Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng đánh giá: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên Trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”. Thế nhưng, nhằm hạ thấp giá trị nhân văn, nhân đạo và ý nghĩa lịch sử, thời đại của cuộc cách mạng này, các thế lực thù địch dùng nhiều chiêu thức vừa tinh vi, vừa trơ trẽn khi cáo buộc những người cách mạng ở Nga và trên thế giới là “say mê bạo lực”. Vậy, sự thật thế nào?
Bạo lực cách mạng là quy luật phổ biến của mọi cuộc cách mạng và Cách mạng Tháng Mười cũng không phải là ngoại lệ. Vì vậy, trong tác phẩm Sự khốn cùng của triết học (1846), C.Mác và Ph.Ăngghen đã xác định lợi ích của giai cấp vô sản gắn liền với việc xóa bỏ chế độ tư hữu và xây dựng, thiết lập chế độ công hữu về tư liệu sản xuất. Để thực hiện được điều này cần phải tiến hành cách mạng dân chủ bạo lực. Ph.Ăngghen viết: “Như vậy, tôi đã xác định những ý định của những người cộng sản như thế này: 1) bảo vệ lợi ích của những người vô sản chống lại lợi ích của các nhà tư bản. 2) thực hiện việc đó thông qua thủ tiêu sở hữu tư nhân và thay thế nó bằng tài sản chung; 3) không thừa nhận phương sách nào khác, nhằm thực hiện những mục tiêu, ngoài cuộc cách mạng dân chủ bạo lực”.
Cách mạng xã hội chủ nghĩa tất yếu đòi hỏi phải giải quyết vấn đề cơ bản nhất của cách mạng là vấn đề chính quyền. C.Mác từng chỉ rõ: “Đấu tranh giai cấp tất yếu dẫn đến chuyên chính vô sản”. C.Mác, Ph.Ăngghen khẳng định, trong cuộc đấu tranh giành chính quyền, giai cấp công nhân phải trở thành giai cấp thống trị, phải thiết lập chuyên chính vô sản, giai cấp công nhân phải sử dụng bạo lực cách mạng dưới mọi hình thức để đập tan bộ máy cai trị của giai cấp tư sản, thiết lập nhà nước chuyên chính vô sản, giai cấp công nhân phải giành lấy quyền dân chủ: “Mục đích của Liên đoàn những người cộng sản là dùng mọi biện pháp tuyên truyền và đấu tranh chính trị để thực hiện việc đập tan chế độ xã hội cũ, lật đổ giai cấp tư sản, giải phóng giai cấp vô sản về mặt tinh thần, chính trị và kinh tế, thực hiện cuộc cách mạng cộng sản… và không thể giải tán chừng nào mà cách mạng vô sản chưa đạt được mục đích cuối cùng của nó”(1).
Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng đánh giá: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất.
Các giai cấp tư sản, địa chủ không tự nguyện rời bỏ địa vị thống trị, đã điên cuồng dùng bạo lực chống lại nhân dân. Trong điều kiện đó, không có bạo lực cách mạng của quần chúng thì cách mạng không thể thành công. Để bảo vệ thành quả cách mạng, quần chúng công - nông Nga đã đáp lại một cách kiên quyết nhất đối với bạo lực phản cách mạng của bọn địa chủ, tư bản và bọn đế quốc can thiệp. Về vấn đề này, trước đó, ngay trong tác phẩm Hệ tư tưởng Đức C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ ra rằng, trong cuộc cách mạng xã hội tấn công chủ nghĩa tư bản, giai cấp công nhân nhất định phải giành lấy chính quyền. Hai ông viết: “Giai cấp nào muốn nắm quyền thống trị - ngay cả khi quyền thống trị của nó đòi hỏi phải thủ tiêu toàn bộ hình thức xã hội cũ và sự thống trị nói chung, như trong trường hợp của giai cấp vô sản, - thì giai cấp ấy trước hết phải chiếm lấy chính quyền…”(2).
