| 21-11-2011 | 00:00:00

NSƯT Công Khanh: Tuồng là sự sống

Sinh ra trong gia đình nhiều đời theo “nghề” hát tuồng, từ đó niềm đam mê nghệ thuật tuồng đã ngấm sâu trong huyết mạch của nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Trịnh Văn Khanh (nghệ danh (ND) Công Khanh) tại 5/8, khu phố Hiệp Thắng, phường Bình Thắng, TX.Dĩ An. Ông coi tuồng là cái “nghiệp” và “sứ mệnh” để ông cống hiến, góp phần đưa nghệ thuật tuồng đến gần với thế hệ trẻ.  NSƯT Công Khanh xem lại những vai mình đã diễn

 Bén duyên với “nghề” hát... tuồng

Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ, đầy những tấm bằng khen, huy chương, nhạc cụ, hình ảnh trong suốt thời kỳ “huy hoàng” theo nghề cầm ca, ND kể về sự nghiệp “ăn bám theo nghề” gần 50 năm của mình. Ông sinh năm 1942, tại Tây Ninh, trong gia đình nhiều đời theo “nghề” hát tuồng. Từ nhỏ, ông thường xuyên được ông nội và ba cho theo đoàn diễn, được nghe tiếng đàn, tiếng hát uyển chuyển, mềm mại, rủ rỉ của tuồng làm ông mê mẩn. Năm 12 tuổi, phát hiện ông có năng khiếu ca hát cả đoàn đã đồng ý để ông tham gia diễn vai Tấn Lực trong trích đoạn “Phạm Công - Cúc Hoa”. Sau vở diễn “định mệnh” đó, ông càng ý thức hơn về cái nghề ông đang định hướng cho tương lai.

“Lần đầu tiên được lên sân khấu biểu diễn, tôi vừa thấy lo và vừa hạnh phúc. Bởi những cố gắng, nỗ lực của mình cũng đã được “đơm bông kết trái” - ND Công Khanh chia sẻ.

Sau khi đã định hướng cho tương lai của mình, cậu bé Khanh dồn hết sức lực ra tập luyện các vai diễn. “Khác với các loại hình sân khấu khác như chèo, cải lương, tuồng là một loại hình sân khấu độc đáo của Việt Nam ẩn chứa những giá trị văn hóa, tinh thần của dân tộc, những giá trị nghệ thuật mang tính chất bền vững. Tuồng vừa chứa đựng yếu tố của sân khấu cổ điển lại vừa chứa đựng những yếu tố của sân khấu hiện đại. Yếu tố cổ điển biểu hiện ở chỗ tất cả những điệu hát, điệu múa được đúc kết trở thành khuôn vàng thước ngọc, hiện đại ở chỗ người diễn viên biểu diễn trên sân khấu không cần cảnh trí, tuồng là loại sân khấu tổng thể. Tôi yêu nghệ thuật tuồng bởi những điều đó” - ông khẳng định.

Sau khi cùng đoàn hát đi biểu diễn khắp các tỉnh, thành trên đất nước Việt Nam, năm 1971 ông đến Bình Dương biểu diễn và cũng nơi đây ông đã gặp bà Trần Thị Đấu. Từ đó, ông đã kết thúc cuộc sống độc thân.

 Những vai diễn để đời

 Từ những ngày vất vả tập luyện, biểu diễn tại các tỉnh, thành xa lạ, ND Công Khanh đã có nhiều vai diễn gắn liền với tên tuổi của ông. Một trong những vai diễn thành công đó là vai Xuân Trầm trong vở “Ngũ biến”. Sau khi ám sát tên quan ác ôn, để thoát khỏi sự truy đuổi của quân lính, Xuân Trầm đã hóa thân thành 5 nhân vật khác nhau: khi là cậu bé chăn trâu, khi thì là một ông già đốn củi, khi là một cô gái điên, một bà già ăn xin, khi lại là một ông thầy bói. Ngoài “gánh nặng” phải hóa thân liên tục vào 5 nhân vật với 5 tính cách khác nhau, ông còn phải liên tục thay đổi phục trang và hóa trang cho từng nhân vật. Vậy mà khi bước ra sân khấu, người xem vẫn ngỡ ngàng không thể nhận ra ông bởi cách hóa trang vừa nhanh, vừa tài tình của ông.

