Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
(BDO) Nhằm đóng góp thêm giải pháp khắc phục khó khăn trong đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp, trường Chính trị và Sở Xây dựng vừa phối hợp tổ chức hội thảo khoa học cấp tỉnh góp ý Đề án Phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Điểm sáng trong xây dựng nhà ở cho công nhân
Nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Dương đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế chung của cả nước. Sự phát triển này đã giúp cho tỉnh Bình Dương hiện vươn lên đứng đầu cả nước về thu nhập bình quân đầu người, đứng thứ 2 cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài, đứng thứ 3 về tổng thu nội địa và về tỷ lệ trích nộp vào ngân sách Trung ương.
Có nhiều nguyên nhân để tỉnh có được những thành quả này, trong đó phải kể đến sự phát triển công nghiệp mạnh mẽ của tỉnh, đã tạo ra khối lượng lớn về công việc và nhu cầu về nguồn lao động cao.
Toàn cảnh hội thảo góp ý Đề án Phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2023
Ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, cho biết trong thời gian qua, việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân nói chung, công nhân nói riêng luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm và xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2030, Chính phủ giao chỉ tiêu phát triển 86.877 căn nhà ở xã hội. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 là 46.377 căn; giai đoạn 2026-2030 là 40.500 căn. Theo Sở Xây dựng, đến năm 2025 nhu cầu nhà ở xã hội của tỉnh dự kiến là 42.816 người (tương đương 42.816 hộ), diện tích 1.926.720m2 sàn xây dựng. Từ năm 2026-2030, dự kiến nhu cầu nhà ở xã hội là 86.396 người (tương đương 86.396 căn hộ), diện tích 4.319.800m2 sàn xây dựng. Như vậy, dự kiến giai đoạn từ nay đến năm 2030, tổng số nhu cầu nhà ở xã hội là 129.212 người tương đương 129.212 căn. |
Trong quá trình thực hiện đã thu được những kết quả đáng tự hào, đưa Bình Dương trở thành điểm sáng của cả nước về giải quyết nhà ở xã hội cho công nhân, nhiều người lao động đã có chỗ ở khang trang, sạch đẹp với giá hợp lý và được sự trợ giúp của Nhà nước, thỏa mãn khát vọng “an cư lập nghiệp” trên mảnh đất có bề dày lịch sử hơn 300 năm.
Giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh có 17 dự án và 1 đề án nhà ở xã hội đã được đầu tư với diện tích đất khoảng 132 ha, khoảng 26.600 căn, đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho 106.400 người, đã góp phần giải quyết một phần nhu cầu nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp
Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh hiện có 182.289 khu nhà trọ với 602.466 phòng trọ cho thuê (diện tích khoảng 3 triệu m² sàn), do các hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng, đáp ứng cho 543.777 người là công nhân lao động, sinh viên và người thu nhập thấp thuê ở, góp phần giải quyết về chỗ ở cho công nhân, người lao động, sinh viên làm việc và học tập tại tỉnh Bình Dương. Riêng năm 2020, tỉnh đã đưa vào sử dụng hơn 1,8 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Còn đó những khó khăn, hạn chế
Hiện nay, toàn tỉnh có 29 khu công nghiệp và 12 cụm công nghiệp đang hoạt động, với lực lượng lao động trên toàn tỉnh là hơn 1,2 triệu người, trong đó hơn 50% là lao động từ các tỉnh, thành khác đến Bình Dương sinh sống và làm việc. Lực lượng này chủ yếu sống trong các nhà trọ nhỏ, ẩm thấp, điều kiện sống tối thiểu nhiều nơi chưa được bảo đảm.
Đặc biệt, thời điểm bùng phát đại dịch Covid-19 (năm 2021) cho thấy không gian nhỏ hẹp ở những nhà trọ cũ là điểm yếu trong phòng, chống dịch. Nhiều khu vực nhà trọ có công nhân lao động bị lây nhiễm dịch bệnh Covid-19, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng người lao động.
Trong những năm qua, Bình Dương trở thành điểm sáng của cả nước về phát triển nhà ở xã hội. Trong ảnh: Khu nhà ở xã hội Định Hòa (TP.Thủ Dầu Một)
Trong khi đó, là tỉnh có tốc độ gia tăng dân số cơ học cao, Bình Dương phải đối diện với nhiều vấn đề liên quan đến an sinh xã hội, trong đó có việc giải quyết nhu cầu nhà ở xã hội, nhà ở công nhân cho các đối tượng được hưởng chính sách về nhà ở xã hội theo quy định tại Luật Nhà ở xã hội năm 2014. Bên cạnh đó, quá trình triển khai thực hiện các chính sách về nhà ở xã hội cũng bộc lộ một số khó khăn, hạn chế.
