Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Năm nay được nhiều cặp vợ chồng chọn để sinh con vì quan niệm sinh con năm rồng đã tốt, năm Nhâm Thìn còn tốt hơn. Những ngày tháng cuối năm này, cuộc “chạy đua” có rồng con càng tấp nập hơn bởi đã gần… về đích. Tuổi rồng tốt cỡ nào không biết chỉ thấy tất cả khoa sản các bệnh viện quá tải trầm trọng.
Chờ sinh ở hành lang khoa sản Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quá tải vì mong con tuổi rồng!
Đến Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh, ngay tại sân trước khoa sản là cảnh sản phụ chờ sinh nằm, ngồi rất đông ở ghế đá, hành lang và tràn ra cả giữa sân. Nhiều người vừa ôm bụng bầu (đã mặc áo bệnh nhân dành cho sản phụ) đi đi lại lại với vẻ mặt lo lắng, bồn chồn. Có người nhăn nhó khổ sở vì cơn đau bụng. Trời nắng nóng nên mỗi bà bầu lại có 1 - 2 người thân cầm quạt tay thay nhau quạt liên tục. Công việc của bác sĩ, nữ hộ sinh cũng quá tải nên họ phải chạy đi chạy lại và căng thẳng giữa quá đông sản phụ sắp đến kỳ “khai hoa nở nhụy”.
Chị Tuyết ở Mỹ Phước, Bến Cát đang chờ sinh đứa con thứ 2. Khoa phụ sản quá đông, phải kê giường nằm ngoài hành lang nhưng gương mặt chị tỏ ra hạnh phúc khi được… toại nguyện.
Có rất nhiều người “canh” để sinh con năm rồng vì ngoài tuổi tốt cho con còn hợp tuổi với ba hoặc mẹ. Quan niệm “tam hợp” với tuổi Thìn là Tý và Thân (Thân- Tý - Thìn) nên anh bạn tôi tuổi Tý (SN 1972) đã “canh” suốt năm để có con tuổi rồng. Canh, chờ và hồi hộp bởi vợ đã lớn tuổi không biết có vượt cạn an toàn không…
Bên trong khoa phụ sản cũng ở tình trạng quá tải. Hầu hết các phòng đều phải kê thêm giường nhưng vẫn không đủ giường để phục vụ. Ở hành lang khu vực hậu sản, nhiều bà mẹ mới sinh xong và em bé nhỏ xíu đành phải chịu cảnh nằm giường bố vì các phòng đều đã kín người. Anh Dũng ở Bến Cát có vợ vừa mới sinh cho biết, con anh chào đời hôm qua nhưng không có giường nên cả mẹ và con phải nằm ghế bố ở hành lang.
Những hệ lụy kéo theo
Những ai có con sinh năm Quý Mùi (2004) và Đinh Hợi (2007) hẳn là đã “thấm thía” thế nào về sinh con vào… năm đẹp! Xin cho con đi học cực kỳ vất vả và trong lớp học của con mình luôn phải chịu tình trạng quá số lượng học sinh quy định. Khoảng cách sinh con quá dày cũng là một hệ lụy về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em sau sinh. Nhiều người biết điều này nhưng họ cố tình “săn rồng” bởi suy nghĩ; trước sau gì cũng sinh 2 đứa nên sinh năm nay tốt hơn! Bà mẹ chưa phục hồi sau lần sinh thứ nhất đã phải vượt cạn lần 2 với bao khó khăn, vất vả.
