| 23-07-2013 | 00:00:00

Quan tâm chăm sóc sức khỏe người có công

Theo BS. Cao Thị Bích Thuận, công tác tại Ban bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ (BVCSSKCB) cho biết, mẹ VNAH cũng như các đối tượng NCC khác luôn nhận được sự ưu ái, quan tâm trong quá trình khám, điều trị tại bệnh viện. Theo BS.Thuận, nhiều mẹ VNAH ở 2 thị xã Dĩ An, Thuận An và TP.TDM thường đến khám chữa bệnh tại Ban BVCSSKCB. Như tất cả bệnh nhận được điều trị tại đây, các mẹ VNAH được hưởng những chế độ chính sách theo quy định, được theo dõi danh sách, quản lý khá chặt chẽ nên mọi chuyện khám, điều trị rất thuận lợi. Với những huyện khác, NCC được khám, chữa bệnh tại các Bệnh viện Đa khoa huyện để thuận tiện theo dõi và chuyển lên tuyến trên khi có yêu cầu từ bệnh nhân, bác sĩ điều trị.

  Ông Trương Văn Dương đang điều trị tại Bệnh viện ĐD-PHCN tỉnh

Đến Bệnh viện Y học Cổ truyền tỉnh, chúng tôi cũng ghi nhận những quyền ưu tiên bệnh nhân là NCC ở đây. BS.Nguyễn Văn Đức, Giám đốc bệnh viện này cho biết, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” là điều cần thiết, là nghĩa cử cao đẹp bày tỏ lòng kính trọng của thế hệ hôm nay cho những mất mát hy sinh của thế hệ cha ông. Thế nên, với những bệnh nhân là NCC, khi đến bệnh viện khám được ưu tiên khám trước, không chờ đợi lâu. Được hướng dẫn phát thuốc theo đơn đúng với quy định của Bảo hiểm Y tế (BHYT) cho người bệnh. Hàng năm, bệnh viện cũng tổ chức những chuyến khám từ thiện ngoại viên để chăm sóc sức khỏe cho NCC, thân nhân gia đình chính sách được tốt hơn, kinh phí cho mỗi chuyến đi vài chục triệu đồng. Đây cũng là một trong những điểm thi đua của đơn vị, đoàn thanh niên, công đoàn…

Có một bệnh viện mà NCC chọn để điều trị nhiều nhất là Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng (ĐD-PHCN) tỉnh. Tại khoa khám chữa bệnh trung cao, chúng tôi gặp bệnh nhận Trương Văn Dương. Ông cho biết năm nay đã 68 tuổi, tham gia cách mạng từ năm 1961 ở Tiểu đoàn Phú Lợi, TP.TDM, Bình Dương. Hơn 3 tháng nay ông Dương điều trị nội trú ở Bệnh viện ĐD-PHCN tỉnh. Ông nói: “Tôi được điều trị bệnh cao huyết áo, giật cơ mặt, méo miệng… ở đây hoàn toàn miễn phí và rất yên tâm bởi thái độ phục vụ của y, bác sĩ thật tốt. Nhiều người bệnh hài lòng khi được chăm sóc chu đáo”.

Tại phòng khám, chúng tôi còn gặp rất nhiều NCC đến khám, chữa bệnh. Bà Hồ Thị Cẩm là thương bệnh binh ở An Điền, Bến Cát đã điều trị bệnh ở đây hơn 7 năm nay. Bà không có con, chồng mất sớm nên mỗi khi đi khám bệnh, những đứa cháu chở đến bệnh viện. “Ít khi nào phải chờ đợi lâu bởi cô vừa là… bệnh nhân ưu tiên, vừa là người cao tuổi nên được đối xử  rất tử tế”,  bà Cẩm cho biết như thế. Ông Trần Duy Hàn, cựu chiến binh, là thương binh 3/4 ở phường Phú Lợi, TP.TDM cũng đến khám do bị đau sườn trái, đầu hay bị “nghe tiếng u…u…, khó chịu lắm!”. Ông cho biết rất hài lòng về cách khám, điều trị của bệnh viện và không tốn tiền viện phí kể cả nội, ngoại trú…

Theo dược sĩ Đặng Thị Mỹ Loan, Phó phòng Kế hoạch tổng hợp của bệnh viện ĐD-PHCN tỉnh thì NCC có thẻ BHYT ghi số hiệu, quy định rõ là thẻ của đối tượng chính sách nên bệnh viện phân loại từ đầu để ưu tiên trong khám, điều trị bệnh. Với những bệnh nhân trung cao như ông Dương, 80% viện phí do BHYT trả và 20% do ngân sách Tỉnh ủy chi trả qua Ban BVCSSKCB. Người bệnh hoàn toàn không phải đóng một khoản nào. Tính từ đầu năm đến nay, bệnh viện ĐD-PHCN tỉnh đã khám ngoại trú cho 1.253 lượt NCC, kinh phí hơn 479 triệu đồng; điều trị nội trú cho 38 lượt, kinh phí gần 41 triệu đồng.

BS.Nguyễn Văn Hóa, Giám đốc Bệnh viện ĐD-PHCN tỉnh cũng cho rằng, đối tượng NCC luôn được bệnh viện quan tâm đặc biệt và là đối tượng “ưu tiên một”. Điều này có quy định hẳn hoi tại phòng khám, buồng bệnh. Làm điều này là thể hiện đạo lý đúng đắn “uống nước nhớ nguồn”. “Bệnh viện còn giao cho Công đoàn, Đoàn Thanh niên tổ chức mỗi năm vài chuyến khám bệnh từ thiện ngoại viện cho NCC. Cụ thể, bệnh viện vừa tổ chức đợt khám bệnh từ thiện tại Minh Thạnh, Dầu Tiếng cho 114 bệnh nhân trong đó có nhiều NCC với kinh phí 20 triệu đồng”- BS.Hóa chia sẻ.

Quỳnh Như

 

Chia sẻ