| 28-10-2013 | 00:00:00

Phòng chống bệnh sau lũ

Bình Dương vừa đối mặt với đợt triều cường lịch sử khiến một số nơi ở Bến Cát, TP.TDM, TX.Thuận An bị ngập lụt. Để bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng chống bệnh cho người dân vùng ngập lụt, ngành y tế đã triển khai các hoạt động y tế cộng đồng để tiêu độc, khử trùng. Riêng với người dân cần chủ động phòng chống các bệnh do lũ gây ra…

Có 2 loại dịch bệnh sau lũ cần quan tâm đề phòng là tiêu chảy cấp và các bệnh ngoài da. Do môi trường, nguồn nước sinh hoạt sau lũ bị ô nhiễm nên khi dùng chế biến thực phẩm cũng rất dễ gây bệnh về tiêu hóa. Điều kiện vệ sinh kém, ăn uống thiếu chất sẽ dễ gây nên bệnh tiêu chảy cấp. Bác sĩ Trần Thị Minh Nguyệt, Trưởng khoa nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh khuyến cáo, người dân cần phòng ngừa bệnh tiêu chảy bằng cách ăn uống hợp vệ sinh, ăn chín uống sôi, rửa tay nhiều lần bằng xà phòng. Trong giai đoạn thời tiết chuyển mùa cũng như sau lũ lụt, cần được ăn uống đầy đủ chất, bổ sung nhiều trái cây để tăng sức đề kháng, uống đủ nước, giữ vệ sinh nhà cửa, trường học, nơi công cộng để chống sự xâm nhập của những tác nhân gây bệnh từ bên ngoài…    Các Y, bác sĩ khám bệnh và tư vấn cho người dân tại xã Cây Trường, Bến Cát sau trận lũ vừa qua

Một chứng bệnh khác thường gặp là bệnh ngoài da. Bác sĩ Lê Văn Quý ở Bệnh viện Quốc tế Đồng Nai cho biết, việc lao động dọn dẹp vệ sinh sau lũ dễ bị tổn thương da, tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công. Cụ thể hơn là khi tiếp xúc với nguồn nước ô nhiễm sẽ vị viêm nang lông, nước ăn chân, viêm kẽ tay, chân do vi khuẩn… Thương tổn là những mụn nước, mụn mủ trên da, tập trung ở vùng hở, tay chân. Khi giập vỡ tạo vết loét nông, trên có vảy màu vàng hoặc màu nâu, xung quanh có viền vảy hoặc quầng đỏ. Khi bị viêm, nhiễm khuẩn, cần phải lau rửa bằng cồn sát khuẩn hoặc betadin. Bôi thuốc sát khuẩn, xanh methylen, castellani... Khi thương tổn đã khô chuyển sang bôi thuốc mỡ kháng sinh như tetraxyclin, foban, bocidate, fucidin. Uống thuốc kháng sinh để bệnh nhanh khỏi và tránh những biến chứng nguy hiểm như viêm cầu thận.

Ngành y tế cũng đã chỉ đạo các trung tâm y tế tuyến huyện, trạm xá xã tích cực phòng chống bệnh sau mùa lũ cho người dân cũng như tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, thông tin. Với phương châm tích cực, tại chỗ và có đủ thuốc men để chăm sóc người dân mắc bệnh sau lũ, người dân sẽ được quan tâm, chăm sóc tốt hơn về sức khỏe và ngành y tế cũng kịp thời ứng phó với tình trạng dịch bệnh sau lũ nếu xảy ra…

QUỲNH NHƯ

Chia sẻ