Bác sĩ (BS) Phan Thị Hòa, Phó Giám đốc, Trưởng khoa Phụ sản BVĐK tỉnh cho biết, năm 2012 được tiên đoán số sinh cao hơn các năm trước vì chọn năm sinh của các bậc cha mẹ và thực tế số lượng sinh tại khoa phụ sản đã cho thấy điều đó. Theo số sinh năm nay tăng như trên đã gây không ít những ảnh hưởng đến các cơ sở để phục vụ và chăm sóc bà mẹ - trẻ sơ sinh. Sự quá tải sẽ có nhiều ảnh hưởng. Ảnh hưởng cho cơ sở phục vụ, từ việc tăng, quá tải số trường hợp sinh, số trẻ sinh ra, số trường hợp chăm sóc hậu sản và một loạt các dịch vụ kèm theo để cho các bà mẹ được “mẹ tròn con vuông” đã đưa chúng tôi, từ cơ sở đến cán bộ y tế tại cơ sở vào thế bị động trước khối lượng công việc tăng. Chúng tôi phải tăng cường về tốc độ, cường độ làm việc hết sức để làm sao bảo đảm an toàn cho các bà mẹ, trẻ sơ sinh. Tuy nhiên do nguồn lực có hạn, số giường bệnh theo biên chế, số nhân viên trong khoa là 96 người, đặc biệt là số BS luôn không đủ (14 BS) vì phải luân phiên đi học, công tác, hậu sản. Áp lực công việc lớn, thiếu thời gian tư vấn đa số BS và các chị em nữ hộ sinh phải nỗ lực hết mình!
Ảnh hưởng cho bà mẹ, trẻ em ngoài khả năng phục vụ của cán bộ y tế có giới hạn, khi phục vụ với số lượng bệnh nhân quá tải thì không tránh khỏi thiếu sót. Bản thân các bà mẹ nếu sinh nhiều lần thì nguy cơ gặp phải các tai biến sản khoa, tử vong mẹ càng cao. Tử vong do thuyên tắc ối là một tai biến sản khoa rất nghiêm trọng, gây tử vong khó tránh được vì xảy ra một cách đột ngột tử vong mẹ khoảng 80%, phân nửa là chết trong giờ đầu thuyên tắc ối.
Từ đó thấy rằng, sinh con có kế hoạch, không sinh nhiều, không sinh dày, mỗi bà mẹ chỉ nên sinh 1 hoặc 2 lần để gia đình chỉ có 1 đến 2 con thì các bà mẹ mới giảm bớt được các nguy cơ, rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe của bà mẹ và trẻ em.
BS PHAN THỊ HÒA, Phó Giám đốc - Trưởng khoa Phụ sản BVĐK tỉnh: Nhiều hệ lụy vì sinh con năm rồng
Theo thống kê tại khoa Phụ sản BVĐK tỉnh, tổng số trẻ sinh ra trong 9 tháng đầu năm là 9.935 trẻ, tăng 2.223 trẻ (tăng 27,6% so cùng kỳ năm 2011). Dẫn đến tình trạng quá tải, như: số giường bệnh theo biên chế cấp là 180 giường nhưng có lúc phải chăm sóc đến 270 bệnh nhân, số trẻ sinh hàng ngày có khi lên đến 45 trẻ so với năm 2011 tối đa là 30 trẻ.
Theo báo cáo, tính đến thời điểm hiện nay, cả nước có 88 trường hợp tử vong mẹ liên quan đến thai kỳ hay sinh nở, trong đó có 60 trường hợp tử vong do tai biến sản khoa. Tại Bình Dương, trong 10 tháng đầu năm cả tỉnh có 5 trường hợp tử vong mẹ, 281 trường hợp tai biến sản khoa. Tất cả đều tăng gấp nhiều lần so cùng kỳ năm 2011. Còn nhiều hệ lụy khác kèm theo sau sự “bùng nổ” sinh con năm rồng này. Số trẻ năm nay cao hơn bình thường thì vài năm tới đây, khi đồng loạt trẻ đến trường sẽ dẫn đến áp lực cho ngành giáo dục từ nhà trẻ, mầm non đến các bậc học khác cũng sẽ bị động kéo theo về cơ sở trường, lớp và cả thầy, cô giáo…
QUỲNH NHƯ – HỒNG THUẬN