Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Để giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, Bình Dương chủ trương xã hội hóa mua vắc xin Covid-19 để tiêm ngừa cho người dân. Trên cơ sở đăng ký số lượng mua vắc xin với Bộ Y tế và cam kết thực hiện các điều khoản, Bình Dương hướng đến mục tiêu miễn dịch cộng đồng trên tinh thần trách nhiệm xã hội của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức cá nhân chung tay đóng góp kinh phí mua vắc xin Covid-19.
Vắc xin AstraZeneca phòng Covid-19 được nhân viên y tế kiểm tra trước khi tiêm cho các đối tượng
Kêu gọi xã hội hóa kinh phí mua vắc xin
Theo ngành y tế tỉnh, hiện ngành đủ năng lực tiêm chủng trên diện rộng trong thời gian ngắn, y tế công lập có thể tiêm 500 ngàn liều vắc xin/tháng. Qua rà soát, Bình Dương có khoảng 1,9 triệu người trên 18 tuổi đủ điều kiện tiêm vắc xin Covid-19. Với mục tiêu miễn dịch cộng đồng, Bình Dương cần ít nhất 80 - 90% dân số tiêm ngừa. Sau khi ước lượng loại trừ tỷ lệ không đồng ý tiêm, một số người chống chỉ định tiêm thì số lượng người cần tiêm khoảng 1,4 đến 1,5 triệu người, tương ứng với khoảng 3 đến 3,3 triệu liều vắc xin Covid-19 cho 2 mũi tiêm.
Trên cơ sở Nghị quyết số 21/NQ-CP của Chính phủ, tỉnh phải chi trả đầy đủ kinh phí mua vắc xin theo số lượng đã đăng ký với Bộ Y tế và tạm ứng trước một phần theo thỏa thuận với nhà sản xuất cung ứng vắc xin. Ước tính số lượng vắc xin Bình Dương đăng ký với Bộ Y tế theo Nghị quyết số 21/NQ-CP khoảng 64,7 đến 91 tỷ đồng cho 539 ngàn liều vắc xin, giá thành mỗi liều vắc xin dao động từ 120 - 170 ngàn đồng. Tuy nhiên, trong quá trình tiến hành, tỉnh có thể điều chỉnh đối tượng tiêm theo nhu cầu và áp dụng xã hội hóa với một số đối tượng.
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế, cho biết đối với các nhóm đối tượng không nằm trong Nghị quyết số 21/NQ-CP, nguồn kinh phí mua vắc xin phụ thuộc vào khả năng cân đối tài chính của tỉnh, sự huy động nguồn lực xã hội hóa và sự tự chi trả của người dân. Tuy nhiên, rất khó để có cơ sở ước lượng mức độ sẵn sàng tiêm ngừa của nhân dân, phụ thuộc vào ngân sách, các nguồn tài trợ và sự quyết tâm của chính quyền.
“Việc tiêm vắc xin miễn phí cho người dân có thể tiến hành theo các phương án như: Tiêm ngừa cho 80 - 90% dân số tương đương khoảng 1,2 triệu người thì cần hơn 2,6 triệu liều vắc xin cho 2 mũi tiêm/ người, tổng kinh phí khoảng 317 tỷ đồng. Phương án tiêm ngừa cho 50 - 70% dân số với khoảng 700 ngàn người được tiêm với hơn 1,5 triệu liền vắc xin, kinh phí khoảng 185 tỷ đồng. Phương án tiêm ngừa thấp, dưới 50% dân số, khoảng 500 ngàn người, số lượng vắc xin cần 1,1 triệu liều, kinh phí khoảng 132 tỷ đồng. Nguồn kinh phí cho nhóm đối tượng này chủ yếu theo hình thức xã hội hóa. Tuy nhiên, tùy vào tình hình thực tế, có thể cân đối ngân sách chi để tiêm ngừa tối đa cho nhân dân”, tiến sĩ Chương nói.
Rà soát kỹ đối tượng ưu tiên
Thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Y tế đang nỗ lực tiếp cận các nguồn để mua, nhập khẩu, tiêm vắc xin phòng Covid-19 để bảo vệ sức khỏe người dân, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, do nhu cầu vắc xin trên toàn thế giới rất cao, trong khi nguồn cung vắc xin hạn chế nên các nhà cung cấp đều đưa ra các điều kiện chặt chẽ như: Ký thỏa thuận miễn trừ trách nhiệm sử dụng do các sự cố sau tiêm chủng vì vắc xin được cấp phép khẩn cấp, phải vừa tiêm chủng vừa đánh giá an toàn và hiệu quả bảo vệ, phải mua và thanh toán hết số lượng vắc xin đăng ký, không được trả lại vắc xin, tiến độ cung cấp theo lịch của nhà cung cấp... Để việc tổ chức mua và sử dụng vắc xin đạt hiệu quả cao, không để xảy ra lãng phí, Bình Dương đã tiến hành rà soát số lượng và đăng ký nhu cầu sử dụng vắc xin.
Theo ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế, vắc xin phòng Covid-19 có thời hạn sử dụng ngắn, khi về đến Việt Nam chỉ còn khoảng 3 - 4 tháng nên số lượng vắc xin đăng ký cần tính toán theo khả năng tiêm chủng của các cơ sở y tế thuộc địa phương quản lý. Số lượng từng nhóm, các đơn vị gửi về Cục Y tế Dự phòng, các viện Pasteur khu vực để tổng hợp. Đây là cơ sở để Bộ Y tế xây dựng kế hoạch phân phối, triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 trong thời gian tới.
Trên cơ sở tổng hợp nhu cầu sử dụng vắc xin mà các địa phương đã đăng ký và số lượng vắc xin đàm phán, mua được của các nhà sản xuất, cung ứng, lộ trình nhận vắc xin, Bộ Y tế sẽ phân bổ số lượng cụ thể cho từng địa phương sau khi có vắc xin. Số lượng, tiến độ cung cấp, chủng loại vắc xin sẽ phụ thuộc vào số vắc xin có được, thời gian giao hàng của các nhà sản xuất, cung ứng. Việc mua vắc xin phải căn cứ vào nhu cầu và khả năng tiêm chủng của các tỉnh, thành phố.
Ông Nguyễn Lộc Hà, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết trong thời điểm hiện nay, không thể ngay một lúc Bình Dương tiêm vắc xin miễn phí cho tất cả người dân trên địa bàn nên phải có thứ tự ưu tiên. Trước hết là nhân viên y tế, cơ sở điều trị, xét nghiệm, nhân viên lấy mẫu; lực lượng biên phòng, công an tại khu cách ly; lực lượng truy vết, khoanh vùng, dập dịch tại vùng có dịch; lực lượng phòng chống dịch tự nguyện. Với các đối tượng khác, thực hiện trên nguyên tắc đối tượng có nguy cơ cao thì tiêm trước, nguy cơ thấp thì tiêm sau, vùng có dịch tiêm trước, vùng không có dịch thì tiêm sau. |
KIM HÀ