| 25-02-2015 | 08:06:15

Phát huy giá trị văn hóa, nhân văn

Mùa xuân là mùa của lễ hội. Riêng với Việt Nam, từ Bắc đến Nam, từ sau tết sẽ diễn ra nhiều lễ hội gắn với phong tục, tập quán của mỗi địa phương, nhất là các lễ hội dân gian. Đây là nét đẹp văn hóa truyền thống, nhắc nhở mọi người tri ân và nhớ đến tổ tiên, những người có công với nước, những người được phong thánh, hiển linh. Qua những hình thức của lễ hội còn giáo dục mọi người về lịch sử và truyền thống dựng nước, giữ nước của dân tộc.

 Đa số lễ hội ở Việt Nam là sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tôn giáo. Đặc biệt, khi tết đến xuân về, nhiều người có thói quen đi lễ chùa, cầu cho gia đạo bình an, mọi sự tốt lành. Với tục tín ngưỡng này, làm cho con người cảm thấy bình an và hướng thiện. Những ưu phiền, bực bội sẽ được rũ bỏ, mọi người đối xử với nhau bằng tình thân ái.

Tuy nhiên, đây đó vẫn có những lễ hội quá đà, thực dụng, chạy theo thị trường và biến tướng. Một năm, cả nước diễn ra gần 8.000 lễ hội dân gian, đó là một con số không hề nhỏ. Lễ hội được tổ chức xuất phát từ nhu cầu chính đáng của người dân địa phương, nhưng ngày nay nhiều lễ hội, văn hóa tín ngưỡng đang bị biến tướng và thương mại hóa, hoặc sa đà, mê tín. Vấn đề đang được quan tâm, đó là làm thế nào để phát huy những lễ hội dân gian đồng thời chấn chỉnh những lễ hội mang tính phong trào, những biến tướng của lễ hội do sự can thiệp của địa phương đã góp phần gây nên tình trạng lễ hội được tổ chức tràn lan? Trong khi đó, những lễ hội dân gian do người dân làm chủ thể thì ở bất cứ quốc gia nào cũng là vốn quý cần được bảo vệ.

Để chấn chỉnh tình trạng trên, Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan ngang chính phủ, các tỉnh, thành phố tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Trong đó, Thủ tướng lưu ý giảm tần suất tổ chức lễ hội, ngày hội, nhất là những lễ hội có quy mô lớn. Bảo đảm việc tổ chức lễ hội, ngày hội tiết kiệm, hiệu quả, tránh phô trương, lãng phí; phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc, phong tục, tập quán của từng địa phương…

Chỉ đạo trên của Thủ tướng Chính phủ rất kịp thời, bởi năm nay là năm chẵn, do đó sẽ có rất nhiều lễ hội của đất nước và địa phương sẽ diễn ra. Vì thế, công tác quản lý lễ hội cần được các cấp quản lý, các địa phương quán triệt, thực hiện nghiêm túc. Song song đó, mỗi người dân, du khách hãy tự xây dựng cho mình văn hóa đi lễ hội, phát huy những giá trị nhân văn của lễ hội để cùng góp phần phát huy truyền thống tốt đẹp của lễ hội Việt Nam.

 VĂN HIỆP

Chia sẻ