Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Trương Thanh Thủy đã khởi nghiệp 3 lần trong những lĩnh vực khác nhau, trong đó có một dự án mà cô khẳng định là công ty Việt đầu tiên được doanh nghiệp tại Thung lũng Silicon mua lại.
"Khi làm việc về cái gì đó mà mình đam mê, tôi sẽ thực sự thích nó. Với tôi, không làm việc cũng chẳng khác nào bị trừng phạt", cô gái 29 tuổi cho biết. "Tôi chỉ ngủ 4-5 tiếng mỗi ngày và chẳng có thời gian mệt mỏi nữa ấy chứ. Tôi không tin vào khả năng cân bằng cuộc sống - công việc đâu".
Sinh ra tại Việt Nam, Thủy cùng gia đình chuyển đến Mỹ sinh sống năm 2003. "Cũng như nhiều bậc phụ huynh khác trong nước, cha mẹ tôi tin rằng giáo dục tại Mỹ tiên tiến hơn và muốn tôi tới học ở đây", cô nhớ lại.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Nam California, cha mẹ muốn cô ở lại Mỹ làm việc. Nhưng Thủy đã quay về Việt Nam. Năm 2008, cô về quê hương Biên Hòa để thành lập một hãng sản xuất sữa chua đông lạnh với vài người bạn.
Trương Thanh Thủy được BBC gọi là "nữ hoàng khởi nghiệp" Việt Nam. Ảnh: BBC
"Chúng tôi đã huy động được vài trăm nghìn USD, marketing thành công, xây dựng được thương hiệu tốt. Nhưng thời điểm đó, chúng tôi không biết cách làm thế nào để kinh doanh bền vững. Cuối cùng, công ty đóng cửa sau 3 năm", cô nói.
"Theo thống kê, 99% hãng khởi nghiệp là thất bại. Vì thế, bạn chỉ có 1% cơ hội thành công thôi. Khi còn trẻ và muốn khởi nghiệp, làm điều gì đó mình đam mê là điều rất đáng giá. Chẳng có gì đảm bảo là bạn sẽ thành công cả. Nhưng kể cả khi thất bại, bạn cũng sẽ học được bài học rất lớn từ việc làm điều mình yêu", cô nói.
Khi hãng sữa chua còn đang phát triển, Thủy đã gây dựng doanh nghiệp đầu tiên trong mảng công nghệ thông tin. Cùng một người bạn đại học, cô lập ra GreenGar. Công ty nổi tiếng với ứng dụng vẽ có tên Whiteboard. Cũng như hãng sữa chua, GreenGar phát triển rất nhanh.
"Whiteboard được hơn 9 triệu lượt tải chỉ trong 4 năm đầu, và được sử dụng bởi học sinh các trường tại hơn 100 nước khác nhau. Chúng tôi đã kiếm được hơn một triệu USD. Việc kinh doanh rất thành công. Nhưng chúng tôi lại không biết cách mở rộng quy mô", Thủy cho biết.
Thành tựu lớn nhất của Thủy là với công ty thứ 3 - một ứng dụng nhắn tin có tên Tappy. "Số người dùng smartphone tại Việt Nam đã tăng hơn 10% mỗi năm trong 5 năm qua. Khi đến một sự kiện, hay một địa điểm kinh doanh nào đó, bạn có thể sử dụng Tappy trên điện thoại để tìm kiếm và tương tác với những người xung quanh. Về căn bản, nó biến địa điểm bạn đang đứng thành một cộng đồng ảo, cho phép mọi người nói chuyện riêng vói nhau, hoặc theo nhóm", cô nói.
Khoảng 10 tháng sau khi hoạt động, Tappy được Webby - một công ty game di động tại Thung lũng Silicon mua lại, với "mức giá 7 con số".
Thủy hiện làm việc tại Webby với vai trò Giám đốc Phát triển Kinh doanh khu vực châu Á. Khởi nghiệp luôn là một thách thức, nhưng cô cho biết điều này đặc biệt đúng với các quốc gia như Việt Nam.
"Dù Việt Nam được coi là một trong những quốc gia tiềm năng nhất trong khu vực để khởi nghiệp, nền tảng công nghệ và pháp lý vẫn là những thách thức lớn nhất. Wifi ở khắp mọi nơi. Nhưng tốc độ Internet còn chậm. Và nếu tìm được một nhà đầu tư muốn đổ tiền vào công ty mình, tôi sẽ phải mất 6 tháng để hoàn tất thủ tục giấy tờ. Những việc này rõ ràng đang làm giảm tốc độ phát triển kinh tế nói chung và công nghệ nói riêng", cô nói.
Hiện Thủy làm việc tại Mountain View, San Francisco (Mỹ). Cô phải chia đều thời gian giữa Mỹ và châu Á. "Thường khi hạ cánh tại Singapore hay Việt Nam, tôi sẽ có 7-10 cuộc họp từ sáng tới tối. Cha mẹ tôi đang sống tại Los Angeles nên mỗi lần về Việt Nam công tác, tôi đều cố gắng tới thăm cô chú và họ hàng vẫn đang ở Biên Hòa. Cả ông và và cha mẹ tôi đều kinh doanh từ khi còn trẻ. Họ ủng hộ tôi vì họ tin rằng mọi người nên lao động chăm chỉ khi còn trẻ".
Theo VNE