| 03-08-2013 | 00:00:00

Phương châm “ba làm” theo gương Bác

Với phương châm “ba làm”: làm từ việc nhỏ đến việc lớn, làm từ cán bộ đến hội viên, làm từ hội viên ra nhân dân bằng những phong trào bền vững, đã đưa tấm gương đạo đức của Bác đến từng khu phố, từng hộ gia đình ở thị trấn Phước Vĩnh (huyện Phú Giáo)…

Ông Lê Ngọc Quớn thường xuyên lau chùi ảnh Bác cẩn thận 

Vươn lên bằng truyền thống

Bước vào nhà ông Phạm Văn Học ở khu phố 5, chúng tôi bắt gặp ngay ảnh của Bác được đặt nơi góc trái ở lối đi vào các phòng khác và nhà sau. Ông Học nói: “Tôi chọn vị trí này đặt ảnh Bác để mọi người ra vào đều trông thấy. Gia đình tôi có truyền thống bộ đội từ ông, bố đến anh em cho nên dù trên chiến trường bom đạn hay ngày hòa bình độc lập, trong tư tưởng tôi luôn có Bác”. Rời chiến trường Campuchia năm 1982, ông Học hướng đến vùng đất mới lập nghiệp. Thực hiện phương châm lấy ngắn nuôi dài, cần cù, chịu khó học hỏi kinh nghiệm, đến nay ông có thu nhập trung bình mỗi tháng khoảng 50 triệu đồng trên diện tích 7 ha cao su và 600 nọc tiêu. Ông Học còn mở thêm một cửa hàng vật liệu xây dựng cạnh căn nhà khá đầy đủ tiện nghi… Ông thường xuyên vận động gia đình tích cực hưởng ứng các chủ trương, đường lối của Nhà nước, nhất là khuyên dạy con cái noi theo tinh thần học tập của Bác. Đáp lại lòng mong mỏi của ông, ba người con đều học tập tốt, một người con vừa tốt nghiệp Đại học Sư phạm, một đang là sinh viên Đại học Sư phạm Kỹ thuật và người con út đang học phổ thông và là học sinh giỏi nhiều năm liền.

Cựu chiến binh Phạm Văn Học không ngừng vươn lên làm giàu chính đáng. Trong ảnh: Cửa hàng vật liệu xây dựng tại nhà của ông Học

Ông Học tâm sự: “Tôi không thể nào quên được những câu chuyện về tấm lòng nhân ái của Bác, một vị lãnh tụ hết sức gần gũi với nhân dân”. Những câu chuyện về Bác có ảnh hưởng lớn khi ông đảm nhiệm vị trí trưởng ban công tác mặt trận khu phố. Ông Học rất nhiệt tình và gương mẫu thực hiện những phong trào, chủ trương. Ông góp vốn vào quỹ hỗ trợ nông dân và vốn xoay vòng gần 40 triệu đồng, sẵn sàng chia sẻ kỹ thuật trồng trọt và giúp nhau cây con giống để bà con có điều kiện làm kinh tế, cải thiện đời sống… Ông đề ra phương châm mỗi một cựu chiến binh làm một việc tốt cho bà con noi theo. Nhiều tuyến đường kiểu mẫu được các cựu chiến binh tiên phong quét dọn, hiến đất mở rộng đường, trồng cây xanh và vận động bà con cùng tham gia các phong trào văn nghệ, xây dựng đời sống văn hóa, tập hợp quân nhân… Những việc làm đó đã đưa khu phố đứng đầu trong các phong trào ở thị trấn.

Cũng như ông Học, bà Bùi Thị Lanh ở khu phố 5 bộc bạch: “Ngày xưa gia đình tôi không được sung túc như bây giờ, khó khăn lắm. Những ngày đầu của năm 1993 đến đây lập nghiệp vợ chồng bảo ban nhau phải cố gắng vươn lên, mình là cựu chiến binh có khó mấy cũng phải vượt qua”. Bà Lanh từng là cán bộ quân y, còn chồng bà là lính tham gia chiến trường Campuchia năm 1979, hai vợ chồng bà đã phát huy tinh thần dù khó vẫn không nản và cần cù trong lao động, ra sức chăn nuôi, trồng trọt, phấn đấu mới có được như ngày hôm nay. Bà Lanh còn cho chúng tôi xem mô hình tự tăng gia “thu nhỏ” tại nhà với đôi heo, vài con gà và rau tạp, bà cho biết: “Đây là mô hình mà cả nhà tôi học theo Bác đấy!”.

