Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Từ năm 2016, Bình Dương triển khai đề án Thành phố thông minh (TPTM) nhằm chuyển đổi mô hình tăng trưởng, bắt nhịp cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đón làn sóng đầu tư mới, chất lượng cao. Không chỉ quan tâm đến ứng dụng công nghệ, đề án TPTM là chương trình toàn diện nhằm tăng tốc kinh tế - xã hội Bình Dương, đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển vượt bậc giai đoạn 2016-2020 và tạo đà bứt phá mới cho giai đoạn 2021-2025.
Sản xuất thông minh đang là xu hướng thu hút đầu tư mà Bình Dương thực hiện. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất bản mạch điện tử tại một doanh nghiệp trên địa bàn
Chiến lược thành phố thông minh
Từ chiến lược TPTM, Bình Dương đã từng bước hợp tác, thu hút nhiều tập đoàn hàng đầu trong khoa học công nghệ như Schneider, Philips, Bosch, NXP, Intel, TMA... Bên cạnh đó hợp tác với các viện, trường trong nước và quốc tế danh tiếng, như Đại học Quốc gia Singapore (NUS), Viện Nghiên cứu công nghiệp, công nghệ Đài Loan (ITRI), Đại học Quốc gia Chungnam (Hàn Quốc), Đại học Portland State (Mỹ), Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, Viện Cơ học và tin học ứng dụng (Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam)… Từ sự hợp tác đó, Bình Dương đã xây dựng các trung tâm nghiên cứu, sáng tạo, đào tạo quy mô.
Để tạo tiền đề xây dựng TPTM, Bình Dương đã xây dựng trung tâm dữ liệu (eData Center) quy mô lớn về hệ thống internet cáp quang rộng khắp. TPTM là một phần của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Năm 2018, Tổng Công ty Becamex IDC (Bình Dương) và ITRI (Đài Loan) đã hợp tác nghiên cứu phát triển đề án “Hệ thống phân tích dữ liệu tương tác trên quảng cáo đám mây và mạng internet không dây trên diện rộng”. Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Becamex IDC, cho biết khi xây dựng TPTM, Becamex IDC được tỉnh chỉ đạo xây dựng khu công nghiệp và thu hút được các ngành có giá trị gia tăng lớn hơn. Nhiều năm qua, Becamex IDC đã biết nhiều doanh nghiệp Đài Loan thành công lớn về xây dựng và phát triển các khu công nghiệp. Triển khai thực hiện sự hợp tác này, Becamex IDC mong sẽ nhận được sự chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm với các doanh nghiệp Đài Loan trong việc xây dựng khu công nghiệp tại Bình Dương”.
Bên cạnh đó, trong những năm qua Bình Dương đã đăng cai tổ chức thành công liên tiếp các sự kiện mang tầm quốc tế về hợp tác kinh tế, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đô thị thông minh, như Diễn đàn Đổi mới sáng tạo toàn cầu, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á (Horasis)… Các diễn đàn thu hút hàng ngàn lãnh đạo doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia, các đại học, chính trị gia, thị trưởng các tỉnh, thành trên khắp các châu lục đến tham gia, mang lại lợi ích thiết thực, to lớn với các cơ hội hợp tác đầu tư, trao đổi kinh nghiệm, đưa thương hiệu tỉnh lên tầm quốc tế. Bình Dương và các vùng trong tỉnh đã lần lượt được gia nhập các tổ chức uy tín thế giới, như Diễn đàn cộng đồng thông minh thế giới (ICF), Hiệp hội đô thị KHCN thế giới (WTA), Hiệp hội các Trung tâm thương mại thế giới (WTCA)... Liên tiếp hai năm 2018 và 2019, Vùng thông minh Bình Dương được ICF vinh danh là một trong 21 khu vực có chiến lược phát triển TPTM tiêu biểu của thế giới.
Đón làn sóng đầu tư mới
Đến nay, tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu, cụm công nghiệp tại Bình Dương đạt 9.139,5 tỷ đồng. Bao gồm 29 khu công nghiệp (trong đó 27 khu đã đi vào hoạt động) với diện tích 12.743 ha, đạt tỷ lệ cho thuê 80,8% và 12 cụm công nghiệp (có 9 cụm đã đi vào hoạt động) với diện tích 790 ha, đạt tỷ lệ cho thuê 70,6%.
