| 03-11-2020 | 07:34:51

Phân loại rác thải tại nguồn: Tiết kiệm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường

Chất thải rắn sinh hoạt hiện là vấn đề được quan tâm, nhưng nếu biết khai thác “nguồn tài nguyên” này thì vừa tiết kiệm được ngân sách, vừa giảm tác động đến môi trường. Để việc xử lý rác thải sinh hoạt một cách triệt để, hiệu quả về mặt kinh tế đòi hỏi phải phân loại chất thải, rác sinh hoạt tại nguồn.

 Dây chuyền phân loại rác tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Bình Dương

 Ông Phạm Thanh Hùng, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase), cho biết quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đem lại nhiều giá trị về kinh tế - xã hội. Song, vấn đề môi trường đang cần hướng giải quyết phù hợp nhằm phát triển bền vững. Hiện toàn tỉnh có khoảng 2,5 triệu người, ước tính mỗi ngày có khoảng 2.200 tấn rác thải sinh hoạt các loại. Riêng Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Bình Dương có 3 dây chuyền sản xuất phân compost từ rác thải, tổng công suất 1.680 tấn/ngày, đáp ứng nhu cầu xử lý chất thải hiện nay trên địa bàn tỉnh. “Chất thải nếu được phân loại và tái chế không chỉ giúp giảm chi phí xử lý mà còn tiết kiệm nhiều tài nguyên và giảm tác động tiêu cực đến môi trường. Chính vì vậy phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn là cần thiết và cấp bách hiện nay. Tuy nhiên, thực tế CTRSH phát sinh từ các hộ dân trên địa bàn tỉnh hiện nay đều được bỏ chung gây khó khăn trong công tác tái chế”, ông Hùng chia sẻ.

Cũng theo ông Hùng, chương trình phân loại CTRSH tại nguồn nhằm hình thành thói quen cho người dân, hướng tới đô thị văn minh. Hiện tỉnh đã đầu tư hoàn chỉnh về cơ sở hạ tầng phục vụ công tác thu gom chất thải trên địa bàn. Thời gian tới, toàn bộ lượng chất thải sinh hoạt sau khi thu gom đều được xử lý.

Hiện chất thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đều được tập kết về Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Bình Dương. Tại đây các loại chất thải được phân loại trên các băng chuyền để tách các thành phần có thể tái chế, thành phần thực phẩm hữu cơ dễ phân hủy được đem ủ phân compost, chất thải còn lại sẽ được đem ủ thu khí metan phát điện hoặc tiêu hủy. Dây chuyền công nghệ xử lý chất thải bằng phương pháp ủ phân compost đang được chú trọng phát triển, là phương pháp xử lý chất thải hiệu quả và ít tốn kém. Các sản phẩm sau xử lý được sử dụng để cung cấp dinh dưỡng cho đất, chống thoái hóa.

Phân loại CTRSH tại nguồn sẽ hạn chế đến mức tối thiểu khả năng phát tán ô nhiễm, thời gian thu gom nhanh hơn. Riêng tại các cơ sở tái chế, chất thải không bị nhiễm bẩn bởi các thành phần hữu cơ phân hủy nên đã giảm thiểu lượng nước để tẩy rửa nguyên liệu, ít phát sinh mùi hôi. Ngoài ra, tại bãi chôn lấp lượng chất thải giảm, công nghệ chôn lấp thay đổi, chất hữu cơ dễ phân hủy được đem sản xuất phân compost nên thành phần nước rỉ thay đổi, ít ảnh hưởng bởi chất thải độc hại, góp phần tiết giảm chi phí xử lý. “Chất thải sinh hoạt bao gồm nhiều thành phần riêng biệt, trong đó có khoảng 10 - 12 thành phần có khả năng tái sinh với giá trị kinh tế và môi trường cao. Việc sử dụng chất thải hữu cơ dễ phân hủy làm nguyên liệu sản xuất phân compost, tiết kiệm diện tích chôn lấp để sản xuất thành sản phẩm compost, tỷ lệ compost thu được từ rác ban đầu là 15% và khối lượng chất thải chôn lấp giảm 55%”, ông Phạm Thanh Hùng nói.

Được biết, đề án phân loại CTRSH trên địa bàn tỉnh đang trong giai đoạn hoàn thiện. Theo nhận định của các chuyên gia, thực hiện hiệu quả đề án sẽ góp phần tích cực trong việc nâng cao ý thức cho người dân. Sự tham gia của cộng đồng dân cư trong chương trình này trước tiên sẽ góp phần tích cực về bảo vệ môi trường.

 MINH DUY  

Chia sẻ