Gần gũi với nhân dân

Bà Lanh nói: “Mình là cán bộ thì phải gương mẫu vươn lên, có thế mọi người mới noi theo, làm kinh tế cũng vậy!”. Trong vai trò là Phó Bí thư Đảng ủy - Trưởng khối vận thị trấn, bà Lanh rất coi trọng vấn đề cán bộ, đảng viên, gần gũi quần chúng. Bản thân bà luôn có mối quan hệ mật thiết với nhân dân, thể hiện tình làng nghĩa xóm, gắn bó đoàn kết; lắng nghe ý kiến đề xuất của người dân, tích cực tham gia và có những đóng góp thiết thực vào phong trào của địa phương. Bà Lanh trực tiếp vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang; vận động bà con đóng góp xây dựng văn phòng và cổng chào khu phố. Những mô hình, phong trào này đã hưởng ứng tích cực cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, được đưa vào quy chế hoạt động và hương ước, quy ước ở khu phố, người dân đồng tình ủng hộ, thực hiện rộng rãi.

Hẻm phố ở khu phố 2, thị trấn Phước Vĩnh (huyện Phú Giáo) khang trang, sạch đẹp

“Bác Hồ khẳng định, dân vận không thể chỉ dùng sách vở, mít-tinh, khẩu hiệu, truyền đơn, chỉ thị mà đủ… Phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được, vậy nên phải kiên trì, giải thích cho quần chúng hiểu rõ đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước”, bà Lanh cho biết.

Đi qua những tuyến đường xanh - sạch ở thị trấn Phước Vĩnh, chúng tôi đến nhà của ông Lê Ngọc Quớn ở khu phố 9 ngay lúc ông đang lau chùi bức ảnh của Bác được treo trang trọng trên những giấy khen, bằng khen của cá nhân và tập thể khu phố. Ông Quớn không thể nào quên những năm tháng thời trai trẻ. Là lính xe tăng của Trung đoàn 202 ở Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), kỷ niệm mà đến giờ vẫn còn nguyên trong ông đó là cảm giác hồi hộp, phấn khởi trong 2 lần gặp Bác. Ông Quớn nhớ lại: “Lần thứ nhất tôi gặp khi Bác về Vĩnh Yên vào năm 1961 thăm và nói chuyện với nhân dân. Lần thứ 2 vào năm 1963, Bác Hồ đến biểu dương tinh thần chống hạn của quân và dân Vĩnh Phúc. Trong 2 lần gặp Bác tôi ấn tượng nhất là việc Bác sâu sát với quần chúng, đi đến đâu cũng quan tâm nơi ăn, chốn ở của quân và dân trước tiên”.

Tuy đã bước sang tuổi 80 nhưng ông Quớn vẫn rất nhiệt tình với công tác mặt trận ở khu phố bởi lẽ hình ảnh của một vị lãnh tụ, một vị cha già bình dân, cả một đời vì nước vì non luôn in đậm trong tâm trí ông. Người dân trong khu phố 9 lâu nay đã quen thuộc hình ảnh của ông Quớn giản dị, cần kiệm trong sinh hoạt, tránh lãng phí trong hội họp, đi đầu trong các phong trào. Trên chiếc xe đạp cũ ông chịu khó đến từng gia đình, vận động bà con xây dựng đời sống văn hóa, sâu sát tìm hiểu tâm tư của người dân. Với sự chỉ đạo thực hiện mô hình treo ảnh Bác, ở khu phố 9 có gần 100% hộ gia đình thường trú treo ảnh Bác nơi trang trọng và đã trở thành phong trào của cả thị trấn. Ông Quớn nói: “Chúng ta học Bác, tôn vinh Bác thì phải thờ Bác, mỗi ngày nhìn thấy Bác mà phấn đấu và để giáo dục thế hệ mai sau”.

KIM TUYẾN

Chia sẻ