| 02-12-2022 | 03:37:13

Nỗi niềm của những giáo viên chuyên biệt

 “Nếu ai đó hỏi vì sao lại chọn nghề đặc biệt này, thì mình cũng chẳng tìm đâu ra lý do gì to lớn đâu. Đơn giản vì khi làm công việc này mình cảm thấy bản thân được vui vẻ, hạnh phúc và ý nghĩa. Và nếu ai đó tò mò cụm từ “trẻ đặc biệt”, “giáo viên chuyên biệt” là như thế nào thì hãy thử một lần tìm hiểu đi. Tin chắc một điều rằng các bạn sẽ thật sự có nhiều điều bất ngờ”. Đây chính là dòng trạng thái mà tôi tình cờ đọc được trên mạng xã hội. Nó đã để lại ấn tượng sâu đậm và thôi thúc tôi tìm hiểu thêm về nghề “đặc biệt” này.

 Một tiết học của cô và trò Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Trí Tâm

 Ngôi trường “đặc biệt”

Qua tìm hiểu, tôi được biết chủ nhân của “status” kia là cô giáo Nguyễn Thị Hiền (sinh năm 1990), giáo viên dạy trẻ tự kỷ tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Trí Tâm (phường Bình Chuẩn, TP.Thuận An). Qua một hồi tìm kiếm, chúng tôi cũng tìm đến được với Trung tâm Trí Tâm để có thể hiểu hơn về công việc của những giáo viên “chuyên biệt” này.

Chúng tôi được các cán bộ trung tâm nơi đây dẫn đi một vòng trung tâm xem những lớp học “đặc biệt” của những giáo viên “đặc biệt”. Trong những phòng học nhỏ nhắn, gọn gàng và sạch sẽ luôn rộn ràng tiếng cười đùa vui vẻ của các bạn nhỏ. Anh Vũ Ngọc Thương, quản lý trung tâm, cho biết: “Chúng tôi gọi đây là những lớp học đặc biệt vì ở đây giáo viên không đứng trên bục giảng để giảng bài, không giáo án soạn sẵn, không tà áo dài lung linh mỗi khi đến lớp. Còn lớp học không phân theo độ tuổi mà tùy theo tính cách khác nhau, những thói quen khác nhau sẽ được giáo viên dựa vào đó để phân theo nhóm lớp”.

Đến lớp cô Hiền, giọng nói nhẹ nhàng, tình cảm là ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi gặp cô. Cô Hiền chia sẻ, việc chăm sóc, giáo dục trẻ rối loạn tự kỷ không đơn giản như các trẻ em khác. Mỗi trẻ ở đây là một thế giới riêng đầy bí ẩn. Để tiếp xúc làm quen với trẻ đã khó, dạy trẻ làm theo ý mình là cả một nghệ thuật. “Nếu bây giờ được chọn lựa một lần nữa, tôi vẫn nhất định chọn nghề giáo viên chuyên biệt này. Bởi tôi yêu bọn trẻ, tôi yêu những nụ cười, tiếng khóc và yêu luôn cả những khiếm khuyết của chúng. Tôi hạnh phúc vì bản thân đã góp một phần nhỏ bé trong sự lớn lên của các em. Tôi thấy hãnh diện và đầy tự hào với nghề mình đã chọn”, cô Hiền bộc bạch.

Các cô giáo nơi đây còn nhớ như in trường hợp của bé Phạm Tuấn Ng. bị hội chứng tăng động giảm chú ý. Khi được bố mẹ đưa tới trường, bé luôn trong trạng thái không chịu ngồi yên, hay đánh bạn, la hét vô cớ và xé rách hết sách vở mỗi khi học bài. Đã có lúc các cô muốn buông xuôi. Với tình thương yêu con trẻ của các cô, sau nửa năm điều trị với việc nhiều lần áp dụng các phương pháp điều trị khác nhau và với sự phối hợp kiên trì từ phía gia đình, cháu đã nói chuyện, chơi đùa với các bạn và có thể hòa nhập với cuộc sống đời thường.

Trò chuyện với chúng tôi, bà Bồ Kim Khánh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Trí Tâm, cho biết: “Đa số các bé đều gặp nhiều khó khăn trong mọi lĩnh vực phát triển như ngôn ngữ, giao tiếp xã hội, nhận thức, tự phục vụ… Mỗi trẻ có một triệu chứng khác nhau nên cần có những giải pháp riêng biệt, có lúc mềm mỏng nhưng có thời điểm phải nghiêm khắc. Một trong những cái khó của chúng tôi là nhiều bố mẹ không chấp nhận việc con mình bị mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ và các rối loạn khác, dẫn đến việc trốn tránh đưa con đi điều trị hoặc không kiên nhẫn theo đuổi các biện pháp can thiệp của bác sĩ cũng như nhà trường”.

