| 24-10-2020 | 08:21:21

Phát triển logistics thông minh – Kỳ 2

 

Kỳ 2: Đầu tư xây dựng hệ thống cảng sông

Phát huy lợi thế của 2 tuyến sông Đồng Nai và Sài Gòn, Bình Dương đẩy mạnh việc phát triển các cảng sông, quan tâm xây dựng các công trình giao thông kết nối với các dự án cảng sông.


Xếp dỡ hàng tại Cảng Thạnh Phước

Gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ

Để dịch vụ logistics làm tốt hơn vai trò gắn kết giữa nhà sản xuất với thị trường nhờ hệ thống hạ tầng kỹ thuật được đầu tư đồng bộ, hiện đại, thời gian qua, Bình Dương đã quy hoạch 9 cảng sông. Hiện đã có 4 cảng đang vận hành bao gồm cảng tổng hợp Bình Dương, cảng Thạnh Phước, cảng Bà Lụa và cảng An Sơn.

Dự án cảng cạn An Sơn có quy mô 33,2ha, tổng vốn đầu tư 2.299 tỷ đồng, tiếp nhận tàu có trọng tải đến 2.200 DWT, công suất bốc xếp hàng hóa qua cảng khoảng 800.000 Teus/năm. Cảng có vị trí thuận lợi, tiếp giáp sông Sài Gòn thuộc địa phận xã An Sơn, TP.Thuận An, gần các KCN của tỉnh, cách khu bến cảng Cát Lái khoảng 50km theo sông Sài Gòn. Khi cảng đi vào hoạt động, mang lại hiệu quả như giảm cước phí vận chuyển (bằng 45% đường sắt và 40% đường bộ); giảm áp lực lên hệ thống đường bộ đang quá tải, đồng thời góp phần thay đổi diện mạo và thúc đẩy phát triển xã An Sơn, tạo việc làm cho lao động của địa phương. Ngoài việc xuất nhập khẩu hàng hóa cho các KCN của tỉnh, cảng cạn An Sơn còn tham gia trung chuyển hàng hóa cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và quá cảnh hàng hóa cho Campuchia bằng các tuyến đường thủy nội địa.

Tại khu vực Tân Uyên, Bắc Tân Uyên, với chuyến thử nghiệm thành công, Công ty Cổ phần Thạnh Phước cũng đang hợp tác hoạt động thử nghiệm 2 tuyến sà lan chở hàng container từ Cái Mép và Cát Lái về cảng Thạnh Phước, kỳ vọng mở ra lối mới cho việc giảm chi phí hàng hóa cho khu vực. Ông Nguyễn Minh Dương, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Thạnh Phước (Cảng Thạnh Phước), cho biết đã có những hoạt động phối hợp, liên kết với các mắt xích khác (vận tải đường bộ từ các nhà máy, các doanh nghiệp vận tải thủy, đại lý hãng tàu, đại lý container…) để chuỗi logistics hoạt động thông suốt, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Hiện đơn vị đã và đang thực hiện vận chuyển hàng container bằng sà lan cho thép Tuệ Minh, Công ty DDP và Công ty RochDale Spreas. Cùng với sự hỗ trợ của tỉnh và địa phương, sự đồng hành của khách hàng, đối tác liên kết, tin tưởng Cảng Thạnh Phước sẽ sớm hoàn thành con đường logistics mới cho Bình Dương trong thời gian sớm nhất.

Ông Nguyễn Hoàng Vũ, Chủ tịch Hiệp hội Logicstisc Bình Dương, cho biết theo quy hoạch khu vực này sẽ có thêm cảng Thái Hòa (phường Thái Hòa, TX.Tân Uyên), nằm trên sông Đồng Nai, khoảng 300ha, do Tổng Công ty Becamex IDC làm chủ đầu tư, vốn 6.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang xây dựng hoàn thiện hệ thống giao thông đường bộ, nạo vét, khai thác hệ thống đường sông, tiến tới xây dựng tuyến đường sắt đến Cảng Cái Mép - Thị Vải, kêu gọi các nhà đầu tư vào các cảng cạn, cảng sông. ..

