| 25-10-2024 | 08:50:26

Phát triển logistics theo hướng xanh, bền vững

Bình Dương xác định dịch vụ logistics là ngành kinh tế quan trọng, phấn đấu sớm đưa địa phương trở thành trung tâm logistics lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á.

Bước tiến mới

Những năm qua, Bình Dương đã tận dụng tốt lợi thế về vị trí địa lý, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ và ngày càng hoàn thiện, cộng với sự phát triển nhanh của ngành công nghiệp và thương mại - dịch vụ đã và đang tạo ra động lực mạnh mẽ thúc đẩy Bình Dương vươn lên trở thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển dịch vụ logistics. Đến nay, hệ thống trung tâm logistics của Bình Dương đã được nâng cấp, mở rộng và đầu tư mới về quy mô lẫn chất lượng dịch vụ, đáp ứng được nhu cầu lưu trữ, trung chuyển phục vụ thương mại nội địa và xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh và khu vực.

Theo bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Công thương, thời gian qua ngành logistics của Bình Dương tăng trưởng bình quân 10%/ năm. Để tăng trưởng cao, ổn định, việc các DN trong và ngoài nước đến Bình Dương tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm về công nghệ tiên tiến và đưa ra các giải pháp cho những vấn đề về kho bãi, tự động hóa, vấn đề liên quan đến ngành công nghiệp là một giải pháp rất cần thiết, qua đó thúc đẩy hệ thống logistics phát triển hiện đại phục vụ tốt hơn cho DN trên địa bàn tỉnh và trong khu vực.

Phương tiện vận tải hàng hóa tập kết tại cảng Thạnh Phước

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Kim Anh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH SPX Express, cho biết việc đầu tư Trung tâm phân loại hàng hóa tự động tại Bình Dương cho phép SPX thể hiện nỗ lực của DN trong việc nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ giao nhận và tối ưu trải nghiệm khách hàng. Trung tâm phân loại mới này ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu của ngành thương mại điện tử và nền kinh tế số đang tăng trưởng vượt bậc, đồng thời còn là cầu nối giúp sản phẩm từ các nhà bán hàng, DN và thương hiệu đến tay người tiêu dùng nhanh chóng, an toàn, đáng tin cậy hơn. Đây cũng là minh chứng rõ nét cho những nỗ lực của SPX trong việc không ngừng cải tiến cơ sở hạ tầng, thực hiện cam kết mang đến giải pháp, dịch vụ giao nhận tối ưu, hiệu quả, góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế số, phát triển logistics theo hướng xanh, bền vững.

Bà Huỳnh Đinh Thái Linh, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Bình Dương: Vừa qua, Hiệp hội Logistics Bình Dương đã tổ chức cuộc họp với nhiều nội dung quan trọng, trong đó có thảo luận chiến lược phát triển logistics xanh, cơ sở hạ tầng tại Bình Dương và khu vực lân cận. Hiệp hội cũng đã và đang triển khai các khóa đào tạo và phát triển nhân lực logistics nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh của hội viên; cùng với đó xây dựng kế hoạch tổ chức hội thảo chuyên đề và chương trình xúc tiến thương mại trong năm 2025. Hiệp hội cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng các DN, thúc đẩy sự phát triển ngành logistics Bình Dương…

Theo ông Phạm Văn Xô, Chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu Bình Dương, mong muốn lớn nhất của hiệp hội là vấn đề chính sách, quy hoạch về giao thông tốt hơn, qua đó kéo giảm giá thành vận chuyển hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa. Điều đáng mừng là đến nay Bình Dương đã phát triển cả đường sắt liên vận quốc tế. Đây là bước tiến lớn trong phát triển ngành logistics tại Bình Dương, tạo những tiền đề phát triển mới cho DN xuất khẩu.

Để thúc đẩy các DN chuyển đổi phát triển, ông Nguyễn Quang Sang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics Bình Dương, cho biết trong thời gian tới hiệp hội mong muốn có nhiều chính sách hỗ trợ để ngành logistics của Bình Dương phát triển xanh trên cơ sở chuyển đổi số; các tuyến đường kết nối vùng sớm được hoàn thiện để tạo thuận lợi cho DN.

Cú hích từ hạ tầng

Trong bối cảnh hiện nay, nếu không thực hiện ngay các tiêu chí để xanh hóa ngành logistics thì trong tương lai DN sẽ gặp nhiều khó khăn, dần bị đào thải khỏi các hoạt động kinh doanh, thương mại và xuất nhập khẩu. Bà Phan Lê Diễm Trang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Bình Dương, nói: “Chúng tôi là những DN sản xuất, hầu hết có liên quan tới logistics, kho bãi, do đó nếu có những định hướng phát triển logistics xanh, kết hợp với các công nghệ mới, phương thức mới sẽ giảm được giá thành vận chuyển. Từ đó cũng giảm được giá thành sản phẩm, góp phần vào việc cạnh tranh về giá cuối cùng của sản phẩm đến người tiêu dùng”.

Theo bà Hoàng Yến, Giám đốc Công ty Roldale Spear (TP.Thuận An), hiện nay DN gặp thuận lợi hơn khi cảng cạn Thạnh Phước đã được khánh thành và đưa vào sử dụng. Cảng cạn này có hệ thống kho, bãi khai thác, cùng với vị trí địa lý thuận lợi để có thể kết nối với các khu công nghiệp, nhà máy sản xuất trên địa bàn tỉnh. Bà Hoàng Yến mong muốn Bình Dương tiếp tục chuyển đổi phương thức vận tải để tạo nên tuyến đường logistics xanh, chú trọng phát triển các dịch vụ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng thông qua các tuyến sà lan kết nối với các cụm cảng ở TP.Hồ Chí Minh, đặc biệt là kết nối với cụm cảng nước sâu ở Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu).

Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết Bình Dương đang triển khai thực hiện các dự án giao thông trọng điểm và xây dựng thêm hệ thống cảng. Đây sẽ là những đòn bẩy để địa phương bứt phá và nâng tầm logistics. Đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh, Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh là những tuyến đường mang tính kết nối vùng, khi hoàn thành sẽ là cú hích cho sự phát triển logistics của tỉnh.

Theo dự kiến, trong tháng 11-2024 Bình Dương sẽ khởi công dự án trọng điểm tuyến cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành với chiều dài qua địa bàn tỉnh hơn 52km. Tuyến đường này là trục kết nối Bình Dương với TP.Hồ Chí Minh, Bình Phước, các tỉnh Tây nguyên và kết nối các cảng hàng không, cảng biển. Bình Dương cũng đang huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại khác, gắn với phát triển công nghiệp - dịch vụ - đô thị...

TIỂU MY

Chia sẻ