Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Để giúp doanh nghiệp (DN) vượt qua khó khăn phục hồi sản xuất, xuất khẩu, tỉnh đã chỉ đạo các ngành thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, nhất là các chính sách về thuế, tăng khả năng tiếp cận, tập trung vốn tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường... Từ đó, góp phần cho bức tranh kinh tế tỉnh nhà 8 tháng của năm có nhiều điểm sáng đáng ghi nhận.
Sản xuất công nghiệp phục hồi
Ông Ngô Văn Mít, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh, cho biết qua công tác điều tra, thống kê trong tháng 8-2023, tình hình sản xuất của ngành công nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực, song mức độ hồi phục chậm. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8 ước tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 9,9% so với cùng kỳ. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tương ứng tăng 1,2% so với tháng trước và tăng 10,1% so với cùng kỳ.
Hàng hóa xuất nhập khẩu tập kết tại Cảng Bình Dương. Ảnh: NGỌC THANH
UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN, nhất là các chính sách về thuế, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng, tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, tăng cường hiệu quả cải cách thủ tục hành chính, tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường...
Trị giá kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh tháng 8-2023 ước đạt hơn 3 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ. Trong 8 tháng qua, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu chiếm tỷ trọng cao nhất của tỉnh với tổng kim ngạch đạt hơn 7 tỷ USD, chiếm 34,4%; thị trường EU ước đạt hơn 2,5 tỷ USD, thị trường Nhật Bản ước đạt hơn 1,4 tỷ USD; Trung Quốc ước đạt 633 triệu USD; Hàn Quốc ước đạt 535 triệu USD; Thái Lan ước đạt gần 354 triệu USD. |
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng quyết liệt chỉ đạo đẩy mạnh công tác giải ngân vốn đầu tư công để tạo thêm động lực cho tăng trưởng kinh tế, tạo thị trường cho các ngành công nghiệp như cơ khí, thép, vật liệu xây dựng… Cùng với đó, triển khai các giải pháp hiệu quả để tìm kiếm thị trường cho sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo. Qua đó, giải phóng năng lực sản xuất để gia tăng hơn nữa mức tăng trưởng bởi đây là ngành chủ đạo, dẫn dắt toàn ngành công nghiệp. Lũy kế 8 tháng năm 2023, Chỉ số IIP của tỉnh ước tính tăng 3,4% so với cùng kỳ.
Chế biến gỗ tiếp tục là ngành xuất khẩu chủ lực của tỉnh. Tuy nhiên, trong bối cảnh lạm phát gia tăng, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, kim ngạch xuất khẩu giảm, khiến nhiều DN thiếu đơn hàng. Dù khó khăn, các DN vận dụng các cơ hội xúc tiến thương mại, giao thương bằng cách tham gia các hội chợ trong nước, nước ngoài để tìm kiếm khách hàng, thị trường mới. Trong khi đó, ngành may mặc vẫn đối mặt nhiều khó khăn với sự thiếu hụt về đơn hàng và chi phí đầu vào tăng cao, các thị trường xuất khẩu chính vẫn chưa phục hồi.
Tuy nhiên, vẫn có một số ngành tăng trưởng dương, góp phần thúc đẩy chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng của năm 2023 tăng 3,4% so với cùng kỳ, đó là ngành sản xuất chế biến thực phẩm tăng 8,8%; đồ uống tăng 22,3%; thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 14%; sản phẩm điện tử, máy tính và sản phẩm quang học tăng 13,1%...
Duy trì xuất siêu cao
Trong bối cảnh cầu thế giới sụt giảm, lạm phát và thực trạng suy thoái kinh tế diễn ra ở nhiều quốc gia, làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn, do đó đã ảnh hưởng đến kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của tỉnh. Với các biện pháp tích cực, đồng bộ của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trong nước, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, hoạt động xuất nhập khẩu trong 8 tháng năm 2023 của tỉnh đã có những tín hiệu tích cực. Theo đó, Bình Dương xuất siêu 6,1 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế có vốn đầu tư trong nước xuất siêu 1,8 tỷ USD, khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài xuất siêu 4,3 tỷ USD.
Các sản phẩm gỗ tiếp tục chiếm tỷ trọng cao và là một trong những “điểm sáng” về kim ngạch xuất khẩu, nhưng do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN trong ngành. Riêng tình hình xuất khẩu hàng dệt may dự báo sẽ cải thiện dần, bởi khó khăn còn kéo dài hết năm 2023. Nhiều DN dệt may đến nay vẫn chưa đủ đơn hàng cho sản xuất những tháng cuối năm.
Đóng gói mủ cao su xuất khẩu tại Công ty TNHH Một thành viên Cao su Dầu Tiếng
Nhà đầu tư đặt niềm tin
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, từ ngày 1 đến 15-8, tỉnh đã thu hút được 367 DN đăng ký kinh doanh mới, tăng 58,9% so với cùng kỳ, với tổng số vốn hơn 3.165 tỷ đồng, tăng gấp 2,4 lần so với cùng kỳ. Riêng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tỉnh đã thu hút hơn 231 triệu USD, tăng gấp 5,1 lần so với cùng kỳ. Tính từ đầu năm đến ngày 15-8, tỉnh đã thu hút hơn 1,2 tỷ USD vốn FDI. Thực tế thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước vừa nêu cho thấy doanh nghiệp, nhà đầu tư vẫn đặt sự tin tưởng vào Bình Dương với nhiều tiềm năng, cơ hội để phát triển.
Bên cạnh đó, vốn đầu tư xã hội, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công cho các dự án, công trình trên địa bàn đạt kết quả khả quan đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển. Cụ thể, vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước thực hiện trong 8 tháng gần 1.948 tỷ đồng, tăng gấp 2,3 lần so với cùng kỳ. Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước tỉnh, tình hình giải ngân kế hoạch đầu tư công từ đầu năm đến ngày 15-8 hơn 6.000 tỷ đồng, đạt 32,1% kế hoạch năm, trong đó vốn ngân sách cấp tỉnh 5.192 tỷ đồng, ngân sách cấp huyện 808 tỷ đồng.
Giải ngân vốn đầu tư công tuy vẫn còn gặp không ít khó khăn nhưng đạt được kết quả trên cho thấy nỗ lực lớn của các cấp, các ngành và các địa phương trong toàn tỉnh. Công tác đầu tư công đạt kết quả có ý nghĩa quan trọng về nhiều mặt, góp phần tháo gỡ các nút thắt về hạ tầng giao thông, giải quyết việc làm, tạo động lực mới, không gian phát triển mới, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Từ đó, tăng cường kết nối các địa phương trong tỉnh, kết nối vùng, tăng năng lực sản xuất của nền kinh tế, thúc đẩy kinh tế - xã hội phục hồi nhanh và phát triển bền vững.
MINH DUY