Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
(BDO) Bình Dương không chỉ là tỉnh năng động về phát triển công nghiệp, mà còn là vùng đất trù phú, khí hậu mát mẻ được tạo bởi ba con sông lớn Sài Gòn, Thị Tính và Đồng Nai nên giàu tiềm năng về sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, nông nghiệp công nghệ cao hiện nay đang được tập trung phát triển mạnh ở những huyện phía Bắc của tỉnh.
Đi đầu trong lĩnh vực này về quy mô, công nghệ cũng như chiến lược phát triển không thể không nhắc đến Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I (Unifarm). Những ngày đầu tháng 5 này, chúng tôi tìm về xã An Thái (Phú Giáo) để lắng nghe chia sẻ của ông Phạm Quốc Liêm, Tổng Giám đốc Công ty Unifarm xung quanh tiềm năng của nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Ông Phạm Quốc Liêm, Tổng Giám đốc Unifarm
Xin ông chia sẻ đôi điều về Unifarm?
Unifarm là thành viên của tập đoàn U&I, được sáng lập và điều hành bởi những nhà quản trị và thực hành nông nghiệp giàu tâm huyết, được đào tạo và có kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các quốc gia nông nghiệp hàng đầu thế giới như: Israel, Nhật Bản, New Zealand,… Unifarm đi vào hoạt động từ năm 2009, là một trong những doanh nghiệp Việt Nam đi đầu trong hoạt động đầu tư, ứng dụng và phát triển công nghệ cao vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Hiện chúng tôi đang cung ứng cho thị trường trong nước và quốc tế những mặt hàng chủ lực như: Chuối, dưa lưới, quả có múi… tất cả được trồng theo công nghệ hiện đại và đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.
Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Unifarm ở xã An Thái, huyện Phú Giáo có tổng diện tích hơn 411,75ha. Trong đó, cây trồng chủ lực là dưa lưới, chuối mang thương hiệu Dole và Unifarm, ngoài ra còn có một số loại cây đặc sản khác như bưởi, nhãn, bơ MĐ2… Unifarm đang tạo công ăn việc làm cho hơn 400 lao động địa phương với mức thu nhập trung bình 8 triệu đồng/người/tháng.
Unifarm đã ứng dụng khoa học, công nghệ vào trồng trọt như thế nào, hiệu quả ra sao?
Để cây trồng và sản phẩm không bị ảnh hưởng bởi các nhân tố tiêu cực từ thời tiết, khí hậu, chúng tôi ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ được chuyển giao từ Israel và một số quốc gia tiên tiến như Nhật, New Zealand… vào công tác quy hoạch, trồng, chăm sóc và thu hoạch sản phẩm. Trong đó, đối với dưa lưới - loại cây chủ lực của Unifarm, chúng tôi ứng dụng công nghệ nhà kính, với hệ thống tưới và bón phân được lập trình tự động. Đối với sản phẩm chuối mang thương hiệu Dole và Unifarm, chúng tôi thực hiện trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản sản phẩm theo quy trình trồng chuối của Dole – tập đoàn chuối số một thế giới hiện nay, đảm bảo sản phẩm khi xuất ra thị trường luôn đáp ứng các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Do được đầu tư tốt về công nghệ và nhân sự được đào tạo kỹ lưỡng nên năng suất các loại cây trồng của Unifarm khá cao và luôn ổn định. Cụ thể, mỗi năm cây dưa lưới cho thu về khoảng 100 tấn mỗi hecta, trong khi đó con số này của giống chuối Dole là 60 tấn.
Kỹ sư Unifarm đang kiểm tra chất lượng dưa lưới trong khu nông nghiệp công nghệ cao An Thái
Ông nhận định như thế nào về thị trường đầu ra của nông sản được sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao?
Tôi cho rằng thị trường luôn mở cửa đối với những sản phẩm có chất lượng tốt và các sản phẩm nông sản được trồng theo hướng ứng dụng công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn Viet GAP, Global GAP cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, việc tìm và giữ thị trường đòi hỏi nhà sản xuất nông sản cần phải giữ được sản lượng cung cấp ổn định với chất lượng luôn đạt chuẩn như cam kết. Riêng đối với Unifarm, trước khi mở rộng quy mô canh tác ở khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại An Thái, chúng tôi đã tìm và ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với nhiều đối tác trong và ngoài nước. Hiện các sản phẩm nông sản của Unifarm được tiêu thụ 50% ở thị trường trong nước, phần còn lại được xuất khẩu đi các thị trường quốc tế với chất lượng sản phẩm tương đồng.
Định hướng phát triển trong tương lai của Unifarm là gì?
Chúng tôi nỗ lực xây dựng và phát triển khu nông nghiệp công nghệ cao An Thái để tạo mô hình chuẩn qua đó tạo tiền đề nhân rộng, chuyển giao cho các trang trại, nông hộ. Trên thực tế, trải qua gần 12 năm hoạt động, Unifarm với đội ngũ kỹ sư nông nghiệp được đào tạo từ Israel, Nhật Bản… đang đồng hành cùng nhiều nông hộ trong việc quy hoạch, xây dựng và phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong và ngoài tỉnh Bình Dương. Một trong những dự án lớn mà Unifarm tâm đắc là vừa qua công ty đã phối hợp với Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng hơn 1.200ha đất nông nghiệp trồng cao su sang trồng chuối ứng dụng công nghệ cao, hợp tác với Dole – tập đoàn chuối số một thế giới. Đây có thể xem là một trong những hướng đi đột phá mang tính tiên phong, tạo tiền đề để huyện Dầu Tiếng có những định hướng giúp người dân tái cơ cấu nông nghiệp, tăng thu nhập. Chúng tôi kỳ vọng trong thời gian tới sẽ có thể tiếp tục đồng hành và giúp đỡ nhiều doanh nghiệp, nông hộ vươn lên làm giàu với mô hình kinh tế nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Ông có lời khuyên gì cho nông dân khi làm nông nghiệp công nghệ cao?
Để có một mô hình nông nghiệp công nghệ cao mang về hiệu quả kinh tế, người dân cần đầu tư một khoản vốn ban đầu. Cùng với đó, họ cũng cần trang bị những kiến thức, kỹ năng và tập làm quen với tác phong canh tác nông nghiệp theo hướng chuyên môn hóa. Ngoài ra, vấn đề thị trường đầu ra cũng cần được chú trọng. Cụ thể, nếu có mô hình canh tác đủ lớn, có thể tự tìm được thị trường tiêu thụ thì cần cố gắng duy trì chất lượng, sản lượng đảm bảo không bị tắc nghẽn trong khâu đầu ra sản phẩm. Đối với các nông hộ mong muốn làm nông nghiệp công nghệ cao nhỏ lẻ, thì việc tìm và tham gia vào một chuỗi liên kết cung ứng lớn là điều cần thiết. Dù giá sản phẩm bán ra có thấp hơn thị trường bên ngoài một chút nhưng sản phẩm làm ra luôn được bao tiêu với giá cả ổn định.
Một vấn đề cũng khá quan trọng khi làm nông nghiệp công nghệ cao cần có tầm nhìn dài hạn, chú ý vào vấn đề kỹ thuật canh tác, quản lý dịch hại, công nghệ sau thu hoạch và công nghệ chế biến. Chi phí để đầu tư một mô hình nông nghiệp công nghệ cao là không hề nhỏ, nếu không xác định gắn bó, phát triển với mô hình này thì không nên đầu tư.
Xin cám ơn ông!
Đình Thắng (thực hiện)