Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Ngăn chặn nạn tàn phá rừng Amazon để khai thác vàng là một trong những lời hứa quan trọng nhất của ông Luiz Inacio Lula Da Silva khi ông trở lại tranh cử Tổng thống Brazil và đắc cử vào tháng 10/2022, chấm dứt 4 năm lãnh đạo “thảm họa” của người tiền nhiệm Jair Bolsonaro.
Sau 6 tháng lên nắm quyền, ông Lula Da Silva đã quyết liệt thực hiện lời hứa bằng những biện pháp hiệu quả và có vẻ như đã mang lại kết quả.
Ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Amazon - hội nghị lớn nhất khu vực Nam Mỹ nhằm ngăn chặn quần xã sinh học lớn nhất hành tinh bị hủy diệt, Bộ trưởng Môi trường Brazil Marina Silva đã công bố một thông tin khiến dư luận hết sức quan tâm. Trên tờ Guardian, bà nói rằng nạn phá rừng Amazon của Brazil đã giảm ít nhất 60% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm 2022. Con số chính xác dựa trên hệ thống cảnh báo vệ tinh Deter sẽ được công bố trong vài ngày tới, nhưng các nhà phân tích độc lập đã mô tả dữ liệu sơ bộ là “đáng kinh ngạc” và cho biết sự cải thiện so với cùng kỳ năm ngoái có thể là tốt nhất kể từ năm 2005.
Tổng thống Brazil Lula Da Silva và Bộ trưởng Môi trường Marina Silva công bố kế hoạch chống phá rừng Amazon.
Tiến bộ nhanh chóng trong cuộc “giải cứu rừng Amazon” làm nổi bật tầm quan trọng của thay đổi chính trị tại Brazil. Một năm trước, dưới thời tổng thống cực hữu lúc bấy giờ là ông Jair Bolsonaro, rừng Amazon phải hứng chịu một trong những mùa đốn hạ và đốt tồi tệ nhất trong lịch sử gần đây. Nhưng kể từ khi ông Lula da Silva lên nắm quyền vào đầu năm 2023, chính phủ Brazil đã trừng phạt những kẻ chiếm đoạt đất đai, huy động lực lượng bán quân sự truy quét những kẻ khai thác trái phép, phân định ranh giới nhiều đất đai hơn cho người bản địa và tạo ra nhiều khu vực bảo tồn hơn. Đích thân Tổng thống Lula Da Silva đã đi đến tận những vùng đất của người bản xứ trong rừng Amazon để tận mắt chứng kiến rừng bị tàn phá. Và ông đã cam kết với các tộc trưởng người da đỏ rằng ông sẽ quyết tâm chặn đứng tình trạng này.
Kết quả trên là động lực quan trọng của Tổng thống Lula Da Silva, bà Bộ trưởng Marina trước khi bước vào Hội nghị thượng đỉnh Amazon (diễn ra tại Belém, Brazil, vào ngày 8 và 9/8 với sự tham gia của 8 quốc gia rừng nhiệt đới: Brazil, Colombia, Bolivia, Peru, Ecuador, Venezuela, Guyana và Suriname.
Bà Marina cho biết trước mối đe dọa nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng khí hậu, vốn đã gây sức nóng kỷ lục cho nhiều quốc gia Nam Mỹ, Hội nghị thượng đỉnh Amazon không chỉ thể hiện sự thống nhất, mà cần tạo ra kết quả cụ thể và liên tục để đảm bảo rừng Amazon không bị đẩy đến tình trạng khô cằn và chết dần. Bà đề xuất rằng mỗi quốc gia xây dựng một kế hoạch hành động, và cùng nhau thành lập một hội đồng khoa học để cập nhật dữ liệu mới nhất, chia sẻ các phương pháp hay nhất để đạt được ba mục tiêu của hội nghị thượng đỉnh là: bảo vệ rừng và các dân tộc truyền thống, chống lại sự bất bình đẳng và tăng cường dân chủ.