Theo ND Công Khanh, tiêu chuẩn đánh giá tài năng của người nghệ sĩ tuồng là thanh, sắc, thục, tinh, khí, thần. Kết hợp tổng thể các yếu tố hát, múa, diễn xuất nhạc đệm sẽ tạo nên cảm xúc mạnh mẽ đối với người xem. Đối với nghệ sĩ tuồng nam, đóng các vai giả gái là việc khó nhất. Tuy trang phục đã thể hiện nhân vật nữ nhưng phải phối kết hợp với các động tác múa, câu hát mới hình thành nữ nhân vật thật sự. Để hóa thân thành nhân vật nữ, ông đã tập luyện, quan sát cử chỉ, tính cách của họ khi nóng giận, yêu thương, hờn trách...

Ngoài vai Xuân Trầm, ông còn được khán giả nhớ tới qua một số vai diễn thành công như: Lữ Bố, Đào Tam Xuân, Đổng Kim Lân, Lý Chiêu Hoàng, Triệu Quốc Đạt (vở Bông hồng núi Nưa)... Những vai diễn này cũng đã mang đến cho anh những giải thưởng cao quý đó là huy chương vì sự nghiệp Văn học - Nghệ thuật Việt Nam do Liên hiệp Các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam trao tặng, huy chương Vì sự nghiệp Sân khấu Việt Nam do Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tặng, huy chương vàng tại các hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc... Năm 1993, ND Công Khanh vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT.

 Trăn trở giữ “nghề”

 Để “nghề”... hát tuồng của gia đình không mai một, ông đã cố gắng truyền trao kinh nghiệm lại cho các con của mình. 5 người con của ông có một người con trai thứ và một cô con gái út theo nghề. Ông tự hào khi nhắc đến những đứa con của mình, Linh Hiền được phong NSƯT vào năm 2007, hiện đang công tác tại Nhà hát TP.HCM. Linh Hiền không những là nghệ sĩ tuồng mà còn xuất hiện khá nhiều trên sân khấu cải lương. Con gái út Hồng Liên cũng theo nghề cầm ca, thường xuyên biểu diễn tại các đám tiệc trong và ngoài tỉnh.

Hiện nay, tuy đã đến tuổi “xế chiều” nhưng tình yêu đối với bộ môn nghệ thuật tuồng vẫn “giữ chân” ông. Ông thường xuyên tham gia biểu diễn cùng con trai tại Nhà hát TP.HCM, đồng thời tham gia các hội diễn do địa phương tổ chức. Suốt quãng thời gian lao động và cống hiến, ông nhận thấy tuồng không còn là “nghề” mà đã trở thành “nghiệp” suốt đời của mình. Và, ông thấy mình có trách nhiệm, làm thế nào “cuốn” thế hệ trẻ vào dòng chảy của tuồng, để các bạn trẻ đam mê và gánh lấy “sứ mệnh” lưu giữ, bảo tồn nền văn hóa dân tộc. Để truyền đạt lại những gì mình tích lũy bao nhiêu năm qua cho các bạn trẻ, ông đã đích thân dạy tại nhà hát, tại nhà riêng.

ND Công Khanh trăn trở, sự phát triển càng mạnh của các loại hình nghệ thuật khác như phim ảnh, ca nhạc, băng đĩa... khiến sân khấu tuồng đang phải cạnh tranh rất vất vả mới mong đứng vững được. Nghệ thuật hát tuồng đã có từ hàng trăm năm, đã tạo nên một đội ngũ nghệ sĩ chuyên nghiệp gắn bó cả cuộc đời cho nghề, giờ bị lãng quên, thật buồn! Để hát tuồng “sống” mãi với thời gian, Nhà nước cần có chế độ quan tâm, hỗ trợ cho các diễn viên tuồng. Các trường cần đưa bộ môn hát tuồng vào giảng dạy để thế hệ trẻ nắm bắt được cái hay, cái đặc sắc của tuồng, qua đó tự giác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

THIÊN LÝ

 

Chia sẻ