Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Những quả phụ sống trên đảo không cho phép mình gục ngã mà phải vươn lên bám biển, bám đảo, truyền tình yêu cho con cái…
Đến đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi, chúng ta không khó để bắt gặp những người phụ nữ với những gương mặt khó đoán tuổi. Họ có mặt ở mọi nơi, từ cảng cá buổi sáng đến những phiên chợ muộn trên đảo; họ cần mẫn trên những thửa hành, tỏi hay ở nhà chăm con… Rất nhiều người trong số những phụ nữ ấy là người đơn thân, khi nửa còn lại của các chị đã gửi mình nơi biển cả.
Thờ chồng, nuôi con và… trả nợ
Nhắc đến người chồng bị tử nạn trong trận siêu bão số 1 năm 2010, chị Dương Thị Thương ở thôn Tây, xã An Hải lại khóc. Anh Nguyễn Văn Thọ - chồng chị, ra đi để lại cho chị người mẹ chồng ngoài 80 và 3 đứa con thơ dại, cùng món nợ hơn 100 triệu đồng. Chị Thương kể, trên “chuyến tàu định mệnh” tháng 7/2010 có 11 người, đánh bắt tại ngư trường Hoàng Sa của Việt Nam. Lúc đó biển động dữ dội, con thuyền bị bão quăng quật và gần như chìm nghỉm. Anh Thọ đã bị hất xuống biển và mất tích. 10 thành viên còn lại buộc tay vào nhau. Cứ thế, sau 3 ngày lênh đênh trên biển, các anh may mắn được một tàu buôn của Hồng Kông (Trung Quốc) đi qua cứu giúp.
Chị Thương và người mẹ chồng ngoài 80 Cùng thời điểm đó, cháu Nguyễn Thị Thảo, con gái lớn của anh Thọ, chị Thương được người cậu đưa đi thi Đại học Quy Nhơn. Khi hai cậu cháu nghe hung tin, cũng là lúc Thảo kết thúc môn thi cuối cùng. “Lúc con đi thi, anh Thọ còn nhắn tin chúc con thi đỗ đạt, ba về cả nhà sẽ liên hoan, thế mà khi con trở về, anh không sống để nhìn thấy mặt con…”, chị Thương sụt sùi. Rồi tin vui cháu Thảo đỗ vào khoa Hóa, Đại học Quy Nhơn khiến cả gia đình chị vỡ òa. Ước mơ con đậu đại học của anh chị đã thành hiện thực, nhưng chị Thương canh cánh nỗi lo, bởi lấy đâu ra tiền cho Thảo lên thành phố học, còn hai đứa em, món nợ chung chi với anh em nghiệp đoàn…
“Cháu Thảo nhất quyết đòi vô Sài Gòn làm mướn để đỡ đần mẹ. Nhưng tôi bảo, ba đã mất rồi, con phải học – bởi con là niềm tự hào của ba mẹ, mẹ sẽ hy sinh tất cả vì các con”, chị Thương kể. Tuy được Hội Phụ nữ xã, ngân hàng chính sách tạo điều kiện cho vay tiền, cùng với 2 sào tỏi cho thu nhập 3 – 4 triệu đồng/năm, song phía trước, cuộc sống của gia đình chị Thương vẫn còn gập ghềnh sóng gió.
Cách nhà chị Thương không xa là gia đình chị Dương Thị Hiệp ở thôn Tây, là hộ nghèo nhất của xã An Hải. Mới 36 tuổi, song chị Hiệp trông đã khắc khổ vì lam lũ với nắng gió. Chồng chị - anh Ngô Văn Thế, tử nạn trong một chuyến lặn biển tại khu vực quần đảo Trường Sa năm 2007, khi đó chị đang mang thai đứa con thứ 3. Trong căn nhà tường vôi trống trải, ngoài ban thờ chồng và những chiếc vỏ ốc biển – kỷ vật còn lại của anh trong những chuyến ra khơi, chị Hiệp chẳng còn vật dụng gì đáng giá. “Công cụ lao động” duy nhất để nuôi mấy miệng ăn là đôi quang gánh chị Hiệp dùng để đi mua “nhôm nhựa”.
“Vợ chồng tôi dành dụm, vay mượn anh em để cây căn nhà này, vào thời điểm 5 năm trước khoảng hơn 300 triệu đồng. Anh ấy bảo đi biển khi nào trả xong nợ sẽ ở nhà làm ăn, nuôi vợ con. Ai ngờ, anh chưa ngày nào được ở trọn vẹn trong ngôi nhà mới thì bị chết ngạt dưới độ sâu 40 – 50m trong một chuyến lặn biển”, chị Hiệp ngậm ngùi. Đứa con gái nhỏ nay đã lên 5 không biết mặt cha, suốt ngày hỏi mẹ “bao giờ cha đi biển về” khiến nỗi đau càng đè nặng lên đôi vai gầy gò của chị Hiệp. Hiện chị còn nợ hơn 3 cây vàng từ ngày làm nhà, rồi tiền vay ngân hàng… Đứa con trai lớn năm nay 13 tuổi, học lớp 6, nhưng còi cọc như trẻ lên 8, đứa thứ 2 học lớp 5. Một học kỳ, ngoài khoản miễn giảm của Nhà nước, chị Hiệp phải đóng thêm cho các con khoảng 600.000 đồng, nhưng chẳng biết xoay sở đâu ra, khi mỗi ngày đi thu mua nhôm nhựa chỉ được khoảng 20.000 đồng và nguy cơ những đứa trẻ thất học đang hiện hữu trước mắt.