Buồn vui với nghề

Hơn 10 năm gắn bó với việc dạy trẻ tự kỷ tại trường Mầm non chuyên biệt Bình An (phường Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một), cô Nguyễn Thị Hoài Minh đã trải qua nhiều vui buồn với nghề. Tốt nghiệp chuyên ngành giáo dục đặc biệt của trường Đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh, cô Minh lựa chọn trường Bình An làm việc và gắn bó cho đến bây giờ.

 Các cô giáo luôn đồng hành, chỉ bảo cho các bé những kỹ năng cần thiết trong giờ ăn tại trường Mầm non chuyên biệt Bình An

Cô Minh trải lòng: “Dạy trẻ tự kỷ khá phức tạp. Mỗi giáo viên phải quan sát các em thật kỹ lưỡng để hiểu rõ hơn sở thích, điểm mạnh, điểm yếu của mỗi em để lựa chọn phương pháp phù hợp, giúp trẻ cảm thấy thích thú với việc học. Điều này đòi hỏi phải có thời gian chứ không phải ngày một ngày hai. Nhiều lúc cũng cảm thấy mệt mỏi, áp lực lắm nhưng khi thấy các con tiến bộ, phụ huynh vui thì mình cảm thấy rất hạnh phúc. Đến với trẻ đặc biệt không chỉ bằng tình thương mà còn như một duyên nợ của mình. Càng gắn bó với các bé, mình càng thấy yêu nghề và thấy cuộc sống ý nghĩa hơn”.

Cũng là giáo viên, nhưng công việc của họ không đơn thuần như những giáo viên bình thường. Bởi học sinh các cô dạy là những đứa trẻ không may mắn như những đứa trẻ bình thường. Mỗi ngày đi qua họ vừa đóng vai trò là người dạy dỗ, vừa là người bạn tâm giao, lại như mẹ hiền dạy con trẻ những kỹ năng sống đơn giản nhất với niềm hy vọng các em nhanh tiến bộ để có thể hòa nhập với cuộc sống bình thường.

Dù được đào tạo bài bản nhưng cô Võ Thị Hằng, giáo viên tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Trí Tâm vẫn gặp không ít khó khăn khi đến với nghề. Đến giờ, cô vẫn còn nhớ như in những ngày đầu tiếp xúc và dạy cho trẻ tự kỷ với nhiều điều bỡ ngỡ bởi lý thuyết khác xa so với thực tế. Có những em khi mới tới trung tâm, chưa quen với môi trường nên quấy khóc, các cô phải thay nhau bế ẵm cả ngày. Hay cũng có những em thường xuyên la hét, nôn trớ vào người cô, không kiểm soát được hành vi, tự làm đau mình hoặc tấn công người khác một cách bất ngờ. Nhiều khi cô giáo lại là người nếm đủ những lần ra đòn không báo trước của các em.

“Việc đang dạy nhưng tự nhiên bị học trò đánh, la hét hay cầm tay cắn là đều mà chúng tôi gặp thường xuyên. Ban đầu gia đình mình cũng thấy xót cho con, cũng khuyên mình nên chọn nghề khác để làm. Tuy nhiên, nhìn thấy sự yêu nghề cũng như niềm hạnh phúc của mình mỗi khi kể về sự tiến bộ của học trò thì ba mẹ mình lại ủng hộ và động viên mình cố gắng trong công việc”, cô Hằng tâm sự.

Qua câu chuyện đời, chuyện nghề của các cô, chúng tôi đã hiểu thêm nhiều về công việc của những giáo viên “đặc biệt” này. Cũng là giáo viên, nhưng công việc của họ không đơn thuần như những giáo viên bình thường. Bởi học sinh các cô dạy là những đứa trẻ không may mắn như những đứa trẻ bình thường. Mỗi ngày đi qua họ vừa đóng vai trò là người dạy dỗ, vừa là người bạn tâm giao, lại như mẹ hiền dạy con trẻ những kỹ năng sống đơn giản nhất với niềm hy vọng các em nhanh tiến bộ để có thể hòa nhập với cuộc sống bình thường. Đó cũng chính là động lực để họ gắn bó và hy sinh với nghề cao quý này.

 HỒNG PHƯƠNG

Chia sẻ