Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Di sản văn hóa (DSVH) là sản phẩm vật chất và tinh thần có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học được lưu truyền từ đời này sang đời khác, là tài sản của dân tộc. Trong thời gian qua, công tác bảo tồn và phát huy DSVH trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm, triển khai thực hiện bằng nhiều hoạt động có ý nghĩa...
Đoàn viên thanh niên tham quan, tìm hiểu các hiện vật đang trưng bày tại Bảo tàng tỉnh
Nhiều hoạt động bảo tồn
Ông Lê Văn Phước, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết Bình Dương là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa với bề dày hơn 300 năm hình thành và phát triển. Tất cả được biểu hiện thông qua hệ thống các DSVH vật thể và phi vật thể hiện hữu tại các di tích, bảo tàng và nhà truyền thống trên địa bàn tỉnh. Đó chính là tài sản vô giá của dân tộc và của địa phương được các thế hệ cư dân Bình Dương gìn giữ và phát huy từ bao đời nay, trở thành niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà. “Bảo vệ và phát huy giá trị các DSVH chính là thể hiện sự biết ơn của thế hệ hôm nay đối với các bậc tiền nhân, lấy đó làm cội nguồn để xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Qua đó, công tác này góp phần vào việc giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa cho thế hệ trẻ cũng như đóng góp vào sự phát triển bền vững của tỉnh trong xu thế quốc tế hóa và toàn cầu hóa hiện nay”, ông Phước nói.
Có thể thấy, công tác bảo vệ và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã đạt nhiều kết quả tích cực. Cùng với việc đầu tư thực hiện tu bổ, phục hồi các di tích, công tác lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích cũng được tỉnh quan tâm chú trọng. Trong năm 2019, tỉnh có 1 di tích được nâng cấp xếp hạng cấp quốc gia, đó là di tích đình Dĩ An ở phường Dĩ An, TP.Dĩ An; 1 di tích được xếp hạng cấp tỉnh đó là đình Nhựt Thạnh xã Thạnh Hội, TX.Tân Uyên. Năm 2020, Bình Dương có thêm 2 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, đó là di tích Chiến thắng bót Cây Trường ở xã Trừ Văn Thố, huyện Bàu Bàng và di tích lịch sử - văn hóa Nhà cổ Dương Văn Hổ ở xã Bạch Đằng, TX.Tân Uyên. Cũng trong năm 2019, Bảo tàng tỉnh đã khởi động và xúc tiến triển khai thực hiện thủ tục hồ sơ đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các di tích trên địa bàn tỉnh.
Ngoài các di tích đã được xếp hạng công nhận là những DSVH chứa đựng nhiều giá trị gắn liền với truyền thống văn hóa, lịch sử địa phương, Bình Dương còn có nhiều bộ sưu tập hiện vật có giá trị. Tại Bảo tàng tỉnh hiện đang lưu giữ gần 20.000 hiện vật, trong đó có 2 bảo vật quốc gia, đó là Tượng động vật Dốc Chùa (được công nhận năm 2013) và Mộ chum gỗ nắp trống đồng Phú Chánh (được công nhận năm 2018). Trong năm nay, Bảo tàng tỉnh tiếp tục tham mưu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) triển khai xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị Bộ VH-TT&DL công nhận bảo vật quốc gia đối với hiện vật “Bộ dụng cụ dệt gỗ Phú Chánh”.
Trên lĩnh vực DSVH phi vật thể, Bình Dương là một trong 21 tỉnh, thành phố ở Nam bộ có loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử được UNESCO công nhận là DSVH vật thể đại diện của nhân loại. “Nghề sơn mài ở Tương Bình Hiệp” cũng đã được ghi vào danh mục DSVH phi vật thể quốc gia. Riêng trong năm 2020, Bảo tàng tỉnh đã tham mưu lập hồ sơ khoa học đề nghị Bộ VH-TT&DL đưa vào danh mục DSVH phi vật thể quốc gia đối với 3 loại hình di sản, là: Nghề gốm ở Bình Dương, lễ hội đình Tân An và võ lâm Tân Khánh - Bà Trà.
Quan tâm phát huy giá trị
Phát huy giá trị các DSVH là một trong những nội dung công tác luôn được ngành văn hóa quan tâm, triển khai thực hiện thường xuyên. Hàng năm, Bảo tàng tỉnh, nhà truyền thống và các di tích trên địa bàn tỉnh đã đón tiếp hàng trăm ngàn lượt khách tham quan. Nhiều cuộc trưng bày, triển lãm chuyên đề đã được thực hiện tại Bảo tàng tỉnh, các di tích, phòng văn hóa và thông tin huyện, thị, thành phố trong tỉnh... góp phần phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu của mọi tầng lớp nhân dân. Ngoài ra, Bảo tàng tỉnh đã và đang triển khai thực hiện trưng bày cố định (giai đoạn 2) tại di tích lịch sử Địa đạo Tam giác sắt - Tây Nam Bến Cát…
Luật DSVH đã xác định: “DSVH Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của DSVH nhân loại, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta”. Do đó, công tác bảo vệ và phát huy giá trị DSVH là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của các tổ chức và cá nhân trong toàn xã hội. (Ông Lê Văn Phước, Giám đốc Bảo tàng tỉnh) |
Thời gian qua, Bảo tàng tỉnh đã tham mưu cho Sở VH-TT&DL xây dựng kế hoạch, chương trình tổ chức các sự kiện văn hóa, như lễ kỷ niệm Ngày DSVH Việt Nam - Ngày về nguồn 23-11; lễ tưởng niệm Ngày Phú Lợi căm thù 1-12, đặc biệt là lễ giỗ lần thứ 90 cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc tại di tích lịch sử - nghệ thuật cấp quốc gia chùa Hội Khánh. Đây được xem là bước khởi động cho dự án đầu tư xây dựng Khu lưu niệm cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc gắn với công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử và nghệ thuật cấp quốc gia chùa Hội Khánh.
Cũng trong năm 2020, Bảo tàng tỉnh đã tham mưu cho Sở VH-TT&DL các nội dung phục vụ cho công tác tổng kết 2 đề án “Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020”, “Bảo tồn và phát giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016-2020”. Đặc biệt, trong tháng 12-2020 tới đây, Bảo tàng tỉnh sẽ tham mưu Sở VH-TT&DL tổ chức hội thảo khoa học “Bảo vệ và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn tỉnh Bình Dương”. Đây là hoạt động ý nghĩa, góp phần tích cực cho công tác bảo vệ và phát huy giá trị các di tích trong thời gian tới.
Theo ông Lê Văn Phước, thời gian tới, Bảo tàng tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác phát huy giá trị DSVH của tỉnh bằng việc tập trung thực hiện các kế hoạch liên tịch với ngành giáo dục - đào tạo và Đoàn Thanh niên tỉnh để gắn kết giáo dục truyền thống, đưa học sinh, sinh viên đến với di tích và bảo tàng, nhà truyền thống trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, Bảo tàng tỉnh sẽ nỗ lực từng bước để kết nối, gắn kết với các đơn vị lữ hành du lịch trong tỉnh và khu vực nhằm đưa khách đến tham quan tại bảo tàng và các di tích của tỉnh; phấn đấu để bảo tàng và các di tích trở thành điểm đến cho du khách, góp phần phát triển du lịch Bình Dương.
HỒNG THUẬN