Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Theo đánh giá, hiện nay tình hình tội phạm ma túy đang có xu hướng trẻ hóa. Đáng chú ý là loại ma túy mà người nghiện sử dụng hiện nay chủ yếu là ma túy tổng hợp, gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tinh thần và thể chất của người nghiện. Trước thực trạng trên, công tác phòng chống ma túy trong giới trẻ, đặc biệt là trong đối tượng học sinh, sinh viên là vấn đề hết sức cấp bách.
Từ thực tế trên, việc nhìn thẳng vào thực trạng người trẻ nghiện ma túy để có cách xử trí kịp thời là vấn đề rất được quan tâm. Vì vậy với dự án “Tăng cường năng lực phòng chống ma túy trong học đường đến năm 2025” của Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì là hết sức cần thiết. Để thực hiện dự án này trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch phân công vai trò, trách nhiệm của từng cơ quan, ban ngành, trong đó đặc biệt quan tâm đến vai trò của nhà trường và gia đình trong việc quản lý, giáo dục con em từ sớm trước sự ảnh hưởng bởi ma túy.
Mục tiêu của dự án nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng và trách nhiệm của nhà trường trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn tệ nạn ma túy đối với thế hệ trẻ trong và ngoài nhà trường; phối hợp huy động cả hệ thống chính trị đối với công tác phòng chống ma túy nhằm tạo phong trào rộng khắp và xây dựng cơ chế tự phòng vệ an toàn cho xã hội trước sự tấn công của tội phạm ma túy; sử dụng đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn ma túy tác động vào thế hệ trẻ và ngăn chặn ma túy xâm nhập học đường, đặc biệt là các trường học tại khu vực, địa bàn phức tạp về tệ nạn ma túy, góp phần làm giảm số người nghiện, người sử dụng ma túy trên địa bàn tỉnh…
Trong số các giải pháp đưa ra nhằm đạt mục tiêu trên thì công tác truyền thông về phòng chống ma túy trong học đường được chú trọng với hàng loạt hoạt động phong phú. Theo đó, hàng năm tổ chức các hoạt động, hội thi về phòng chống ma túy; lập đường dây nóng để tiếp nhận những thông tin, phản ánh nhằm tư vấn, hỗ trợ và giải đáp các thông tin về phòng chống ma túy trong trường học. Cần thiết phải phát triển mô hình Câu lạc bộ “Học sinh phòng chống ma túy” và Câu lạc bộ “Tuổi trẻ phòng chống ma túy” nhằm tăng cường đội ngũ tuyên truyền về tác hại của ma túy, những hệ lụy, khó khăn khi cai nghiện, cách phát hiện và phòng tránh ma túy…
Nằm trong các nhóm giải pháp thì một trong những vấn đề góp phần rất lớn cho việc phát hiện, xử lý tình trạng ma túy trong học đường là tăng cường trao đổi thông tin giữa nhà trường, gia đình và cơ quan chức năng. Theo đó cần xây dựng kế hoạch phối hợp giữa nhà trường, gia đình và các cơ quan chức năng, các tổ chức chính trị xã hội trong việc tuyên truyền, giáo dục về phòng chống ma túy và tệ nạn cho học sinh, sinh viên; nắm bắt các thông tin của học sinh, sinh viên liên quan đến tệ nạn ma túy để kịp thời giáo dục, nhắc nhở và xử lý theo quy định.
Theo báo cáo của cơ quan chức năng, tính đến tháng 3-2023, toàn tỉnh đang quản lý 2.910 người nghiện ma túy, giảm 283 người, tương đương 8,86% so với cùng kỳ. Toàn tỉnh hiện có 5 xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy. Để số người nghiện tiếp tục giảm, số địa phương cấp xã không có tệ nạn ma túy tiếp tục tăng, thiết nghĩ những dự án như “Tăng cường năng lực phòng chống ma túy trong học đường đến năm 2025” là hết sức cần thiết và cấp bách!
L.T.PHƯƠNG