| 25-05-2021 | 08:50:41

“Quả ngọt” nông thôn mới…

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) của Bình Dương có những bước đi hết sức sáng tạo. Không chạy theo hình thức, chú trọng đến chất lượng, chương trình NTM của tỉnh đã có những bước đi đúng hướng, vững chắc. Trong giai đoạn xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, Bình Dương tiếp tục bám sát mục tiêu không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

 

Hưởng lợi từ chương trình xây dựng NTM, nhiều hộ dân trên địa bàn mạnh dạn chuyển đổi cây trồng để tăng giá trị. Trong ảnh: Mô hình trồng cây tre điền trúc ở xã Trừ Văn Thố, huyện Bàu Bàng cho thu nhập ổn định

Sản xuất thuận lợi

Chặng đường xây dựng NTM 10 năm qua, tỉnh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. NTM đã mang lại sức sống mới cho những vùng quê, tạo môi trường thuận lợi cho người dân, trong đó có nhiều nông dân nghèo, cận nghèo đã vươn lên khá giả, làm giàu. Đặc biệt, người dân hiểu rõ được giá trị của xây dựng NTM, góp sức xây dựng làng quê, chủ động trong chuyển đổi diện tích cây trồng có năng suất cao hơn; ứng dụng khoa học kỹ thuật, liên kết, liên doanh trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm..

Ông Nguyễn Văn Em, xã Trừ Văn Thố, huyện Bàu Bàng, cho biết qua chương trình xây dựng NTM, diện mạo địa phương có nhiều khởi sắc và đổi thay rõ rệt, huyện đã đầu tư rất nhiều công trình, dự án phúc lợi như điện, đường, trường, trạm… Từ đó đã góp phần đưa kinh tế địa phương phát triển, đời sống nhân dân được nâng cao. “Xây dựng NTM, những con đường đất đỏ, sình lầy được thay bằng những con đường trải nhựa, bê tông sạch đẹp, thẳng tắp. Giờ đường sá được đầu tư khang trang, xe tải vào tận vườn nên gia đình tôi mạnh dạn chuyển đổi cây trồng từ cây cao su sang trồng tre lấy măng cho hiệu quả kinh tế cao”, ông Em tâm tình.

Trước khi bắt tay vào xây dựng NTM, ở xã An Bình, huyện Phú Giáo, đời sống người dân còn nhiều khó khăn; cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ… Nay những tuyến đường nhựa khang trang nối dài tận ngõ nhà, điện được kéo về tận nơi sản xuất. Ông Nguyễn Hồng Quyết, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Công nghệ cao Kim Long (xã An Bình, huyện Phú Giáo), chia sẻ từ khi xã xây dựng NTM, người dân được thụ hưởng rất nhiều, từ việc đầu tư cơ sở hạ tầng đến tập huấn khoa học kỹ thuật, hỗ trợ cho nông dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh…

Chất lượng sống nâng cao

Đến nay, nhiều vùng nông thôn trong tỉnh đã thật sự “thay da đổi thịt”, được đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng quan trọng. Hệ thống điện, giao thông, trường học, trạm y tế, thiết chế văn hóa, hệ thống bảo vệ môi trường của xã, ấp... đều có bước phát triển đáng kể, tạo diện mạo, tạo sức sống mới khu vực nông thôn. Ngoài ra, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn cũng được hỗ trợ kịp thời, người dân được hướng dẫn, tập huấn về khoa học, kỹ thuật để chuyển đổi sang những mô hình sản xuất cho thu nhập cao hơn... Đặc biệt, đời sống tinh thần của người dân cũng ngày càng được nâng lên.

Xã Bạch Đằng, TX.Tân Uyên là địa phương phát triển thuần nông nghiệp, nhưng xã trở thành điển hình, điểm sáng trong xây dựng NTM của tỉnh. Minh chứng rõ nhất là đến nay kết cấu hạ tầng cơ sở như điện, đường, trường, trạm và các công trình phúc lợi xã hội ở địa phương đã từng bước được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh, khang trang. Năm 2013, xã đã đạt chuẩn NTM, với định hướng phát triển xanh, thân thiện, không thu hút công nghiệp, xã tiếp tục đầu tư nâng chất lượng các tiêu chí xây dựng. Mới đây, Bạch Đằng vừa được UBND tỉnh quyết định công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2019.

Theo ông Nguyễn Thanh Sang, Phó Chủ tịch UBND xã Bạch Đằng, bài học lớn nhất trong xây dựng NTM là sự quyết tâm, đoàn kết của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, phát huy vai trò chủ thể chính là người dân, do dân làm và người dân trực tiếp hưởng lợi, kết hợp vận động xã hội hóa trong thực hiện các mục tiêu, chương trình... Mục tiêu là đưa nông thôn phát triển toàn diện theo hướng văn minh, đời sống vật chất và tinh thần của dân cư nông thôn từng bước nâng lên.

“Quả ngọt” từ chương trình xây dựng NTM là đến nay đời sống vật chất tinh thần của người dân nông thôn ngày càng được nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người ở các xã NTM năm 2020 đạt 65 triệu đồng/người/ năm. Bên cạnh đó, lĩnh vực công nghiệp trong nông thôn phát triển mạnh, đã hình thành các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Mục tiêu chung của chương trình xây dựng NTM của tỉnh là tiếp tục xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; dân trí ngày càng được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn ngày càng nâng cao.

Mục tiêu đến năm 2025, Bình Dương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 50% xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 10% xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; các công trình hạ tầng thiết yếu (giao thông, điện nước, trường học, trạm y tế) bảo đảm tính kết nối, liên thông và ứng phó với biến đổi khí hậu; chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020.

PHƯƠNG ANH

Chia sẻ