Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Sau 4 năm kể từ khi người dân ven khu vực suối Bến Ván (huyện Bàu Bàng) phản ánh vì dòng nước đen đặc, nhầy nhụa, kèm theo đó là mùi hôi thối bốc lên đến ngạt thở, thì hiện nay, suối Bến Ván vẫn bị ô nhiễm nặng hơn. Dòng nước thậm chí có màu vàng nhờn nhợt, hôi thối, đầy bọt bong bóng. Người dân địa phương trăn trở, cần phải có giải đáp thỏa đáng, không để dòng suối mãi bị ô nhiễm.
Những làn khói trắng như sương mù bốc lên từ các nhà máy ở khu vực suối Bến Ván cho thấy điều gì? Ảnh: QUỐC CHIẾN
Khi dòng suối “chết dần”!
9 giờ sáng, trời nắng oi. Vừa đặt chân đến khu vực suối Bến Ván, chúng tôi đối mặt với một cảm giác thật khó thở bởi mùi hôi đến đặt quánh! Trên bầu trời, những làn khói trắng như sương mù bốc lên từ các nhà máy đang bao phủ cả một khu vực rộng lớn. Bao bọc các nhà máy là suối Bến Ván, với hai nhánh suối. Chỉ quan sát bằng mắt thường cũng có thể thấy dòng suối đã bị “bức tử”. Một dòng nước màu vàng nhờn nhợt, sủi bọt, tanh tửi.
Lặng nhìn không gian nơi mình sinh sống, những người dân ở đây chỉ biết thở dài, bởi họ đã “khóc” nhiều năm lắm rồi. Người dân ở đây có chung một tâm sự: Ngày trước, khi chọn vùng đất Bàu Bàng lập nghiệp, họ chọn ở sát con suối để dựa vào nguồn nước ngọt sẵn có. Đây vừa là nguồn nước tưới, vừa có con cá, con tép cải thiện bữa ăn. Năm tháng qua đi, các nhà máy dần dần mọc lên, cũng dựa vào dòng suối nhưng không chỉ tận dụng nguồn nước để sản xuất... mà để xả thải...!
Dòng nước có màu vàng nhờn nhợt, tanh tưởi tại suối Bến Ván. Ảnh: QUỐC CHIẾN
Đi dọc theo suối, nhiều ống nước xả thải từ các công ty được đấu nối trực tiếp ra suối. Dòng suối nhỏ nhưng phải gánh một lượng lớn nước thải từ các công ty nên lâu dần suối mất khả năng tự làm sạch... chết dần và mấy năm gần đây xem như “chết hẳn”! Suối Bến Ván bị ô nhiễm nên người dân không thể sử dụng nguồn nước được nữa. Con cá, con tép... cũng không thể nào sống nổi.
Nỗi bức xúc của người dân quanh khu vực này “đã đến tai” chính quyền địa phương. Một lãnh đạo địa phương cho biết: Trước thực trạng ô nhiễm môi trường kéo dài ở khu vực suối Bến Ván, UBND huyện Bàu Bàng đã nhiều lần phản ánh lên ngành chức năng, lên UBND tỉnh để có giải pháp xử lý, bởi với thẩm quyền của huyện thì “lực bất tòng tâm”. Cụ thể, ngày 11-4-2018, UBND huyện Bàu Bàng đã có Báo cáo số 55/BC-UBND gửi đến Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) về việc các doanh nghiệp xả thải gây ô nhiêm môi trường, làm ảnh hưởng đến tiến độ thu hút đầu tư trên địa bàn huyện…
Đâu là nguyên nhân và giải pháp?
Ông Đinh Tấn Sỹ, Phó phòng TN-MT huyện Bàu Bàng, cho biết theo đánh giá sơ bộ của Sở TN-MT, nguyên nhân suối Bến Ván ngày càng ô nhiễm vì tiếp nhận nhiều nguồn nước thải của các cơ sở sản xuất với các ngành nghề như chế biến mủ cao su, chăn nuôi, các cơ sở dệt nhuộm trong Khu công nghiệp (KCN) Bàu Bàng, nước thải của KCN Bàu Bàng và nước thải của người dân trên lưu vực. Trong khi đó, diện tích lòng suối Bến Ván nhỏ hẹp nên khả năng tiêu thoát nước và tự làm sạch rất hạn chế. Mặc dù các doanh nghiệp xử lý nước thải “đạt quy chuẩn quy định” nhưng lượng thải ô nhiễm bị tồn đọng và ngày càng gia tăng, làm cho suối Bến Ván ngày càng bị ô nhiễm.
Ông Sỹ cho rằng đối với mùi hôi phát sinh từ hoạt động sản xuất của doanh nghiệp thì không có cơ sở xử lý. Bởi quy định của pháp luật hiện hành chưa có các quy chuẩn cụ thể về mùi hôi nên rất khó xử lý vi phạm. Hầu hết, chỉ yêu cầu doanh nghiệp tăng cường biện pháp để giảm thiểu mùi hôi đến mức thấp nhất có thể. Đối với việc giám sát chất lượng nước thải của doanh nghiệp, thời gian qua, Sở TN-MT đã thực hiện một số biện pháp để tăng cường giám sát việc xả thải vào suối Bến Ván của các doanh nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý, như: Yêu cầu lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, kiểm tra lấy mẫu nước thải hàng quý để nhắc nhở, khắc phục tồn tại, xử lý hành chính đối với các hành vi vi phạm... Ngoài ra, Công an huyện Bàu Bàng cũng đã thường xuyên kiểm tra và tham mưu UBND tỉnh xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm của các doanh nghiệp...
Tuy đã thực hiện các giải pháp nhưng đến nay, khu vực suối Bến Ván vẫn bị ô nhiễm, chưa thể khắc phục triệt để. Người dân khu vực suối Bến Ván vẫn đang đau đáu một mong muốn: Khi nào thì suối Bến Ván sẽ trong xanh trở lại?!
Tại kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 10, khóa IX, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thanh Liêm đã giải trình: Đối với suối Bến Ván là nguồn tiếp nhận nước thải của KCN Bàu Bàng và KCN Bàu Bàng mở rộng, thời gian qua, tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp nhằm kiểm soát các nguồn thải vào suối như: Lắp đặt trạm quan trắc nước thải tự động; đội kiểm tra liên ngành về TN-MT tiến hành kiểm tra đột xuất và xử lý vi phạm những doanh nghiệp xả nước thải vượt quy chuẩn môi trường... Mặt khác, UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Bàu Bàng phối hợp các ngành lập dự án cải tạo, nạo vét, mở rộng suối Bến Ván nhằm tăng khả năng tiêu thoát nước và tự làm sạch của suối Bến Ván; điều tra, hướng dẫn, yêu cầu các hộ chăn nuôi heo xử lý nước thải đạt quy chuẩn trước khi thải ra suối; đồng thời giao Sở TN-MT phối hợp chặt chẽ với huyện Bàu Bàng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm, hiệu quả đối với các cơ sở sản xuất trong KCN và ngoài KCN trong việc xả thải không bảo đảm tiêu chuẩn ra môi trường. |
THU THẢO