Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu chính đáng” của Hội Nông dân (HND) huyện Bàu Bàng trong thời gian qua tiếp tục phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, có sức lan tỏa trên tất cả các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội huyện nhà.
Mô hình trồng lan Mokara của bà Nguyễn Thị Kim Ca (xã Lai Hưng) cho thu nhập trung bình 600 - 650 triệu đồng/năm
Tiếp sức cho nông dân nghèo
Trong giai đoạn 2015-2020, các cấp HND trong huyện Bàu Bàng đã có nhiều đổi mới, sáng tạo trong việc tổ chức các phong trào thi đua, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong cán bộ, hội viên. Trong đó, phong trào “Nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu chính đáng” được đông đảo hội viên nông dân hưởng ứng. HND huyện Bàu Bàng đã tổ chức được 56 lớp với 1.598 lượt người tham dự, góp phần nâng cao tay nghề cho hội viên nông dân, giải quyết việc làm cho hơn 80% hội viên sau học nghề, tăng thu nhập cho nhiều lao động nông thôn. Ngoài ra, hàng năm, HND huyện phối hợp và trực tiếp tổ chức hàng trăm buổi tập huấn về khoa học kỹ thuật, công nghệ mới cho nông dân. Đồng thời, các cấp hội đã tập trung chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền phát động, vận động hội viên đăng ký thực hiện và hàng năm có hơn 20.000 lượt hộ hội viên đạt danh hiệu nông dân SXKD giỏi các cấp.
Trên địa bàn đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại tổng hợp, hợp tác xã, tổ hợp tác, liên kết trong sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều gương nông dân điển hình tiên tiến trong các mô hình trồng trọt và chăn nuôi, có rất nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật vừa ứng dụng tại gia đình vừa phục vụ hữu hiệu cho nhu cầu của nông dân đem lại thu nhập đáng kể. Điển hình như mô hình trồng bưởi da xanh 34 ha của bà Nguyễn Thanh Thủy ở xã Long Nguyên cho thu nhập từ 5 - 10 tỷ đồng/năm; mô hình trang trại tổng hợp của hộ ông Lê Văn Bảy ở xã Long Nguyên cho thu nhập 1,5 tỷ đồng/năm; mô hình trồng cây có múi 62 ha của hộ ông Lê Văn Phấn ở xã Trừ Văn Thố cho thu nhập gần 7 tỷ đồng/năm; mô hình trang trại gà lạnh của hộ ông Nguyễn Hữu Thư ở xã Trừ Văn Thố cho thu nhập hơn 5 tỷ đồng/năm…
HND huyện Bàu Bàng còn nổi tiếng với phong trào tiếp sức cho nông dân nghèo. Mô hình “Nông dân giỏi giúp nông dân nghèo, nông dân khó khăn vượt khó” do HND huyện phát động ngày càng có hiệu quả. Bắt đầu từ 3 xã điểm là Long Nguyên, Hưng Hòa và Trừ Văn Thố, đến nay phong trào đã có sức lan tỏa trong toàn huyện. Trong 3 năm qua, các cấp hội đã vận động những hộ nông dân SXKD giỏi trên địa bàn giúp đỡ những hộ nghèo và hộ gặp khó khăn trên 1.000 ngày công lao động, tiền mặt hơn 3 tỷ đồng, 7.580 cây giống, 24.900 con giống, giúp cho 317 lượt hộ nghèo, hộ khó khăn phát triển sản xuất và tạo việc làm hàng trăm lao động ở địa phương.
Tiếp tục đi vào chiều sâu
Bà Nguyễn Thị Huyền Trâm, Phó Chủ tịch HND huyện Bàu Bàng, xác định triển khai phong trào nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế và từng bước nâng cao đời sống cho nhân dân vùng nông thôn, các cấp HND đã đặc biệt quan tâm triển khai thực hiện. Trong đó, các cấp hội luôn chú trọng các hoạt động tư vấn, hỗ trợ nông dân; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa những cây, con giống có năng suất, hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất.
Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào đi vào chiều sâu và phát huy hiệu quả, HND huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền và đẩy mạnh phong trào phát triển mô hình kinh tế hộ, kinh tế hợp tác trong nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, HND huyện tiếp tục trang bị kiến thức, kỹ năng để nông dân nắm bắt được thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Từ đó, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất, cơ giới hóa nông nghiệp, nâng cao kỹ năng lao động, liên kết mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng thương hiệu, bảo đảm chất lượng sản phẩm an toàn có sức cạnh tranh cao đáp ứng yêu cầu của thị trường. Mặt khác, HND vận động nông dân SXKD giỏi chia sẻ cùng cộng đồng ở địa phương về cách thức, kinh nghiệm trong hoạt động SXKD đem lại hiệu quả kinh tế cao để phấn đấu cùng nhau làm giàu; đồng thời tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp; chủ động phối hợp khai thác các nguồn lực để giúp đỡ hội viên nông dân mở rộng sản xuất, nâng cao đời sống, góp phần xây dựng nông thôn phát triển bền vững, đời sống của nhân dân trên địa bàn huyện ngày càng được nâng cao.
THOẠI PHƯƠNG