Theo Tiến sĩ Phùng Ngọc Bảo, Vụ trưởng, Trưởng Cơ quan Thường trực miền Nam Tạp chí Cộng sản, bên cạnh những kết quả tích cực, thực trạng phát triển nhà ở xã hội ở tỉnh Bình Dương còn bộc lộ một số hạn chế, như: Dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất nhưng vẫn phải thực hiện thủ tục tính tiền sử dụng đất mới được miễn khoản tiền này; các đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội phải được các cơ quan có thẩm quyền thẩm định về đối tượng, điều kiện…
Tiến sĩ Phùng Ngọc Bảo chia sẻ thêm, việc xác định giá trước khi thực hiện bán, cho thuê, cho thuê mua đối với nhà ở xã hội đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách phải được cơ quan Nhà nước cấp tỉnh thẩm định cũng gây kéo dài thời gian, tốn kém cho doanh nghiệp. Các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đã ban hành chưa đủ hấp dẫn doanh nghiệp.
Còn theo Tiến sĩ Lê Như Thạch, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Bcons, các chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho chủ đầu tư tham gia phát triển nhà ở xã hội chú trọng nhiều vào giảm giá thành nhà ở xã hội. Trong khi đó, lợi nhuận của chủ đầu tư bị khống chế ở định mức khá thấp (nhằm giảm giá nhà ở xã hội), nên không hấp dẫn được nhiều nhà đầu tư.
Đề xuất nhiều giải pháp
Để khắc phục những hạn chế, khó khăn nhằm giải quyết tốt nhu cầu chỗ ở cho công nhân, người thu nhập thấp, đồng thời đánh giá một cách toàn diện nhu cầu về nhà ở xã hội của các đối tượng trong diện thụ hưởng chính sách về nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới; đồng thời đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp có tính chiến lược để phát triển nhà ở xã hội cho đối tượng này, UBND tỉnh đã giao Sở Xây dựng xây dựng Dự thảo Đề án Phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2023.
Người dân vui chơi tại Khu nhà ở xã hội Định Hòa
Việc tổ chức hội thảo góp ý Đề án Phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2023 cũng nhằm tiếp tục hoàn thiện thêm dự thảo đề án.
Ông Nguyễn Hoàng Thao cho biết hội thảo nhằm lấy ý kiến phản biện, góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, người lao động, chủ đầu tư nhà ở xã hội, các doanh nghiệp có nhu cầu mua, thuê nhà ở xã hội… Trên cơ sở đó, tỉnh tiếp thu, hoàn thiện và tổ chức thực hiện đề án đạt hiệu quả cao trong thực tế.
Tại hội thảo, kiến trúc sư Nguyễn Hồng Hải, Ban tư vấn quy hoạch Tổng Công ty Becamex IDC, đề xuất cần có mô hình tài chính hỗ trợ như một quỹ phát triển nhà ở xã hội; lãi suất cố định trong nhiều năm: 20 năm, 25 năm, 35 năm. Cùng với đó, cần có mô hình nhà ở phù hợp cho từng địa phương với từng điều kiện kinh tế - xã hội cụ thể, trong đó cần tính đến các điều kiện tự nhiên, khí hậu, nguồn lực, văn hóa, lối sống các nhóm thu nhập.
Theo kiến trúc sư Nguyễn Hồng Hải, nhà ở xã hội cần có thị trường để tiếp cận đúng đối tượng, phải là một phân khúc tham gia trực tiếp vào thị trường nhà ở. Quỹ nhà ở xã hội nên được quản lý và khai thác linh hoạt hơn, cho thuê hay bán với chi phí hợp lý để sản phẩm này phục vụ đúng mục tiêu ổn định cuộc sống người dân, để người dân hiện thực hóa giấc mơ có nhà.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần duy trì các chính sách xã hội phù hợp trong quá trình quản lý, vận hành, duy tu, bảo trì của các khu nhà ở xã hội để bảo đảm được chất lượng sống lâu dài cho người dân. Song song đó, xây dựng cơ chế để huy động các nguồn lực trong xã hội khuyến khích sự tham gia rộng rãi trong phát triển nhà ở xã hội.
Tiến sĩ Lê Như Thạch đề xuất, ngoài các ưu đãi nhằm giảm giá thành nhà ở xã hội như hiện nay, Nhà nước nên áp dụng chính sách giá trần, như: Ban hành các tiêu chuẩn hay thiết kế điển hình cho các loại nhà ở xã hội; ban hành giá trần cho từng loại nhà ở xã hội theo địa phương, khu vực; đơn giản thủ tục cho chủ đầu tư.
PHƯƠNG LÊ - HOÀNG PHONG