Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Nhằm đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, UBND huyện Bàu Bàng vừa phát động phong trào thi đua “Nhân dân và cán bộ huyện Bàu Bàng chung tay đẩy lùi dịch bệnh Covid-19” và “Mở rộng vùng xanh trên bản đồ Covid-19”. Phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc phỏng vấn ông Võ Thành Giàu, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Bàu Bàng xoay quanh phong trào thi đua này để làm sao đạt hiệu quả cao nhất.
Nhân dân xã Tân Hưng, huyện Bàu Bàng thi đua xây dựng và bảo vệ “vùng xanh”
Thưa ông, vì sao huyện Bàu Bàng lại phát động phong trào thi đua mở rộng “vùng xanh”?
- Theo nhận định, đến nay huyện Bàu Bàng vẫn cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, tuy nhiên nguy cơ bùng phát dịch bệnh là rất cao. Vì vậy để kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn trong tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp; bao vây “vùng đỏ”, bảo vệ “vùng xanh”, bóc tách nhanh F0 ra khỏi cộng đồng, hạn chế số ca F0 tăng nhanh, giảm thiểu thấp nhất tửvong; Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 huyện Bàu Bàng đã triển khai kế hoạch xây dựng “vùng xanh” trên bản đồ Covid-19 đưa Bàu Bàng trở về trạng thái “bình thường mới”. Trong đó, phong trào thi đua mở rộng “vùng xanh” là một nhiệm vụ quan trọng nhằm tổng lực huy động toàn bộ nhân dân, cán bộ cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.
- Vậy mục đích của phong trào này là gì, thưa ông?
“Mục đích của phong trào thi đua “Nhân dân và cán bộ huyện Bàu Bàng chung tay đẩy lùi dịch bệnh Covid-19” và “Mở rộng vùng xanh trên bản đồ Covid-19” là đẩy mạnh phong trào thi đua rộng khắp, mang lại hiệu quả thiết thực trong mọi mặt công tác, lao động, sản xuất, học tập, huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu đẩy lùi dịch bệnh Covid-19…”. (Ông Võ Thành Giàu, Chủ tịch UBND huyện Bàu Bàng) |
- Mục đích của phong trào thi đua “Nhân dân và cán bộ huyện Bàu Bàng chung tay đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 và “Mở rộng vùng xanh trên bản đồ Covid-19” là đẩy mạnh phong trào thi đua rộng khắp, mang lại hiệu quả thiết thực trong mọi mặt công tác, lao động, sản xuất, học tập, huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu đẩy lùi dịch bệnh Covid-19. Phong trào thi đua được thực hiện bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp với đặc thù của từng cơ quan, đơn vị, xã, thị trấn, góp phần vào thành tích chung của huyện. Mục đích cuối cùng là bao vây, thu hẹp “vùng đỏ”, mở rộng “vùng xanh”, tách nhanh F0 ra khỏi cộng đồng, hạn chế số ca F0, giảm thiểu thấp nhất tử vong; đồng thời qua đó kịp thời biểu dương, khen thưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương, các cá nhân tiêu biểu trong phòng, chống dịch bệnh; tăng cường chỉ đạo, tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch bệnh trong tình hình mới; nhất là lợi ích của việc tiêm vắc xin, tiếp tục huy động sức mạnh của hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống dịch bệnh, thúc đẩy phát triển kinh tế, chăm lo đời sống, bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Qua thực hiện phong trào thi đua cũng kịp thời chấn chỉnh, xử lý kỷ luật đối với những nơi lơ là, chủ quan, bị động hoặc chấp hành không nghiêm các quy định về an toàn, phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn.
- Nhiệm vụ trọng tâm của phong trào thi đua này là gì, thưa ông?
- Nhiệm vụ trọng tâm của phong trào là toàn hệ thống chính trị tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”; chủ động các phương án, kịch bản để ứng phó với mọi tình huống; tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, thỏa mãn với những kết quả bước đầu; tiếp tục chỉ đạo sát sao, chặt chẽ và triển khai các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả, nhất là tại các địa phương có mật độ dân số cao, khu công nghiệp đang xuất hiện các ổ dịch bệnh lớn để sớm ngăn chặn, đẩy lùi không để dịch bệnh lan rộng, bùng phát trong cộng đồng.
Lãnh đạo các ngành, các cấp phải gương mẫu đi đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về các hoạt động phòng, chống dịch tại địa phương, cơ quan, đơn vị, lĩnh vực mình phụ trách. Lãnh đạo cơ quan, đơn vị chỉ đạo phải nắm chắc tình hình, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn để kiểm nghiệm, vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể của cơ quan, đơn vị. Trên cơ sở đó đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp kịp thời, phù hợp, khả thi, hiệu quả trong phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội, mang lại niềm tin cho nhân dân.
Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác khi chưa có dịch bệnh hoặc dịch bệnh đã đi qua; không lo sợ, hốt hoảng, lúng túng, mất bình tĩnh, thiếu kiên trì khi dịch bệnh xảy ra. Xác định phòng, chống dịch bệnh hiệu quả đồng thời với việc phát triển kinh tế - xã hội là một lựa chọn đúng đắn, cần thiết nhưng vô cùng khó khăn, thách thức. Do vậy, các cơ quan, đơn vị cần lấy khó khăn, thách thức này làm động lực vươn lên, khẳng định, phát triển và bổ sung cho kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện...
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, nhất là không để đứt gãy các chuỗi sản xuất, kinh doanh tại các khu công nghiệp, các cơ sở dịch vụ và các hoạt động liên quan kế sinh nhai của người dân ở vùng có dịch bệnh. Các cơ quan, đơn vị theo chức năng rà soát, hoàn thiện ban hành các quy định, quy chế và giám sát, kiểm tra việc thực hiện các yêu cầu phòng, chống dịch bệnh bảo đảm kịp thời, hiệu quả, không để ách tắc, đình trệ hoạt động sản xuất, giao thương, lưu thông hàng hóa, vận tải đi - đến vùng có dịch bệnh.
- Xin cảm ơn ông!
THU THẢO (thực hiện)