Bà nói, chìa khóa cho sự cải thiện ở Brazil, nơi có 60% diện tích rừng Amazon, chính là việc đặt ra một mục tiêu mạnh mẽ. “Lý do chính là quyết định của ông Lula Da Silva hướng đến mục tiêu không còn nạn phá rừng. Kể từ đó, chúng tôi đã lập ra các đơn vị bảo tồn mới và các vùng lãnh thổ bản địa đã tạo ra một số kết quả… Bây giờ chúng tôi cần hướng tới một mô hình thịnh vượng mới ít gây hại hơn cho người dân địa phương và rừng”.
Theo hệ thống cảnh báo vệ tinh Deter, trong sáu tháng đầu năm, nạn phá rừng ở Amazon của Brazil đã giảm 34% so với cùng kỳ năm ngoái. Các số liệu của tháng 7 vẫn đang được đối chiếu, nhưng bà Silva cho biết tỉ lệ cải thiện đáng kể “ít nhất 60%” so với cùng kỳ năm ngoái. Các nhà phân tích độc lập tin rằng tỉ lệ này thậm chí có thể lên tới 70%.
Bà Marina cảnh báo rằng kết quả một tháng dựa trên dữ liệu vệ tinh sơ bộ không đại diện cho một xu hướng. Có thể mất vài năm để có một bức tranh rõ ràng hơn vì cuộc kiểm đếm hàng năm của chính phủ kéo dài từ tháng 8 năm nay đến tháng 7 năm sau, có nghĩa là kết quả năm nay sẽ bao gồm cả 5 tháng cuối cùng của chính quyền ông Bolsonaro.
Bà Bộ trưởng Môi trường hy vọng sự cải thiện này có thể là bàn đạp cho một chu kỳ thịnh vượng mới ở Amazon và hơn thế nữa, dựa trên việc sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên, mở cửa thị trường cho các sản phẩm được chứng nhận, phát triển nền kinh tế sinh học và hỗ trợ tài chính lớn hơn từ các quốc gia giàu có được hưởng lợi từ vai trò ổn định khí hậu và tạo mưa của rừng nhiệt đới. Đầu tư bên ngoài, thương mại và hỗ trợ tài chính sẽ rất quan trọng để cho thấy có một giải pháp thay thế khả thi cho các trang trại gia súc và đồn điền đậu nành tàn phá rừng Amazon.
Cuộc chiến hồi sinh rừng Amazon cũng còn những khó khăn, thách thức to lớn. Các thế lực kinh tế dựa vào phá rừng Amazon vẫn đang còn chỗ dựa trong quốc hội Brazil, và bà Bộ trưởng Marina Silva đang chịu áp lực lớn từ các thế lực này. Bà phải đối mặt với một thách thức nữa từ hiện tượng El Nino, hiện tượng đã mang đến nhiệt độ kinh hoàng 38,9 độ C cho dãy núi Andes của Chile vào giữa mùa đông, tình trạng thiếu nước nghiêm trọng ở Uruguay và kỷ lục nhiệt hàng tháng ở một số vùng của Brazil. Điều này dự kiến sẽ làm trầm trọng thêm rủi ro hạn hán và hỏa hoạn ở Amazon trong những tháng tới. Tổng thống Lula Da Silva và Bộ trưởng Marina đã cam kết sẽ thúc đẩy tiếp tục giảm nạn phá rừng trong thời gian chuẩn bị cho hội nghị khí hậu COP30 của Liên hợp quốc, dự kiến sẽ được tổ chức tại thành phố Belém trong vùng Amazon của Brazil vào năm 2025.
Mặt khác, tuy tình trạng phá rừng đã giảm đáng kể so với năm ngoái, nhưng trên thực tế việc phá rừng khai thác vàng và làm kinh tế vẫn còn diễn ra hàng ngày. Theo số liệu của Greenpeace dựa trên phân tích vệ tinh và hình ảnh không ảnh cho thấy mặc dù có sự cải thiện so với năm ngoái, nhưng vẫn có 175 khu vực khai thác mới được mở ở vùng đất Kayapó chỉ trong tháng 6.
Theo CAND