Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bắt đầu chuyến công du Mỹ 3 ngày, từ 30-11, đỉnh điểm là cuộc hội đàm tại Nhà Trắng với người đồng nhiệm Joe Biden. Theo các nhà quan sát, chuyến thăm này là dịp để hai đồng minh lâu đời tôn vinh và làm sống lại một liên minh cũ mà cả hai nước đều muốn hướng tới trong tương lai.
Tổng thống Pháp và phu nhân được đón tiếp với đầy đủ nghi thức long trọng dành cho thượng khách tại thủ đô Washington. Những địa điểm nổi bật, đặc biệt là Nhà Trắng, được trang trí bằng màu cờ của cả hai quốc gia. Cuối ngày đầu tiên được đánh dấu bằng chuyến thăm nghĩa trang quốc gia Arlington và cuộc gặp gỡ với cộng đồng người Pháp ở Mỹ, một bữa tối riêng tư được lên kế hoạch cho hai vợ chồng tổng thống.
Tổng thống Pháp và phu nhân được đón tiếp với nghi thức long trọng dành cho thượng khách tại Washington.
Ông Macron có một loạt cuộc gặp ở cấp cao nhất với Phó Tổng thống Kamala Harris và Ngoại trưởng Anthony Blinken, người nói tiếng Pháp và rất thân Pháp, cũng như với các quan chức Quốc hội Mỹ. Đây không phải là chuyến thăm Mỹ cấp nhà nước đầu tiên đối với ông Macron, người từng được Tổng thống Donald Trump tiếp đón theo cách này. Nhưng, đây là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên được tổ chức tại đây kể từ khi ông Joe Biden vào Nhà Trắng.
Điều phối viên về truyền thông chiến lược của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, ông John Kirby không giấu giếm việc chính quyền Tổng thống Biden rất “phấn khởi” trước chuyến thăm này. Ông giải thích rằng, các liên minh là một trụ cột trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Và, Pháp là đồng minh lâu đời nhất. Ông John Kirby cho rằng liên minh đó là trung tâm của tất cả những gì đang xảy ra xung quanh Ukraine và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Ông hết lời ca ngợi Tổng thống Macron, người được ông mô tả là nhà lãnh đạo của toàn thể châu Âu trong G7, người có kinh nghiệm, kiến thức và sự khôn ngoan. Theo giới phân tích, sau cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng vào năm ngoái do vụ Australia hủy hợp đồng mua tàu ngầm của Pháp để quay sang phía Mỹ, cả hai bên đang muốn phô trương quan hệ được củng cố trở lại. Ông Kirby cho rằng cuộc gặp giữa hai tổng thống cũng là cơ hội để chấm dứt cuộc tranh cãi liên quan đến vụ bê bối tàu ngầm này.
Ông Macron sẽ đến thăm một trung tâm của NASA gần Washington. Cuộc chiến chống khủng bố, an ninh lương thực và năng lượng, cùng với khí đốt và hạt nhân nằm trong chương trình nghị sự. Lãnh đạo hai nước cũng sẽ nói về cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và quan hệ kinh tế. Theo báo giới Pháp, chính quyền Tổng thống Biden trong thời gian gần đây đã cố gắng giảm nhẹ tầm mức quan trọng của các mâu thuẫn để xoa dịu nước Pháp. Nếu chỉ căn cứ vào các quan chức Mỹ, quan hệ với Pháp chưa bao giờ tốt đẹp như hiện nay. Họ nhấn mạnh về mọi thứ đã được thực hiện từ một năm nay, với công cuộc trợ giúp Ukraine và sự hình thành của một liên minh phương Tây mà Pháp được coi là trụ cột ở châu Âu.
Theo một quan chức Pháp, sự khác biệt không nhất thiết trở thành sự bất đồng thực sự. Điều mà Pháp và châu Âu nói chung chỉ trích Mỹ là Đạo luật chống lạm phát (IRA) do Tổng thống Joe Biden ban hành vào mùa hè vừa rồi. Đạo luật này cung cấp các ưu đãi về thuế cho người Mỹ khi mua xe điện được sản xuất trong nước. Châu Âu và Pháp coi đây đơn giản chỉ là trợ cấp cho các công ty Mỹ và là chiêu trò của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch. Ngày đầu tiên chuyến công du cấp nhà nước tại Mỹ, trong buổi ăn trưa với các nghị sĩ Mỹ hôm 30/11, Tổng thống Pháp đã dùng những lời lẽ mạnh mẽ để chỉ trích các biện pháp trợ giá của Mỹ, sẽ có hiệu lực đầu năm tới. Theo đài France 24 của Pháp, các chỉ trích Đạo luật IRA hủy hoại việc làm tại châu Âu mà Tổng thống Pháp đưa ra trong cuộc gặp riêng với các nghị sĩ Mỹ, lẽ ra đã không được đưa lên truyền thông. Thông điệp được truyền đi rộng rãi nói trên khẳng định rõ Paris đại diện cho quyền lợi của khối 27 nước châu Âu trong chuyến công du của Tổng thống Macron.
Là đồng minh và thậm chí là bạn hữu không cản trở việc nói chuyện thẳng thắn với nhau. Đây là thái độ mà Tổng thống Pháp muốn khẳng định rõ. Trước đó, trong buổi nói chuyện với cộng đồng Pháp tại Mỹ, Tổng thống Macron đã trình bày lập trường của ông: Tôi chia sẻ các mục tiêu của Đạo luật IRA, nhưng các biện pháp được lựa chọn sẽ gây chia rẽ phương Tây. Bởi, đạo luật này gây ra những khác biệt rất lớn giữa ở Mỹ và châu Âu. Tổng thống Pháp bày tỏ nỗi lo ngại là châu Âu và nước Pháp trở thành một biến số trong chính sách của Mỹ. Ở Điện Elysée, mọi người ca ngợi thái độ thẳng thắn của nguyên thủ Macron và nhấn mạnh đến nỗ lực mang tính xây dựng của ông. Tổng thống Macron giải thích về ý nghĩa quan trọng của vấn đề này: Không nên có một sự đối đầu Âu - Mỹ trên bình diện thương mại trong những tuần tới, bởi vì chúng ta cần đoàn kết với nhau. Tổng thống Pháp khẳng định các mục tiêu và cố gắng cho thấy rõ lập trường của ông: Là đồng minh chứ không phải theo đuôi.
Về phía Mỹ, họ giải thích rằng luật này bao gồm gói biện pháp chuyển đổi năng lượng và chống biến đổi khí hậu lớn nhất từng được thông qua, rằng nó tốt cho hành tinh và do đó nó mang lại lợi ích chung. Một nhóm làm việc Âu-Mỹ được thành lập để tìm hiểu và lắng nghe những gì châu Âu mong muốn. Nhà Trắng giải thích rằng họ đang thực sự lắng nghe và thông báo rằng nếu không đạt được thỏa thuận nhân chuyến thăm, nhóm công tác này vẫn tiếp tục lắng nghe. Bởi vì, trên hết, đối với chính quyền Tổng thống Biden, chuyến thăm cấp nhà nước này không phải là cơ hội để thể hiện những bất đồng, mà là để tôn vinh các mối quan hệ, đồng thời khôi phục lại liên minh cũ cho tương lai.
Theo CAND