Để cách mạng vô sản giành được thắng lợi, phải sử dụng các hình thức đấu tranh, trong đó chủ yếu sử dụng bạo lực, vì vậy, trong tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, C.Mác và Ph.Ăngghen viết: “Họ công khai tuyên bố rằng mục đích của họ chỉ có thể đạt được bằng cách dùng bạo lực lật đổ toàn bộ xã hội hiện hành. Mặc cho giai cấp thống trị run sợ trước một cuộc cách mạng cộng sản chủ nghĩa, trong cuộc cách mạng ấy những người vô sản chẳng mất gì hết, ngoài những xiềng xích trói buộc họ. Họ sẽ giành được cả thế giới”(3). C.Mác và Ph.Ăngghen phát triển một cách toàn diện tư tưởng về bạo lực cách mạng cả về mục đích, hình thức và phương pháp... trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm của Công xã Pari.
Xuất phát từ mục đích, tính chất của nhà nước của giai cấp tư sản là nhà nước dùng để duy trì sự bóc lột giai cấp những người lao động, nhà nước dùng bạo lực để trấn áp quần chúng và từ mục đích, tính chất của cuộc cách mạng vô sản mà C.Mác và Ph.Ăngghen cho rằng phải dùng bạo lực cách mạng để đập tan nhà nước của giai cấp bóc lột. Đặc biệt quân đội là công cụ bạo lực chủ yếu của giai cấp tư sản, phục vụ cho những mục đích của giai cấp tư sản, C.Mác và Ph.Ăngghen cho rằng phải giải tán quân đội thường trực đó. Vấn đề xây dựng một quân đội của nhà nước mới cũng được đề cập một cách cụ thể. Trong cuộc cách mạng năm 1871 ở Pháp, giai cấp công nhân xây dựng cho mình những tiểu đoàn quân tình nguyện để bảo vệ thành quả cách mạng. Tư tưởng về bạo lực của các ông còn được thể hiện ở vấn đề vũ trang toàn dân chống lại kẻ thù. Lần đầu tiên tư tưởng này được đề cập như là một nguyên tắc xây dựng bạo lực của giai cấp công nhân, của nhà nước Công xã. Từ thực tiễn của Công xã mà C.Mác và Ph.Ăngghen cũng cho rằng cần thiết phải xây dựng một quân đội thường trực mạnh, kiên quyết tấn công kẻ thù, tiêu diệt chúng ở những sào huyệt cuối cùng. Điều đó, có nghĩa là phải sử dụng bạo lực một cách triệt để, không khoan nhượng với kẻ thù.
Bảo vệ và phát triển quan điểm của Chủ nghĩa Mác, trong hoàn cảnh chủ nghĩa tư bản từ tự do cạnh tranh chuyển sang giai đoạn chủ nghĩa đế quốc. Ở giai đoạn này, tính chất thối nát, phản động, bị lịch sử lên án của chủ nghĩa đế quốc thể hiện ở chỗ, để chia lại thế giới đã chia xong, các nước đế quốc, các tập đoàn tư bản lũng đoạn đã đẩy nhân loại vào cuộc chiến tranh tàn khốc chưa từng thấy, cướp đi sinh mệnh hàng chục triệu người, làm cho hàng trăm triệu người khác rơi vào cảnh khốn cùng, điêu đứng. Là nơi tập trung những mâu thuẫn gay gắt của chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa tư bản kết hợp với cả chế độ chuyên chế phong kiến, nước Nga Sa hoàng trở thành mắt xích yếu nhất trong sợi dây chuyền đế quốc chủ nghĩa. Ách áp bức tàn bạo của địa chủ và tư bản, cuộc chiến tranh thế giới mà Chính phủ Sa hoàng và chính phủ tư sản là đồng lõa đã đưa đất nước đến thảm họa, đẩy trên 100 triệu quần chúng vô sản, nửa vô sản, nông dân Nga vào tình cảnh không có sự lựa chọn nào khác ngoài con đường cách mạng. Nước Nga đế quốc chuyên chế của địa chủ và tư bản, “nhà tù của các dân tộc”, phải được thay thế bằng nước Nga dân chủ và cách mạng, đem lại hòa bình và quyền tự quyết cho các dân tộc, ruộng đất cho dân cày, chính quyền về tay công nhân, nông dân và binh lính cách mạng. V.I.Lênin đã chỉ rõ: “Cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa có thể tiến hành được dưới hình thức một thời đại kết hợp cuộc nội chiến... với... một loạt phong trào dân chủ và cách mạng,.... phong trào giải phóng dân tộc trong các nước chưa phát triển, lạc hậu và bị áp bức”(4).
