiện trên trái đất, loài người mất khoảng 200.000 năm để đạt dân số 1 tỷ người vào năm 1804. Nhưng từ cột mốc 6 tỷ người (vào ngày 31-10-1999) đến con số 7 tỷ người (31-10-2011) chỉ mất vỏn vẹn 12 năm mà theo Quỹ Dân số LHQ (UNFPA), sự phát triển của khoa học kỹ thuật, giáo dục và kinh tế là nguyên nhân bùng nổ dân số nửa sau thế kỷ XX. Cụ thể là, tuổi thọ trung bình của con người tăng từ 48 tuổi từ đầu thập niên 1950 lên 68 tuổi hiện nay. Bên cạnh đó, các chương trình tiêm ngừa trên diện rộng và điều kiện vệ sinh, y tế được cải thiện cũng đã giúp giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em.

Điều đáng lưu ý là, trung bình cứ mỗi giây trôi qua, thế giới có 4 em bé sinh ra và 2 người qua đời và như vậy bình quân mỗi ngày dân số toàn cầu tăng khoảng 200.000 người. Nếu giữ tỷ lệ tăng trưởng như hiện tại là 1,2%/năm thì dân số thế giới sẽ đạt 100 tỷ người vào năm 2200 và 1.000 tỷ người vào năm 2450. Song, trên thực tế điều này khó thể xảy ra do tỷ lệ tăng dân số đã giảm dần từ nhiều năm qua (năm 1960, tỷ lệ này là 2%, đến nay đã giảm khoảng một nửa). Tuy nhiên, tỷ suất sinh của một số khu vực thuộc khu vực châu Phi hạ Sahara vẫn còn rất cao thí dụ như ở Niger, trung bình một phụ nữ có khoảng 7 con... do đó theo dự báo, người châu Phi sẽ ngày càng đông đúc và chiếm 35,3% dân số toàn cầu vào năm 2100.

Đó mới chỉ là những con số dự đoán trong tương lai, còn trước mắt với sự tăng trưởng dân số đạt 7 tỷ người thực tế hiện nay thì nhiều nỗi lo có thật, những thách thức trong cuộc sống, trong sự sinh tồn đang hiển hiện trước mắt chúng ta, đó là: khoảng 1 tỷ người đang thiếu ăn; nước thải trong hoạt động của con người thải ra ngày càng nhiều (khoảng 2.700 tỷ lít nước thải/ngày)  khiến 960.000 ha rừng biến mất hoặc trở nên kiệt quệ; nguồn nước ngầm bị ô nhiễm; nhiều diện tích đất mất hết độ màu mỡ; tỷ lệ thất nghiệp gia tăng; khoảng cách giữa giàu và nghèo, giữa nông thôn và thành thị ngày càng xa... Và một số nơi còn có thể xuất hiện tình trạng đa phu do một thời gian dài tồn tại tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”, dẫn đến tình trạng nam nhiều hơn nữ... vì theo báo cáo của LHQ, nam giới hiện đang nhiều hơn nữ giới khoảng 150 triệu người nên đã làm thay đổi tỷ lệ để giữ sự cân bằng tự nhiên - ở một số nơi như Trung Quốc tỷ lệ này là 120 nam - 100 nữ, ở Ấn Độ hay Việt Nam là 112 nam - 100 nữ thay vì phải là 106 nam - 100 nữ (nam giới phải đông hơn vì tuổi thọ trung bình của nữ giới thường cao hơn)...

Nỗi lo của sự bùng nổ dân số không chỉ ảnh hưởng đến thế giới mà cũng ảnh hưởng trực tiếp đến đất nước ta. Theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thì sau 50 năm thực hiện KHHGĐ, mức sinh ở Việt Nam giảm mạnh với một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ hiện trung bình chỉ có 2 con. Tuy nhiên, nước ta đang trong giai đoạn mức sinh có thể tăng trở lại do nhiều yếu tố tác động như tâm lý muốn có đông con và muốn có con trai. Bên cạnh đó, mật độ dân số của nước ta thuộc nhóm cao trên thế giới (259 người/km2 đất canh tác), nên diện tích đất canh tác bình quân đầu người ngày càng thu hẹp, chỉ còn 0,1 ha/người, bằng ¼ mức diện tích canh tác tối thiểu để bảo đảm an ninh lương thực theo tiêu chuẩn của FAO. Song, điều đáng mừng là theo báo cáo của Quỹ Dân số LHQ, Việt Nam hiện có nhóm dân số trẻ lớn nhất trong lịch sử với 1/3 dân số cả nước ở độ tuổi từ 10 - 24, nếu được đầu tư đúng mức đây sẽ là lợi thế đáng kể trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Mặt khác, nước ta đang có cơ cấu dân số vàng với số người trong độ tuổi lao động ngày càng tăng lên... nếu biết tận dụng, lực lượng này sẽ giúp tăng 30% tổng sản phẩm quốc dân và tăng tích lũy để đầu tư phát triển cho đất nước...

VÕ HƯƠNG

Chia sẻ