| 05-09-2022 | 10:52:27

Ông Kishida quyết tâm sửa Hiến pháp

Di sản chính trị của ông Shinzo Abe - sửa đổi Điều 9 Hiến pháp Nhật Bản, đổi tên Lực lượng Phòng vệ và dỡ bỏ lệnh cấm đối với quyền tự vệ tập thể từ góc độ hiến pháp, trở thành sứ mệnh được chính quyền Thủ tướng Fumio Kishida quyết tâm thúc đẩy.

Trong một chương trình truyền hình hồi cuối tháng 7, ông Kishida cho biết ông sẽ lấy trung tâm là 4 chương trình sửa đổi hiến pháp của đảng Dân chủ tự do (LDP), trong đó có việc đưa Lực lượng Phòng vệ vào Điều 9 của hiến pháp, thúc đẩy quốc hội thảo luận, đồng thời nhấn mạnh sẽ dũng cảm thách thức những vấn đề lớn.


Dù bị bó buộc bởi Hiến pháp hòa bình, song Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản vẫn phát triển mạnh và tham gia nhiều hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế.

Hiến pháp hiện hành của Nhật Bản được ban hành vào ngày 4-5-1947, được xây dựng dưới sự giám sát của lực lượng Mỹ đang chiếm đóng. Điều 9 của văn bản này quy định người dân Nhật Bản chân thành tìm kiếm hòa bình quốc tế dựa trên công lý và trật tự, việc vĩnh viễn từ bỏ quyền phát động chiến tranh, đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực được coi là giải pháp giải quyết tranh chấp quốc tế; để đạt được mục đích đó, Nhật Bản không giữ lại lực lượng lục quân, hải quân, không quân và các lực lượng chiến đấu khác. Nhật Bản không thừa nhận quyền giao chiến của đất nước. Vì vậy, Hiến pháp Nhật Bản còn được gọi là “Hiến pháp hòa bình”. Bản hiến pháp này đã đảm bảo hòa bình cho Nhật Bản trong hàng chục năm sau Thế chiến II nhưng Nhật Bản cũng đánh mất đi phần lớn quyền tự chủ về quốc phòng mà một quốc gia bình thường cần có.

Mặc dù có quan điểm được cho là khác với người tiền nhiệm, song về vấn đề sửa đổi hiến pháp, ông Kishida kiên định lập trường muốn Nhật Bản trở thành một quốc gia bình thường. Tháng 11-2021, trong một cuộc phỏng vấn sau khi trở thành thủ tướng, ông bày tỏ ý định đưa sửa đổi hiến pháp trở thành một trong những điểm gây tranh luận trong cuộc bầu cử Thượng viện vào mùa hè năm 2022. Tiếp đó, tháng 12-2021, điều hiếm thấy là ông tham dự Hội nghị hiện thực hóa sửa đổi hiến pháp tại trụ sở của LDP. Ông tuyên bố tập hợp sức mạnh của đảng để sửa đổi hiến pháp, nêu rõ sửa đổi hiến pháp hòa bình là vấn đề có ý nghĩa hiện đại và phải thực hiện càng sớm càng tốt, đồng thời phải coi thảo luận tại quốc hội và cách hiểu của người dân là “hai bánh xe” nhằm thúc đẩy sửa đổi hiến pháp.

Ở một nước dân chủ hiện đại, việc sửa đổi hiến pháp chỉ có sự đồng ý của quốc hội là không đủ để thể hiện nguyện vọng của nhân dân, mà phải đưa ra trưng cầu dân ý để thể hiện ý chí của nhân dân. Đây cũng là biểu hiện của dân chủ trực tiếp. Việc sửa đổi hiến pháp của nhiều quốc gia đều có khâu trưng cầu dân ý. Do lực lượng sửa đổi hiến pháp trong Thượng viện và Hạ viện Nhật Bản chiếm đa số nên xét về nguyện vọng của dân chúng hiện nay, nếu tổ chức sớm cuộc trưng cầu dân ý thì việc sửa đổi hiến pháp có thể được thông qua về mặt lý thuyết.