Lãnh tụ cách mạng vô sản và cách mạng Tháng Mười Nga V.l.Lenin.
V.I.Lênin khẳng định cần phải sử dụng một cách linh hoạt phương pháp đấu tranh cách mạng bằng bạo lực và phương pháp hòa bình. Đấu tranh giành và giữ chính quyền bằng phương pháp hòa bình là quý và hiếm. Với việc chứng kiến sự hoành hành của bộ máy cảnh sát, của chủ nghĩa quân phiệt, của bọn đế quốc phản động trong thời kỳ đế quốc chủ nghĩa, Người nhấn mạnh rằng, khả năng phát triển cách mạng một cách hòa bình là “cực kỳ quý báu” nhưng cũng “cực kỳ hiếm hoi” và “đặc biệt hiếm hoi”(5). V.I.Lênin đã phân tích đặc điểm của nhà nước tư sản trong thời đại đế quốc chủ nghĩa và rút ra kết luận về tính tất yếu phổ biến của cách mạng bạo lực.
Vì vậy, suốt quá trình tham gia, lãnh đạo phong trào cách mạng của giai cấp công nhân Nga từ những năm 90 của thế kỷ XIX cho đến khi tiến hành thắng lợi cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, giành được chính quyền, sử dụng bộ máy nhà nước để xây dựng chủ nghĩa xã hội, V.I.Lênin đã không ngừng kế thừa, bảo vệ và đã có những đóng góp to lớn vào việc phát triển những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác nói chung cũng như quan điểm mácxít về bạo lực cách mạng nói riêng. V.I.Lênin chỉ rõ: “Không có cách mạng bạo lực thì không thể thay nhà nước tư sản bằng nhà nước vô sản được. Việc thủ tiêu nhà nước vô sản, nghĩa là việc thủ tiêu mọi nhà nước, chỉ có thể thực hiện được bằng con đường “tiêu vong” thôi”(6). Bạo lực cách mạng là phương thức duy nhất để một giai cấp mới, tiến bộ giành lấy quyền lực chính trị. Điều đó đúng đối với giai cấp vô sản và hơn thế, với giai cấp vô sản, bạo lực cách mạng còn phải thực hiện một nhiệm vụ quan trọng nữa, đó là bảo vệ thành quả cách mạng.
Trong tác phẩm Cách mạng vô sản và tên phản bội Cau‐xky, viết xong ngày 10 tháng 11 năm 1918, V.I.Lênin đã đáp trả một cách đanh thép với Cau‐xky khi y nói “chuyên chính vô sản chỉ là câu nói cỏn con của Mác” và xuyên tạc lý luận về bạo lực của Chủ nghĩa Mác, đó là: “Chủ nghĩa xã hội phản đối việc dùng bạo lực đối với các dân tộc. Cái đó thì không ai chối cãi cả. Nhưng chủ nghĩa xã hội nói chung là phản đối việc dùng bạo lực đối với con người. Tuy nhiên, trừ bọn vô chính phủ thiên chúa giáo và những người theo thuyết của Tôn‐xtôi ra, thì cũng chưa có ai lại từ đó mà rút ra kết luận rằng chủ nghĩa xã hội phản đối bạo lực cách mạng cả. Cho nên nếu chỉ nói ʺbạo lựcʺ nói chung mà không phân tích những điều kiện phân biệt bạo lực phản động với bạo lực cách mạng, thì như thế tỏ ra là một kẻ tiểu thị dân từ bỏ cách mạng, hoặc chẳng qua là tự dối mình và đối người khác bằng những lời ngụy biện”.
