Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Chính phủ mới của Thủ tướng Donald Tusk đã được Tổng thống Ba Lan chứng kiến tuyên thệ nhậm chức hôm 13-12, bước cuối cùng trong quá trình chuyển giao quyền lực đánh dấu một sự thay đổi lớn sau 8 năm cầm quyền của chính quyền theo chủ nghĩa dân tộc dân túy.
Giành thế đa số sau cuộc bầu cử quốc hội ngày 15/10, nhưng mãi đến hôm nay ông Donald Tusk mới chính thức được tuyên thệ làm thủ tướng là điều mà mọi người cho là sự “trì trệ” của chính trị Ba Lan. Thật vậy, tuy đảng PiS dẫn đầu với 35,4% phiếu bầu trong cuộc bầu cử hôm 15/10, nhưng lại không nắm được số ghế quá bán (chỉ đạt 194 ghế trên 460 ghế quốc hội), trong khi liên minh đối lập gồm đảng Civic Coalition (KO) của ông Tusk, đảng trung hữu Third Way và đảng Cánh tả (Left) giành đến 248 ghế (trong đó đảng KO chiếm 157 ghế, 2 đảng còn lại 91 ghế), coi như là nắm thế đa số để thành lập chính phủ.
Tân Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk.
Nguyên tắc là vậy, nhưng Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda tuyên bố tạm gác việc bổ nhiệm ông Tusk làm Thủ tướng mới. Ông Duda, người của đảng PiS, tuyên bố vào hôm 26/10 rằng ông không muốn rút ngắn nhiệm kỳ lãnh đạo của đảng PiS, mặc dù đảng PiS rơi vào thế thiểu số. Theo Hiến pháp Ba Lan, tổng thống có 30 ngày kể từ ngày bầu cử để triệu tập cuộc họp quốc hội mới và 14 ngày nữa để đề cử ứng cử viên thủ tướng và người này sẽ phải thành lập nội các để quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm. Kết quả là Thủ tướng đương nhiệm Mateusz Morawiecki đã không vượt qua được cuộc bỏ phiếu tín nhiệm hôm 11/12 tại quốc hội do liên minh của ông Tusk nắm đa số, trong khi ông Tusk được đa số tín nhiệm và giành quyền thành lập nội các mới.
Việc ông Donald Tusk làm Thủ tướng Ba Lan lần thứ hai đã được nhiều người dự báo từ khi cuộc bầu cử Quốc hội Ba Lan chưa diễn ra. Với những vấn đề phát sinh liên quan đến việc Chính phủ Ba Lan tham gia cung cấp vũ khí cho Ukraine và tình trạng ngũ cốc giá rẻ nhập khẩu tràn lan từ Ukraine gây khó khăn cho nông dân Ba Lan, nhiều người đã dự báo rằng chính quyền do đảng Luật pháp và Công lý (PiS) lãnh đạo không sớm thì muộn cũng sẽ sụp đổ nếu không chấm dứt được dính líu của Ba Lan với Ukraine. Thực tế là PiS đã cố gắng “xa lánh” Ukraine, cố tạo ra mối quan hệ căng thẳng, dọa chấm dứt cung cấp vũ khí và cấm nhập khẩu ngũ cốc Ukraine, nhưng những hành động của Warsaw chưa đủ để giúp đảng này nắm giữ thế đa số sau bầu cử.
Như vậy, sau nhiều năm tranh chấp giữa Warsaw và Brussels dưới thời chính phủ của đảng PiS, việc bổ nhiệm ông Tusk đã làm dấy lên hy vọng về mối quan hệ suôn sẻ hơn giữa Ba Lan với phần còn lại của EU. Ông Tusk có ưu thế là từng làm Chủ tịch Hội đồng châu Âu (2014-2019), là người có lập trường, quan đểm ôn hòa, đã chủ trì các hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo EU, từ đó có mối quan hệ khá tốt với Brussels.
Năm nay 66 tuổi, lần trở lại này cũng là lần thứ hai ông Tusk làm Thủ tướng Ba Lan, sau lần đầu kéo dài 2 nhiệm kỳ. 2 nhiệm kỳ cầm quyền trước đây của ông Tusk được đánh dấu bằng việc đưa ra các chính sách thị trường tự do, mà những người ủng hộ ông cho rằng, mặc dù khó khăn với một số người, đã kiểm soát nợ công sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và mang lại mức tăng trưởng kỷ lục cho đất nước. Kinh tế Ba Lan dưới thời ông Tusk tăng trưởng mạnh, trên đà trở thành một trong 3 nền kinh tế mạnh nhất châu Âu.
Thế rồi, sự thay đổi chính sách cầm quyền dưới thời đảng PiS đã khiến đà tăng trưởng đó chững lại. không những thế, PiS còn khiến xã hội Ba Lan trở nên rối loạn bởi các chính sách cực hữu, như hạn chế quyền phá thai, bôi nhọ người đồng giới, tung ra những lời chỉ trích chống người di cư và người tị nạn. Brussels đã đóng băng hàng chục tỷ euro tài trợ vì PiS chính trị hóa cơ quan tư pháp Ba Lan.
Trong bài phát biểu trước quốc hội hôm 12/12, ông Tusk tuyên bố sẽ đảm bảo giải ngân số tiền hàng chục tỉ euro đó cho Ba Lan. Nhiệm vụ của ông có thể phức tạp bởi các thẩm phán được bổ nhiệm theo cải cách của đảng PiS mà các nhà phê bình cho rằng đã làm suy yếu tính độc lập của tòa án và quyền phủ quyết các đạo luật do Tổng thống Andrzej Duda nắm giữ. Tuy nhiên, dù trước đây đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ ông Tusk, nhưng hôm 13/12, ông Duda đã có giọng điệu hòa giải sau buổi lễ tuyên thệ. Ông nói: “Xin lưu ý rằng tôi sẵn sàng hợp tác. Chúng tôi đến từ các phe phái chính trị khác nhau, nhưng tôi nhận ra rằng về các vấn đề quan trọng, chẳng hạn như an ninh, chúng tôi có thể đạt được sự hiểu biết lẫn nhau”.
Một thách thức nữa mà ông Tusk sẽ phải đối mặt chính là việc Tòa án Hiến pháp Ba Lan đã ra phán quyết hôm 11/12 rằng luật cải cách tư pháp mà Ba Lan cần phải thông qua để tiếp cận các quỹ của EU là vi hiến. Tòa án này cũng đã đưa ra kết luận tương tự về các hình phạt do Tòa án Cấp cao của EU áp đặt trước khi đưa ra phán quyết cuối cùng, được gọi là các biện pháp tạm thời.
Rồi thì những khoản chi tiêu vào phút cuối của chính phủ tiền nhiệm cũng gây thêm căng thẳng cho ngân sách, làm phức tạp thêm nỗ lực của ông Tusk trong việc thực hiện các cam kết khi tranh cử. Ông Tusk dự kiến sẽ tới Brussels để tham dự hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra ngày 14 và 15/12. Ngoài việc cố gắng giải phóng nguồn vốn cho Ba Lan, ông Tusk sẽ tăng cường hỗ trợ nỗ lực của Ukraine để gia nhập khối. Đồng thời, trước những lo ngại ngày càng tăng ở Kiev về cam kết của các đồng minh phương Tây trong việc tài trợ vũ khí để chống lại Nga, ông Tusk cho biết Ba Lan sẽ ủng hộ việc tiếp tục hỗ trợ.
Theo TTXVN