Từ khi chồng chết, chị Hiệp không biết đến hạt cơm nóng. Mỗi ngày chỉ nấu một nắm gạo để 3 đứa trẻ chia nhau cả ngày. Còn chị hầu như nhịn đói hoặc chỉ ăn ít cơm nguội hay vài hạt ngô cầm hơi. Thi thoảng gia đình chị cũng nhận được trợ cấp của địa phương, chòm xóm hoặc của các chiến sĩ biên phòng. Những ngày mưa to hay biển động, mấy mẹ con chỉ biết nhịn đói, ngồi ngóng ra phía biển…
Mỗi sáng, rất đông phụ nữ ra cảng cá mưu sinh và ngóng người thân Bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết: Đối với huyện đảo Lý Sơn, nguồn lợi kinh tế chủ yếu từ biển. Người đàn ông đi biển là người lao động chính, nuôi vợ con; những người phụ nữ ngoài vài sào hành, tỏi thì công việc còn lại là nuôi con, lo toan việc nhà. Thế nên, khi rủi ro xảy ra với những người đàn ông đi biển, thì người phụ nữ ngoài nỗi đau mất chồng, “bài toán” kinh tế đương nhiên đặt lên vai họ.
Theo thống kê, toàn huyện hiện có khoảng trên 500 phụ nữ đơn thân, chủ yếu có chồng gặp nạn trên biển. Khi những người chồng còn khỏe mạnh bám biển, mỗi tháng cho thu nhập hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng, thế nhưng khi tai nạn xảy ra, những gia đình này “nghiễm nhiên” trở thành hộ nghèo với những món nợ “lãi mẹ đẻ lãi con” bất tận chẳng biết khi nào trả hết.
Theo chị Võ Thị Phi, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Lý Sơn, riêng tại xã An Hải, trong khoảng 4 – 5 năm gần đây đã có 64 chị có chồng chết khi đi biển, trong khi đó toàn xã hiện có 267 phụ nữ đơn thân trên tổng số 2.041 hộ gia đình. Hầu hết các chị, khi chồng tử nạn, đều không tái giá và ở vậy thờ chồng, nuôi con.
Với 2.421 hội viên trong toàn huyện, các chị đã có nhiều chương trình hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, cùng sẻ chia lúc khó khăn, hoạn nạn. “Các tổ chức, đoàn thể có chương trình hỗ trợ cho các chị em vay vốn để sản xuất, giải quyết việc làm hay buôn bán nhỏ, tuy nhiên mức độ vẫn còn hạn chế. Ở đảo lại không có các cơ sở sản xuất, xí nghiệp… cho nên bài toán tạo công ăn việc làm ổn định cho phụ nữ gần như không có lời giải; đời sống của chị em vẫn gặp rất nhiều khó khăn, bởi một mình phải nuôi 2 – 3 con. Vì thế, tỷ lệ phụ nữ thoát nghèo ở Lý Sơn rất thấp” – chị Phi chia sẻ.
“Những cây tỏi trên cát trắng…”
Lật giở hồ sơ những em học sinh mồ côi cha, thầy giáo Trần Ngọc Bích, giáo viên Văn – Hiệu phó trường THCS Lý Sơn chia sẻ: Hầu hết các em có bố tử nạn trên biển rất cố gắng trong học tập, bởi các em nhận thức rằng, chỉ có học – học giỏi mới thoát khỏi cái nghèo và báo đáp những vất vả, hy sinh của cha mẹ.
Thầy Bích kể cho chúng tôi nghe trường hợp em Lê Thị Thanh Thanh, hiện đang học lớp 12B3. Cha Thanh bỏ mạng trên biển năm 2010, để lại 3 mẹ con em tự bươn chải nuôi nhau. Được sự động viên của các thầy cô, bạn bè, Thanh tâm niệm “càng khó khăn, càng phải cố gắng”, em đã vươn lên trở thành học sinh giỏi của trường. “Những em nhỏ như Thanh chắc chắn sẽ thành công, bởi các em như những cây tỏi được trồng trên cát – đó là thành quả trộn lẫn mồ hôi của mẹ và vị mặn mòi của biển – nơi cha các em vì mưu sinh mà nằm lại không về” – thầy Bích nói.
Đảo Lý Sơn. Một ngày như mọi ngày. Từng đoàn thuyền nhổ neo rời bến. Sáng sớm, hàng chục phụ nữ đứng, ngồi trên cầu cảng chờ những chuyến tàu đầy ắp cá của chồng con trở về. Có những chị ra cảng chỉ để được trò chuyện, rồi lại tất tả trở về với luống tỏi và cơm nước cho con.
Thầy Trần Ngọc Bích nói rằng, ở đất nước ta, từ Lạng Sơn tới Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định… ở đâu cũng có những hòn Vọng Phu, hình ảnh những người mẹ ôm con chờ chồng đến hóa đá. Song có lẽ ở Lý Sơn, nơi mà “ra đường là gặp quả phụ” thì ngược lại, khái niệm “nàng Tô Thị, hòn Vọng Phu” không tồn tại. Bởi các chị không cho phép mình gục ngã. Các chị phải sống, bươn chải và vươn lên để thay chồng bám biển, bám đảo và truyền tình yêu cho con cái.
Theo VOV