Ngày 7-11-1917, lần đầu tiên, công nhân, nông dân quần chúng lao động bị áp bức bóc lột, dưới sự lãnh đạo của chính đảng kiểu mới của giai cấp công nhân, đã đứng lên dùng bạo lực cách mạng đập tan ách thống trị của bọn địa chủ và tư bản, tự mình nắm lấy chính quyền, tự mình bắt tay xây dựng xã hội mới, xã hội cộng sản chủ nghĩa mà giai đoạn đầu của nó là chủ nghĩa xã hội. Khác với các cuộc cách mạng tư sản thay thế ách thống trị phong kiến bằng ách thống trị của giai cấp tư sản, Cách mạng Tháng Mười thực hiện sứ mệnh giải phóng quần chúng lao động khỏi mọi chế độ áp bức bóc lột, đưa họ từ thân phận người nô lệ làm thuê lên địa vị người chủ của xã hội.
Rạng sáng 7-11-1917 (25 tháng 10 theo lịch Nga cũ) lực lượng khởi nghĩa tấn công Cung điện Mùa Đông ở Petrograt (nay là Saint Petersburg), mở đầu cuộc Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại.
Có một sự thật là, V.I.Lênin và những người cộng sản Nga không phải không muốn giành chính quyền về tay cách mạng khi V.I.Lênin và Đảng bônsêvích chủ trương hạn chế ở mức thấp nhất sự đổ máu, mà nếu tránh được thì tốt nhất. Như mọi người đều biết, khẩu hiệu “Toàn bộ chính quyền về tay các xô viết!” là khẩu hiệu của sự phát triển cách mạng một cách hòa bình, sự phát triển đó có khả năng thực hiện vào tháng 4, tháng 5, tháng 6. Cho đến đầu tháng 7-1917, khi chính quyền đã chuyển sang tay bọn độc tài quân phiệt thì khẩu hiệu ấy không còn đúng nữa và Lênin thay bằng khẩu hiệu “Chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang!”. Nhưng đến đầu tháng 9-1917, khi có một động thái mới từ phía Đảng Xã hội cách mạng và bọn mensêvích, lại xuất hiện khả năng trở lại với khẩu hiệu “Toàn bộ chính quyền về tay các xô viết”, nghĩa là trở lại khả năng hòa bình phát triển cách mạng, cái khả năng mà Lênin nói là “cực kỳ hiếm hoi trong lịch sử và cực kỳ quý báu”, “cái khả năng đặc biệt hiếm hoi đó” “nếu còn dù chỉ là một phần trăm hy vọng thôi, thì hy vọng đó cũng rất đáng được níu lấy”.
Và, V.I.Lênin viết một bài báo ngắn cho tờ “Con đường công nhân” nói rõ: Tôi viết những dòng trên đây hôm thứ Sáu vừa rồi, ngày 1 tháng 9, nhưng do những hoàn cảnh ngẫu nhiên nên đã không gửi đến ban biên tập trong cùng ngày hôm đó được. Sau khi đã đọc báo thứ bảy và báo chủ nhật, hôm nay tôi tự nhủ:... một vài ngày mà trong đó sự phát triển hòa bình của các sự biến vẫn còn có thể có được, có lẽ cũng đã thuộc về quá khứ rồi. Đúng, tất cả mọi cái đều chỉ rõ là những ngày mà ngẫu nhiên người ta có khả năng đi vào con đường phát triển một cách hòa bình, đều đã trôi qua mất rồi. Tôi chỉ còn có cách là gửi những dòng này đến ban biên tập và đề nghị đăng dưới đầu đề là “Những ý nghĩ muộn màng...”. Có thể đôi khi những ý nghĩ muộn màng cũng đem lại một ích lợi nào đấy. Đến khi khởi nghĩa vũ trang đã không thể tránh khỏi, cách mạng còn ra sức bảo vệ các công trình văn hóa của nước Nga và của nhân loại. Một ví dụ rất điển hình là Chiến hạm Rạng Đông khi nã pháo vào Cung điện Mùa Đông đã cố gắng tối đa giữ gìn nguyên vẹn công trình văn hóa - lịch sử nổi tiếng thế giới này. Vậy là, từ mục tiêu cho đến hành động, Cách mạng Tháng Mười thật sự là nhân đạo, văn hóa và văn minh. Không ai có thể bôi nhọ thanh danh của Cách mạng Tháng Mười!
