Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Chị Trần Anh Xuân (SN 1990, ở thôn Sả Séng, xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai) đã biến cây tía tô từ một loại gia vị quen thuộc hàng ngày thành các sản phẩm tinh dầu, trà... được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.
Chọn cây tía tô để khởi nghiệp
Đến xã Tả Phìn một vùng quê nổi tiếng về du lịch cộng đồng ở thị xã Sa Pa, hỏi đến chị "Xuân tía tô" mọi người trong xã ai cũng biết, bởi chị đã gắn bó với đồng bào các dân tộc nơi đây được gần 10 năm nay.
Chúng tôi gặp chị Trần Anh Xuân trên nương tía tô đỏ, xanh bạt ngàn, đang cùng chị em phụ nữ dân tộc Dao thu hoạch lá, thân tía tô đỏ. Dừng tay, chị Xuân kể: Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng quê lúa Thái Bình, năm 2014, tôi tốt nghiệp chuyên ngành khoa học cây trồng - Học viện Nông nghiệp Việt Nam và được nhà trường cử lên vùng đất Sa Pa để nghiên cứu cây trồng. Sau khi làm công tác nghiên cứu một thời gian thì tôi tách ra để làm riêng về mảng nông nghiệp, cũng từ đây tôi bắt đầu lập nghiệp trên vùng đất này.
Sản phẩm trà tía tô bản địa Sa Pa của HTX Sa Pa Secrets.
Theo Sở NNPTNT Lào Cai, tính đến hết năm 2022, tổng diện tích cây dược liệu toàn tỉnh gần 3.550ha, sản lượng đạt hơn 18.100 tấn, giá trị bình quân cả năm 390 tỷ đồng. Trong đó, diện tích cây dược liệu hàng năm 573ha, cây dược liệu lâu năm gần 3.000ha. Các cây dược liệu chủ yếu là tía tô, cát cánh, atiso, cát cánh, nghệ, sa nhân tím, chè dây, giảo cổ lam, hà thủ ô….
Theo chị Xuân, trước khi lên ý tưởng phát triển cây dược liệu tía tô, chị Xuân phát triển các tour du lịch bản địa nhưng do dịch Covid-19 bùng phát nên khách du lịch rất ít dẫn tới thu nhập thấp, chị phải quay lại công việc nhà nông, với bao suy nghĩ như "Đi trồng cây gì, nuôi con gì?". Đợt dịch Covid-19 cũng là thời điểm nhu cầu của người tiêu dùng tìm đến sản phẩm tía tô cao nên chị Xuân nghiên cứu phát triển trồng cây tía tô chiết xuất ra các loại sản phẩm từ lá, thân tía tô. Bởi theo nhiều người dân, vị tía tô có mùi hắc, khi pha thành nước uống sẽ giảm được các nồng độ, virus Covid -19 đi, giảm các triệu chứng khác...
Để có giống tía tô đỏ trồng và nhân rộng, trước năm 2020, chị Xuân đã nghiên cứu vài năm về cây tía tô bản địa của bà con Sa Pa, sau đó mới lấy hạt gieo trong bầu lên cây giống, với diện tích hơn 1.000m2. Rồi chị mang cây giống ra nương trồng và hỗ trợ cho bà con trong xã trồng để làm nguyên liệu.
Đến nay, chị Xuân có 30ha tía tô đỏ làm nguyên liệu ép tinh dầu, trong đó khoảng 10ha do người dân trồng và chị Xuân thu mua với giá 15.000 đồng/kg lá ngọn tía tô. Sản lượng thu hái mỗi năm ước đạt trên 200 tấn nguyên liệu (lá, thân cây tía tô).
Khi đã có vùng nguyên liệu tại chỗ ổn định, năm 2022, chị Xuân đã đầu tư gần 2 tỷ đồng để mua máy móc thiết bị chiết xuất tinh dầu. "Tía tô có rất nhiều loại giống nhưng mỗi loại lại sử dụng vào mục đích khác nhau, nếu như chọn loại để làm trà uống thì phải chọn loại lá 2 mặt đều màu tím đỏ bản địa Sa Pa, còn cây chỉ để lấy tinh dầu thì mặt lá phía trên xanh, dưới lá màu tím đỏ mùi dịu, không hắc..." - chị Xuân cho hay.
Chị Xuân cũng đang nghiên cứu thêm loại tía tô trắng (giống bản địa Sa Pa) để ép dầu từ hạt, hiện một số khách hàng đang đặt thu mua lá nhưng chị Xuân dự kiến sẽ đập lấy hạt để ép tinh dầu, vì lượng dầu giàu omega 3 tốt cho trí não, tim mạch.
Lập HTX liên kết phụ nữ bản địa trồng tía tô
Từ cây tía tô bản địa Sa Pa, chị Xuân đã tạo ra 20 dòng sản phẩm như trà cao bột, tinh dầu, kem dưỡng da, dầu gội từ tía tô… Những sản phẩm này có tác dụng giảm triệu chứng gút, làm đẹp da, trị cảm cúm…
Để tạo ra những sản phẩm chất lượng, chị Xuân đã chủ động tìm hiểu về công thức tạo ra sản phẩm từ các loại dược liệu, trong đó có tía tô, rồi test thử nhiều lần. Sản phẩm được chị quảng bá trên các kênh mạng xã hội, các hội chợ nông sản…
Tháng 12/2018, chị Xuân đã liên kết với chị em phụ nữ xã Tả Phìn để thành lập HTX Sapa Secrets hoạt động theo mô hình HTX cộng đồng. Các thành viên trong HTX sẽ là người trực tiếp cung cấp nguyên liệu đầu vào.
Sau 5 năm thành lập, hiện tại HTX có gần 100 thành viên. HTX tập trung sản xuất và phát triển dòng sản phẩm mỹ phẩm hữu cơ từ giống tía tô bản địa. Đó là các bài thuốc quý dược liệu của người Dao Đỏ, mỹ phẩm chăm sóc da và dầu gội dưỡng tóc…
HTX của chị Xuân còn tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động, cùng 20 lao động thời vụ; tạo công ăn việc làm ổn định và tăng thu nhập cho 48 hộ dân ở thôn Sả Séng và thôn Lủ Khấu thông qua việc trồng cây tía tô. HTX cung cấp giống cây dược liệu, hướng dẫn trồng, chăm sóc và thu mua sản phẩm của các hộ dân, nhờ vậy đã giúp 12 hộ vươn lên thoát nghèo.
Theo laocai.vn