Trong giai đoạn 2016-2020, thu đầu tư nước ngoài của tỉnh đạt trên 11 tỷ đô la Mỹ, vượt trên 5 tỷ đô la Mỹ so với chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Đến nay, Bình Dương đã thu hút trên 3.600 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài từ 64 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đăng ký trên 35 tỷ đô la Mỹ, trở thành địa phương đứng thứ 3 trong cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, chỉ sau TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội. Đa số các dự án sản xuất công nghiệp của nhà đầu tư nước ngoài được bố trí vào các khu, cụm công nghiệp có hạ tầng kỹ thuật đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư.
Ông Niimi Hisashi, cố vấn Công ty TNHH Nawa Precision Việt Nam, KCN Mỹ Phước 3, cho biết: “Bình Dương đã và đang đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp ngày càng hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp trong thời đại 4.0. Đồng thời hạ tầng giao thông ở đây cũng ngày càng đồng bộ, kết nối, liên thông, thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa xuất khẩu đến cảng biển. Đây chính là tiền đề cho sự phát triển vượt bậc của Bình Dương trong thời gian qua. Trong thời gian tới, công ty chúng tôi tiếp tục đầu tư xây dựng nhà máy thứ 3 tại đây. Trong tương lai, công ty chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục chọn Bình Dương để đầu tư và phát triển sản xuất, kinh doanh”. Bên cạnh đó, tỉnh đã thu hút được các dự án hạ tầng dịch vụ, đô thị với hơn 1,2 tỷ đô la Mỹ. Các dự án nổi bật như dự án cung cấp dịch vụ internet do Tập đoàn NTT Viet Nam (Nhật Bản) liên doanh với Công ty Cổ phần Công nghệ & Truyền thông Việt Nam đầu tư với vốn đăng ký 171 triệu USD; các dự án kinh doanh dịch vụ logistics, bất động sản công nghiệp do Tập đoàn Tài chính Warburg Pincus liên doanh với Becamex IDC đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 240 triệu đô la Mỹ…
Cùng với nền tảng có được từ những kết quả xây dựng TPTM, Bình Dương đã thống nhất triển khai đề án “Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương - Binh Duong Innovation Region”, hình thành khu công nghiệp khoa học công nghệ. Đây là bước đột phá sản xuất công nghiệp, hạ tầng mang tính nền tảng cho việc hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, thu hút đầu tư có giá trị gia tăng cao, tạo tiền đề cho sản xuất công nghệ cao.
Ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: “Vùng đổi mới sáng tạo có thể so sánh phù hợp với 4 chương trình đột phá của tỉnh nhiệm kỳ tới, cũng như 9 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, đầu tư phát triển nguồn nhân lực, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và hạ tầng giao thông, phát triển công nghiệp phải gắn liền với phát triển khoa học công nghệ, phát triển mang tính kết nối vùng để phát triển kinh doanh sản xuất với các đơn vị khác. Song song đó, phát triển kinh tế của Bình Dương phải gắn với phát triển kinh tế của vùng”.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Becamex IDC: Xây dựng khu công nghiệp khoa học công nghệ, Bình Dương có thuận lợi để thực hiện như nhà ở xã hội là phần mềm để tạo đà cho công nghiệp tiếp tục phát triển. Trong giai đoạn tiếp theo, Bình Dương sẽ tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng bên trong và bên ngoài khu công nghiệp. Nếu khu công nghiệp khoa học công nghệ được hình thành sẽ góp phần thu hút các dự án đầu tư từ nước ngoài. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: Thời gian qua, Bình Dương đã thực hiện nhiều chương trình, huy động tốt các nguồn lực đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế tỉnh nhà. 5 năm qua, Bình Dương đã có bước nhảy về công nghiệp và đô thị, tốc độ đô thị hóa ở Bình Dương rất cao. Quy hoạch đô thị bài bản, hiện đại, hạ tầng giao thông tốt, phát triển theo xu hướng đô thị hiện đại gắn với đô thị sinh thái và thông minh. Ông FU JUNG TSO, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Điện tử Sunching Việt Nam: Công ty chúng tôi hoạt động tại Bình Dương đã được 19 năm và tôi cũng nhận thấy sự phát triển rõ rệt của tỉnh. Đặc biệt, sự phát triển giao thông, cơ sở hạ tầng, đô thị cũng là điểm nổi bật mà tôi muốn nhắc đến. Tôi tin rằng sự phát triển chung này sẽ tạo tiền đề mạnh mẽ, mở ra nhiều cơ hội mới cho sự phát triển kinh tế của Bình Dương nói riêng và Việt Nam nói chung. |
PHƯƠNG LÊ