Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Góp phần vào thành tích chung của ngành giáo dục huyện Dầu Tiếng những năm qua phải kể đến những tấm gương nhà giáo tiêu biểu trong sự nghiệp “trồng người” với sự tìm tòi, đổi mới trong cách truyền đạt kiến thức cho học sinh.
Đổi mới phương pháp giảng dạy
Tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Trường Đại học Thủ Dầu Một vào năm 2017 và được phân công về công tác tại Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (thị trấn Dầu Tiếng), trong suốt 7 năm gắn bó với ngôi trường này, cô Lương Hoàng Quế Hương luôn nỗ lực trau dồi chuyên môn, tự rèn luyện, tích cực đổi mới, sáng tạo, có nhiều giải pháp để tổ chức hoạt động giáo dục hiệu quả.
Cô giáo Lương Hoàng Quế Hương trong giờ lên lớp
Giảng dạy bộ môn ngữ văn, để tránh đi vào lối mòn, cô Hương luôn trăn trở tìm phương pháp dạy học sao cho học sinh (HS) hứng thú trong mỗi giờ học. Với phương pháp đổi mới, cô Hương đã biến mỗi tiết học trở nên sống động, thiết thực. “Khi xây dựng kế hoạch bài dạy, giáo án tôi lồng ghép trò chơi, game hóa ngôn ngữ văn trong phần vận dụng khiến HS thích thú tham gia thay vì trả lời những câu hỏi khô khan. Một trò chơi đố vui có thể áp dụng bằng nhiều hình thức nhằm tạo hứng thú học tập cho các em, đồng thời giúp HS thoát khỏi lối học thụ động, giúp phát huy hết khả năng, tinh thần tự học của các em”, cô Hương nói.
Cũng theo cô Hương, theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, giáo viên đóng vai trò chỉ dẫn, hướng dẫn các em. Đối với môn ngữ văn, HS phải có sự chuẩn bị ở nhà và phải là người chủ động tìm hiểu kiến thức. Không chỉ truyền đạt kiến thức, cô Hương còn chú trọng giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho các em HS.
Với lòng say mê, sự nỗ lực phấn đấu và tâm huyết với nghề, cô Hương đã đạt được nhiều thành tích là 2 năm liên tiếp đạt “Lao động tiên tiến” cấp huyện; đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua” cấp cơ sở, giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh và giáo viên trẻ tiêu biểu tỉnh Bình Dương...
Hiểu học sinh để truyền đạt hiệu quả
Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống nghề giáo, mẹ là giáo viên đã gắn bó cả đời với bục giảng nên đã truyền cảm hứng và tình yêu nghề cho cô Huỳnh Thị Phương Thảo, giáo viên Trường Tiểu học Bến Súc (xã Thanh Tuyền).
Cô giáo Huỳnh Thị Phương Thảo hướng dẫn học sinh trong một tiết học thực hành STEM
Cô Thảo kể lại, ngày còn bé cô thường được theo chân mẹ đến trường, chứng kiến mẹ miệt mài với từng bài giảng. Chính những khoảnh khắc ấy đã nuôi trong cô một ước mơ được đứng trên bục giảng, truyền đạt kiến thức cho thế hệ tương lai.
Sau khi học hết THPT, Thảo quyết định chọn ngành giáo dục tiểu học của Trường Đại học Thủ Dầu Một để theo học. Đến năm 2020 cô ra trường và được phân công về công tác tại Trường Tiểu học Bến Súc cho tới bây giờ.
Với cô Thảo, dạy tiểu học là một hành trình khám phá đầy thú vị, đòi hỏi sự kiên nhẫn và sáng tạo. Độ tuổi này các em rất hiếu động, tò mò và dễ bị phân tán sự chú ý. Để giúp các em nhỏ yêu thích việc học, cô thường tạo ra những cuộc thi đua nho nhỏ, kết hợp với phần thưởng để khơi gợi tinh thần thi đua lành mạnh. Cô Thảo chia sẻ: “Mỗi khi các con hoàn thành tốt bài tập, tôi thường dành tặng cho các con một ngôi sao nhỏ và kèm theo những lời khen ngợi. Cuối tháng, những bạn nào có nhiều ngôi sao nhất sẽ được nhận quà. Điều này không chỉ giúp các con hứng thú hơn với việc học mà còn tạo ra một không khí lớp học vui vẻ, sôi động”.
Trong quá trình công tác, cô Thảo đã đạt nhiều danh hiệu, nổi bật nhất là thành tích giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh năm học 2023-2024; giải khuyến khích hội thi “Giáo viên dạy giỏi - Giải thưởng Võ Minh Đức” giáo dục tiểu học cấp tỉnh năm học 2023- 2024. Năm 2024, đề tài “Giải pháp tổ chức dạy học thông qua trò chơi trong hoạt động viết môn tiếng Việt lớp 2D Trường Tiểu học Bến Súc” do cô thực hiện đã được Hội đồng đánh giá sáng kiến Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Dầu Tiếng công nhận nhờ hiệu quả tích cực mang lại, đó là giúp các em HS đều hứng thú và tích cực hơn trong môn học.
TIẾN HẠNH