Sau khi kết quả bầu cử Thượng viện được công bố, hãng tin Kyodo ngay lập tức tiến hành cuộc thăm dò dư luận qua điện thoại trên toàn quốc về việc sửa đổi hiến pháp. Kết quả cho hay, tỷ lệ người dân Nhật Bản cho rằng “nên đẩy mạnh nỗ lực sửa đổi hiến pháp” là 37,5%. Số người được hỏi cho rằng “không cần phải vội vàng sửa đổi hiến pháp” chiếm 58,4%. Còn trong 2 cuộc thăm dò dư luận của Asahi Shimbun trước đó lại cho thấy tỷ lệ ủng hộ và phản đối gần như nhau. Ví dụ, một cuộc khảo sát năm 2021 cho thấy 45% người dân ủng hộ việc sửa đổi hiến pháp và 44% cho rằng không cần thiết; cuộc thăm dò vào tháng 5-2022 tiếp tục cho thấy 56% nhận định việc sửa đổi hiến pháp là cần thiết, 37% cho biết việc làm đó là không cần thiết. Số người ủng hộ cao hơn gần 20% so với nhóm người phản đối, hoàn toàn trái ngược với kết quả thăm dò của Kyodo.

Liệu ông Kishida có thực sự phải gấp rút sửa đổi hiến pháp hay không? Bởi vì, xét cho cùng, sửa đổi hiến pháp cũng là một việc làm có ảnh hưởng lớn. Hiến pháp hòa bình của Nhật Bản đã vận hành hơn 70 năm, thấm sâu vào lòng dân. Ngay cả trong nội bộ LDP, không phải nghị sĩ nào cũng ủng hộ việc này. Thậm chí, đảng Công minh trong liên minh cầm quyền cũng có bất đồng với các lực lượng ủng hộ sửa đổi hiến pháp của LDP.

Cuối cùng, vấn đề là tuy sửa đổi hiến pháp là công việc nội bộ của Nhật Bản nhưng lại tác động đến thái độ của các nước láng giềng và ảnh hưởng lớn đến địa chính trị Đông Bắc Á. Truyền thông nhà nước Trung Quốc coi việc sửa đổi hiến pháp của Nhật Bản là sự thay đổi đối với hiện trạng địa chính trị ở châu Á. Ở một mức độ nào đó, Hiến pháp hòa bình của Nhật Bản tạo ra cục diện châu Á, đặc biệt là Đông Á, đảm bảo hòa bình ở Đông Á. Nếu Nhật Bản sửa đổi hiến pháp sẽ khiến các nước Đông Á từng bị Nhật Bản xâm lược trong quá khứ cảm thấy bất an. Dưới sức ép của Mỹ, Hàn Quốc đang tìm cách cải thiện quan hệ với Nhật Bản nhưng việc Nhật Bản sửa đổi hiến pháp chắc chắn sẽ khiến Hàn Quốc phản ứng mạnh và dựa trên cơ sở hiện nay, quan hệ Nhật - Hàn sẽ thụt lùi. Việc sửa đổi hiến pháp này cũng sẽ có thể kích động các nước láng giềng đẩy mạnh tăng cường quân sự.

Việc sửa đổi hiến pháp của Nhật Bản cũng liên quan đến lợi ích của Mỹ. Mặc dù bề ngoài có vẻ như người Mỹ ủng hộ việc sửa đổi này của đồng minh thân tín, tuy nhiên, nước nào đã khiến Nhật Bản trở thành một quốc gia không bình thường? Việc sửa đổi hiến pháp của Nhật Bản rõ ràng là để thoát khỏi sự kiểm soát của Mỹ. Mỹ đương nhiên hiểu rõ điều này nên đã dùng Hiến pháp hòa bình và quân đồn trú để trói buộc Nhật Bản, đồng thời sử dụng Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật để bảo vệ an ninh quốc gia Nhật Bản.

Một số chuyên gia nước ngoài thì cho rằng, Nhật Bản liệu có thể thông qua việc sửa đổi hiến pháp hay không cũng không phải là then chốt của vấn đề, mà yếu tố quan trọng nhất là bản thân hành động sửa đổi hiến pháp. Nếu Nhật Bản sửa đổi hiến pháp thì thông qua hành động này đã cho thế giới thấy rằng họ muốn từ bỏ hệ thống hậu Thế chiến II.

Theo CAND

Chia sẻ