Có một sự thật nữa là, đêm ngày 26, rạng sáng 27-10, Đại hội các Xô-viết toàn Nga lần thứ II khai mạc ở Điện Xmô-nưi, tuyên bố thành lập Chính quyền Xô-viết do Lênin đứng đầu với nhiệm vụ hàng đầu là đập tan bộ máy nhà nước của giai cấp tư sản và địa chủ, khẩn trương xây dựng bộ máy nhà nước mới - Nhà nước xã hội chủ nghĩa của những người lao động. Đại hội thông qua hai sắc lệnh do Lênin soạn thảo: “Sắc lệnh hòa bình”, kêu gọi các nước ngừng chiến để đàm phán; “Sắc lệnh ruộng đất”, tuyên bố thủ tiêu quyền tư hữu ruộng đất của địa chủ, chia ruộng đất cho nông dân. Đại hội tuyên bố và thừa nhận quyền phát triển tự do, quyền bình đẳng của các dân tộc Nga; bầu Chính phủ Xô-viết với tên gọi Hội đồng các Ủy viên nhân dân do Lênin đứng đầu. Trong Diễn văn truy điệu I-a. M. Xvéc-đlốp, đăng trên báo Sự thật, số 60, ngày 20 tháng Ba năm 1919, V.I.L.Lênin nói rõ về tính tất yếu và bản chất của bạo lực cách mạng của giai cấp công nhân: “Thưa các đồng chí! Theo quan điểm của những người xét đoán sự việc một cách nông cạn, theo quan điểm của số đông những kẻ thù của cuộc cách mạng của chúng ta hoặc theo quan điểm của những người ngày nay còn do dự giữa cách mạng và kẻ thù của cách mạng, thì nét nổi bật nhất của cách mạng là sự trấn áp thẳng tay và kiên quyết đối với bọn bóc lột và đối với những kẻ thù của nhân dân lao động. Hiển nhiên rằng nếu không làm như vậy, nếu không có bạo lực cách mạng, thì giai cấp vô sản sẽ không thể thắng được, nhưng lại cũng chắc chắn rằng bạo lực cách mạng chỉ là một thủ đoạn cần thiết và chính đáng của cách mạng trong những thời kỳ phát triển nhất định của nó, trong những điều kiện nhất định và đặc biệt, còn việc tổ chức quần chúng vô sản, việc tổ chức những người lao động thì trước kia và hiện nay vẫn là một đặc tính sâu xa hơn nhiều, thường xuyên hơn nhiều của cuộc cách mạng đó và là điều kiện của thắng lợi của nó”.
Trong Đại hội VIII Đảng cộng sản (b) Nga, viết xong chậm nhất ngày 20 tháng Ba năm 1919, đăng lần đầu trên báo Sự Thật, số 113, ngày 22 tháng Tư năm 1956, VI.Lênin đã cảnh báo việc sử dụng bạo lực cách mạng khi Đảng nắm chính quyền: “Ở đây, chúng ta sẽ không làm được gì nếu không có sự giáo dục lâu dài và sự cải tạo lâu dài. Đây là một lĩnh vực mà bạo lực cách mạng và chuyên chính đưa đến những sự lạm dụng, và tôi muốn các đồng chí đề phòng những sự lạm dụng đó. Bạo lực cách mạng và chuyên chính là một điều rất tốt, nếu chúng ta sử dụng nó đúng lúc và đúng đối tượng. Nhưng không nên sử dụng nó trong lĩnh vực tổ chức. Chúng ta hoàn toàn chưa tiến hành tốt công cuộc giáo dục, cải tạo và công tác tổ chức lâu dài; chúng ta phải bắt tay vào việc đó một cách có hệ thống”.