Trong thời gian tới, với quy hoạch cảng sông tỉnh Bình Dương đã duyệt, Bàu Bàng tập trung phát triển các trung tâm logistics, kết nối vận chuyển hàng hóa từ Bàu Bàng đến Cảng An Tây trên sông Sài Gòn và các cảng sông khác là một giải pháp hữu hiệu trong tương lai gần. Điều đó khiến cho việc xuất nhập khẩu tại Bàu Bàng sẽ gần như diễn ra trực tiếp tại địa phương, không phải duy trì lượng hàng hóa lưu kho lớn.

Kết nối giao thông với cảng sông

Theo quan sát của chúng tôi, phương thức kết nối giao thông của cảng cạn An Sơn được quy hoạch bài bản với hệ thống giao thông ngoài cảng. Hệ thống đường giao thông đối ngoại của Cảng An Sơn đã được xây dựng hoàn thiện thông qua các tuyến đường ĐT743, ĐT744, quốc lộ 13 kết nối các trung tâm đô thị và công nghiệp của của tỉnh và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Với mặt bằng tự nhiên giáp sông Sài Gòn, từ Cảng An Sơn có thể giao lưu thủy vận theo các hướng về các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam bộ, kết nối với hệ thống cảng biển trên địa bàn các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.Hồ Chí Minh và tuyến vận tải qua biên giới Việt Nam- Campuchia. Hiện tại, với khoảng cách khoảng 20km về sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, Cảng An Sơn cũng thuận lợi cho việc giao lưu hàng hóa, hành khách.

Lãnh đạo Cảng An Sơn cũng đang kỳ vọng lớn vào sự kết nối cảng với các hướng tuyến đường sắt trong tương lai. Theo quy hoạch của Bộ Giao thông- Vận tải, tại TX.Thuận An hệ thống đường sắt sẽ hình thành 3 hướng tuyến, Hướng thứ nhất từ ga An Bình (ga hàng hóa và ga lập tàu) chạy về ga Thủ Đức, Bình Triệu và vào trung tâm TP.Hồ Chí Minh (một phần sẽ kết hợp cho tuyến tàu nhanh Sài Gòn - Biên Hòa). Trong đó ga An Bình là ga hàng hóa và lập tàu, ga Sóng Thần là ga cảng container trên cạn. Hướng thứ 2 là đường sắt chạy qua Tam Bình sang Hóc Môn và vòng về phía Đông TP.Hồ Chí Minh tạo nên tuyến đường vành đai TP.Hồ Chí Minh. Và hướng thứ 3 là chạy lên Lộc Ninh có các ga thuộc địa phận Bình Dương như Dĩ An, Thủ Dầu Một (nằm ở phía Bắc tuyến chính ĐT743), ga Phú Trung, Chánh Lưu và Bàu Bàng.

Cảng Thạnh Phước cũng đang chờ đợi việc hỗ trợ triển khai mở rộng đường nối các khu công nghiệp chính với cảng, tạo ra cú hích quan trọng, khai thông hàng hóa vào khu vực cảng. Ông Nguyễn Minh Dương cho biết trong thời gian qua, TX.Tân Uyên và tỉnh đã có nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ cho việc phát triển của Cảng Thạnh Phước. Cụ thể, địa phương đã phê duyệt báo cáo khả thi dự án nâng cấp mở rộng đường ĐT747a; đường N2 từ đường tạo lực 2B đến Cảng Thạnh Phước. Vừa qua Sở Giao thông - Vận tải căn cứ vào các quy hoạch được duyệt báo cáo trình Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tham mưu Bộ Giao thông - Vận tải xin điều chỉnh bổ sung các cảng cho phù hợp với quy hoạch được UBND tỉnh phê duyệt, trong đó có Cảng Thạnh Phước.

 TIỂU MY

Chia sẻ