Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Bằng việc tạo điều kiện cho phụ nữ nói chung, cán bộ hội nói riêng nâng cao trình độ mọi mặt, phát triển toàn diện, các cấp Hội LHPN trong tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả giúp hội viên, chị em phụ nữ phát triển, khởi nghiệp, góp phần xây dựng Thành phố thông minh Bình Dương. Đặc biệt, Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2018-2025”(gọi tắt là Đề án 939) là “cánh cửa mở” tạo tiền đề, cơ hội cho hội viên, chị em phụ nữ mạnh dạn tự tin khẳng định mình.
Hội LHPN huyện Dầu Tiếng trưng bày triển lãm các mô hình kinh tế điển hình với các sản phẩm như nấm linh chi, măng tre, tổ yến… Ảnh: T.LÊ
Những đóa hoa khởi nghiệp
Cố gắng tìm hướng phát triển kinh tế gia đình, chị Vũ Thị Thúy (ấp Định Thới, xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng) đã vươn lên làm giàu từ mô hình trồng hoa lan. Từ 300 gốc lan ban đầu với diện tích hơn 1.500m2 đất (năm 2014), đến nay, gia đình chị Thúy đã có trên 350.000 gốc lan rừng, tạo việc làm cho 12 lao động với mức thu nhập 4 triệu đồng/người/tháng. Ngoài công việc tại trang trại, chị còn được biết đến là một người phụ nữ đảm đang, nhiệt tình trong mọi hoạt động của hội, tham gia các cuộc họp, các buổi sinh hoạt của chi hội, giúp đỡ chị em phụ nữ gặp khó khăn như phối hợp với Hội LHPN xã tặng 20 phần quà cho con em hội viên nghèo trên địa bàn xã, giúp đỡ 2 hộ về cây giống và kỹ thuật để trồng có thu hoạch, thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng…
Phát huy lợi thế của địa phương, chị Nguyễn Thị Nụ (ấp Chánh Hưng, xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên) là một điển hình trong phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi. Chia sẻ về quá trình lập nghiệp, chị kể: “Trước đây kinh tế gia đình khó khăn, tôi phải đi làm thuê, cố gắng dành dụm tiền, vay ngân hàng để mua trái cây (cam, quýt) tại các vườn nhỏ lẻ và bán lại tại các chợ đầu mối. Qua thời gian buôn bán, tôi nhận thấy thị trường trái cây (có múi) có tiềm năng phát triển nên mạnh dạn vay mượn mua lại căn nhà để mở vựa mua bán trái cây. Qua giới thiệu của các đầu mối chợ, biết rằng thị trường Hà Nội rất ưa chuộng trái cây có múi của vùng Hiếu Liêm, chị ra Hà Nội tìm đối tác ký hợp đồng bỏ mối. Tuy bước đầu gặp rất nhiều khó khăn do phải cạnh tranh với các thương lái khác và cả hàng Trung Quốc nhưng mặt hàng trái cây của tôi luôn bảo đảm chất lượng, uy tín nên dần dần đã có chỗ đứng trên thị trường đầu mối ở Hà Nội”. Hiện tại vựa trái cây của chị Nụ có khoảng 20 công nhân làm việc, bình quân mỗi tuần xuất khoảng 20 tấn. Trừ các khoản chi phí, mỗi năm gia đình chị lãi trên 800 triệu đồng.
Chị Thúy và chị Nụ là hai trong số rất nhiều gương phụ nữ Bình Dương điển hình đã và đang không ngừng nỗ lực vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Các chị còn luôn thể hiện tinh thần “tương thân, tương ái, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo làm giàu chính đáng” như cho mượn vốn, giúp đỡ tạo việc làm cho những hộ nghèo, hộ khó khăn trên địa bàn.
Tạo bứt phá từ đề án khởi nghiệp
Bà Trương Thanh Nga, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, cho biết năm 2018 là năm đầu tiên thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2018-2025” trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Hội LHPN tỉnh đã triển khai tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau như qua tờ thông tin phụ nữ, trang web của hội, các lớp tập huấn, tổ chức ngày phụ nữ khởi nghiệp… và chỉ đạo Hội LHPN các huyện, thị, thành phố, đơn vị trực thuộc đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, phụ nữ về chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh nhằm thúc đẩy phong trào phụ nữ khởi nghiệp. Đây là một đề án với nội dung thiết thực, hiệu quả giúp hội viên, chị em phụ nữ phát triển toàn diện, góp phần xây dựng Thành phố thông minh Bình Dương.
Dù mới khởi động nhưng trong năm 2018, các cấp hội trong tỉnh đã thành lập được 4 hợp tác xã (Hợp tác xã May gia dụng Tân Hiệp Phát của Hội LHPN huyện Phú Giáo với 7 thành viên, tổng số vốn đầu tư 200 triệu đồng; Hợp tác xã Môi trường An Bình của Hội LHPN TX.Dĩ An với 8 thành viên, tổng số vốn điều lệ trên 1,2 tỷ đồng; Hợp tác xã Lộc Phát của Hội LHPN huyện Dầu Tiếng với 10 thành viên, tổng số vốn đầu tư 484 triệu đồng; Hợp tác xã nông nghiệp, thương mại và dịch vụ Năm Hạng của Hội LHPN huyện Bắc Tân Uyên có 7 thành viên, tổng số vốn đầu tư ban đầu hơn 4,3 tỷ đồng). Trong năm, các tổ chức hội đã thành lập mới 23 tổ hợp tác với 170 thành viên, nâng tổng số tổ hợp tác lên 39 tổ với 307 thành viên; thành lập mới 2 tổ liên kết với 22 thành viên, nâng số lượng tổ liên kết hiện có đến nay là 10 tổ với 214 thành viên. Hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ liên kết đã góp phần tạo việc làm cho lao động trên địa bàn.
“Ngày nay, khi xã hội càng phát triển thì vai trò của phụ nữ cũng ngày càng được khẳng định. Để tiếp tục vươn lên, chị em phụ nữ cần rèn luyện về nhân cách, đạo đức, thể chất, tâm hồn và năng lực, sáng tạo cùng trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật. Khởi nghiệp thành công cũng là cách để chị em khẳng định mình, xứng đáng với truyền thống vẻ vang là con cháu bà Trưng, bà Triệu”, bà Trương Thanh Nga, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết thêm.
THANH LÊ