Dưới ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười, nhất là từ bài học về sử dụng bạo lực cách mạng, đối với sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, Đảng ta trong Điện mật của Trung ương Đảng, Số 160, ngày 28 tháng 4 năm 1960 “Gửi xứ ủy Nam Bộ” đã chỉ rõ: Con đường giải phóng miền Nam nhất định phải dùng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng của Mỹ - Diệm”. Và trong bài Tăng cường đoàn kết nhất trí, tiến tới những thắng lợi mới! (Báo cáo của đồng chí Lê Duẩn về Hội nghị đại biểu các Đảng Cộng sản và Đảng Công nhân ở Mạc Tư Khoa, đọc trước Hội nghị Trung ương lần thứ ba) đã khẳng định: “Đấu tranh giai cấp, đấu tranh cách mạng bao giờ cũng phức tạp. Chính vì vậy mà V.I. Lênin đã từng dạy những người cộng sản chúng ta rằng giai cấp công nhân cách mạng và đội tiên phong của nó phải ra sức học tập các hình thức đấu tranh, hòa bình và không hòa bình, trong nghị viện và ngoài nghị viện, phải biết kịp thời sử dụng khả năng hòa bình để giành chính quyền Nhà nước khi có điều kiện, nhưng không được ôm ấp những ảo tưởng về khả năng đó, mà luôn luôn chuẩn bị đầy đủ cho khả năng không hòa bình, sẵn sàng dùng bạo lực cách mạng để đối phó với bạo lực phản cách mạng. Chỉ có nắm vững cả hai khả năng thì chúng ta mới không bỏ lỡ thời cơ thuận lợi, mới tránh được sai lầm trong những giờ phút quyết liệt của cuộc đấu tranh cách mạng”.
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 20 tháng 12 năm 1976, khi chỉ ra một trong những nguyên nhân thắng lợi của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đó là: “Đó là thắng lợi của phương pháp cách mạng: Sử dụng bạo lực cách mạng tổng hợp bao gồm lực lượng chính trị quần chúng và lực lượng vũ trang nhân dân; tiến hành khởi nghĩa từng phần ở nông thôn và từ khởi nghĩa phát triển thành chiến tranh cách mạng; kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị và đấu tranh ngoại giao; kết hợp khởi nghĩa của quần chúng với chiến tranh cách mạng, nổi dậy và tiến công, tiến công và nổi dậy; đánh địch trên cả ba vùng chiến lược: Rừng núi, nông thôn đồng bằng và thành thị; đánh địch bằng ba mũi giáp công: Quân sự, chính trị, binh vận; kết hợp ba thứ quân: Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích; kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy; kết hợp đánh lớn, đánh vừa, đánh nhỏ; thực hiện làm chủ để tiêu diệt địch, tiêu diệt địch để làm chủ; nắm vững phương châm chiến lược đánh lâu dài, đồng thời biết tạo thời cơ và nắm vững thời cơ mở những cuộc tiến công chiến lược làm thay đổi cục diện chiến tranh, tiến lên thực hiện tổng tiến công và nổi dậy đè bẹp quân địch giành thắng lợi cuối cùng”.
Thêm một sự thật nữa cũng là nguyên lý đó là: Cách mạng phải luôn luôn biết tự bảo vệ. Nguyên lý này càng đặc biệt quan trọng trong những thời điểm bước ngoặt của lịch sử. Rõ ràng là không tự đổi mới thường xuyên và đúng quy luật thì chủ nghĩa xã hội không thể tự bảo vệ có hiệu quả. Ngược lại, nếu cách mạng không biết tự bảo vệ, không kiên định trên những nguyên tắc cách mạng, nhất là từ bỏ bạo lực cách mạng, buông lỏng chuyên chính vô sản, không giữ vững thành quả cách mạng mà nhân dân đã giành được với biết bao mồ hôi và xương máu; nếu từ đội tiên phong đến các cấp chính quyền và tổ chức quần chúng bị rã rời, mất sức chiến đấu, thúc thủ và bất lực trước sức tấn công của kẻ thù thì sẽ chẳng còn gì để đổi mới, cải cách, cải tổ!
Như vậy, sự thật trên đã bác bỏ mọi luận điệu khi cho rằng: Cách mạng Tháng Mười là “say mê bạo lực”. Như vậy, giá trị của Cách mạng Tháng Mười vẫn vĩnh hằng và tiếp tục soi sáng con đường chúng ta đi.
______________
(1) (3) C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, tr.732; tr.646
(2) Sđd, C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 3, tr.48
(4) V.I.Lênin, Toàn tập, tập 2, Nxb Tiến bộ, M.1981, tr.113
(5) V.I.Lênin, Toàn tập, tập 34, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1976, tr.180
(6) V.I.Lênin, Toàn tập, tập 33, tr.28.
HÀ SƠN THÁI
Theo QĐND