Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Ngành chăn nuôi của tỉnh đang từng bước chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các vật nuôi có giá trị kinh tế, dễ tiêu thụ, có thị trường ổn định như heo thịt, bò thịt, gia cầm... Đồng thời, ngành tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực từ chăn nuôi nhỏ lẻ, hộ gia đình sang hình thức chăn nuôi trang trại, gia trại theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp, kiểm soát an toàn dịch bệnh và môi trường.
Chú trọng chăn nuôi tập trung
Hiện ngành chăn nuôi của tỉnh đã và đang đẩy mạnh mô hình chăn nuôi tập trung, kết hợp bảo vệ môi trường và an toàn dịch bệnh. Toàn tỉnh có 265 trang trại chăn nuôi heo thịt, heo giống chất lượng cao, với tổng đàn 714.000 con; 150 trang trại chăn nuôi gà, với tổng đàn 8,3 triệu con. Trong đó có các công ty đầu tư chăn nuôi gà giống, gà đẻ trứng và gà thịt như Công ty TNHH Ba Huân, Emivest, CJ Vina, An Tỷ, Japfa, CP, Viet Swan, Bình Minh, 3F Việt… Nhiều trang trại nuôi heo có liên kết sản xuất với các công ty Ba F, CP, CJ Vina, Japfa, Làng Sen, Anova-Farm, CJ-Agri, trại Vĩnh Tân.
Trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều trang trại chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, bảo đảm an toàn sinh học
Theo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, mô hình nông nghiệp ứng dụng chuồng trại kín, trại lạnh trong chăn nuôi heo và gà chủ yếu tập trung ở 4 huyện phía bắc là Bàu Bàng, Phú Giáo, Dầu Tiếng và Bắc Tân Uyên. Hình thức liên kết do công ty đầu tư con giống, thức ăn, thuốc thú y, người chăn nuôi đầu tư xây dựng chuồng trại, trang thiết bị chăn nuôi, công chăm sóc nuôi dưỡng, qua đó đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Nhiều người chăn nuôi cho biết thời gian qua, chăn nuôi heo theo quy mô nông hộ, nhỏ lẻ không chỉ bấp bênh về đầu ra, lo ngại dịch bệnh khiến người chăn nuôi không ít lần thua lỗ. Trong khi đó, phát triển chăn nuôi tập trung quy mô lớn mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, góp phần chuyển dịch về cơ cấu sản xuất, đa dạng hóa chủng loại vật nuôi; đồng thời giúp thay đổi tư duy sản xuất của người dân từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang quy mô trang trại, mang lại hiệu quả kinh tế và giúp người chăn nuôi hạn chế dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh đó, chăn nuôi bò với quy mô trang trại cũng đã phổ biến hơn, chất lượng đàn bò duy trì và phát triển theo hướng lai tạo với các giống bò ngoại chuyên thịt. Người nuôi tận dụng các bờ bao, diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả để trồng cỏ kết hợp tận dụng phụ phẩm nông nghiệp… đã mang lại hiệu quả ổn định. Nhiều dự án, chương trình hỗ trợ vốn đầu tư nuôi bò cho nông dân đã góp phần phát triển tổng đàn bò.
Hình thành chuỗi liên kết
Ông Trần Phú Cường, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, cho biết thời gian qua ngành chăn nuôi của tỉnh đã có bước chuyển biến tích cực. Ngành nông nghiệp quan tâm đầu tư, chuyển dịch phương thức sản xuất, nâng cao chất lượng giống vật nuôi, đẩy mạnh hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ, hướng đến chăn nuôi trang trại và phát triển bền vững.
Cùng với đó, công tác tiêm phòng, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm động vật ra vào tỉnh đã được kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm ngăn chặn, giảm thiểu khả năng lây lan dịch bệnh, sản phẩm chăn nuôi bảo đảm an toàn thực phẩm. Đồng thời, ngành cũng tiếp tục thực hiện các biện pháp duy trì 13 vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đối với cúm gia cầm, Niu-cat-xơn, lở mồm long móng gia súc, dịch tả heo và dại trên chó, mèo; thực hiện giám sát các vùng, cơ sở đã được công nhận an toàn dịch bệnh.
Theo ông Cường, hiện nay tình hình dịch bệnh chưa xảy ra trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên do tình hình thời tiết bất lợi, nguy cơ phát sinh dịch bệnh là rất cao. Ngành thú y tăng cường công tác tuyên truyền, chủ động phối hợp với chính quyền địa phương triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp trong công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.
Nói về định hướng phát triển ngành chăn nuôi trong thời gian tới, ông Trần Phú Cường cho rằng ngành nông nghiệp tiếp tục phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, tăng cường liên kết trong hoạt động chăn nuôi, nhân rộng các mô hình chăn nuôi ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật có hiệu quả. Đồng thời, ngành khuyến khích và hỗ trợ hình thành chuỗi liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp để bảo đảm chia sẻ trách nhiệm, lợi ích giữa các bên, tránh rủi ro, giúp người tiêu dùng truy xuất được nguồn gốc sản phẩm và cân đối cung - cầu các sản phẩm chăn nuôi. Cùng với đó, liên kết chuỗi sẽ tránh được trường hợp sản phẩm chăn nuôi mất giá, không chỉ tạo ra nguồn cung ứng thịt bảo đảm chất lượng cho người tiêu dùng mà còn bảo đảm lợi nhuận cho người chăn nuôi.
THOẠI PHƯƠNG