Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Bình Dương đang nỗ lực xây dựng trở thành thành phố thông minh, phát triển bền vững. Nhằm góp phần hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh đã triển khai dự án quan trắc môi trường thông minh, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường.
Trạm điều hành trung tâm của hệ thống quan trắc tự động
Hệ thống quan trắc môi trường toàn diện
Để thu thập, xử lý, phân tích dữ liệu về tình trạng môi trường một cách toàn diện và chính xác, phục vụ cho việc ra quyết định quản lý môi trường hiệu quả, tỉnh đã triển khai hệ thống quan trắc tự động và thành lập Trạm điều hành trung tâm. Mạng lưới quan trắc của tỉnh hiện đang thực hiện quan trắc và vận hành các hệ thống quan trắc tự động, gồm: Quan trắc tự động không khí xung quanh; quan trắc tự động nước mặt; quan trắc động thái nước dưới đất tự động; quan trắc khí tượng thủy văn; giám sát chất lượng nước thải, khí thải thông qua hệ thống quan trắc tự động và hệ thống camera do doanh nghiệp đầu tư.
Trạm điều hành trung tâm đặt tại Trung tâm Quan trắc kỹ thuật tài nguyên và môi trường Bình Dương, điều hành toàn bộ hoạt động hệ thống quan trắc tự động trên địa bàn tỉnh. Bắt đầu hoạt động từ năm 2012, toàn bộ dữ liệu của các hệ thống quan trắc tự động và hình camera giám sát từ trạm quan trắc cơ sở được liên tục truyền về Trạm điều hành trung tâm. Bà Nguyễn Trình Cao Sơn, Phó Giám đốc Trạm điều hành trung tâm, cho biết qua hơn 10 năm vận hành, trạm đã qua 3 giai đoạn nâng cấp, mở rộng nhằm đáp ứng khả năng tiếp nhận, quản lý dữ liệu của hệ thống quan trắc tự động theo quy định hiện hành, cũng như tiếp nhận, quản lý dữ liệu của các chương trình quan trắc định kỳ trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, Trạm điều hành trung tâm đang giám sát, quản lý dữ liệu của hơn 340 trạm quan trắc tự động về nước thải, khí thải, nước mặt, nước dưới đất và thủy văn; tiếp nhận dữ liệu hình ảnh camera giám sát từ các trạm quan trắc nguồn thải truyền về và có khả năng điều khiển tủ lấy mẫu nước thải tự động tại các trạm quan trắc nước thải. Trạm điều hành trung tâm tích hợp được dữ liệu từ các chương trình quan trắc định kỳ (nước mặt, nước ngầm, không khí xung quanh, đất và trầm tích đáy) và chia sẻ dữ liệu quan trắc cho cộng đồng thông qua hệ thống Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) của tỉnh, Cổng thông tin điện tử Sở Tài nguyên và Môi trường, Cổng thông tin Trung tâm Quan trắc kỹ thuật tài nguyên và môi trường; đồng thời chia sẻ tài khoản cho các cấp lãnh đạo quản lý thuộc các sở, ngành, huyện, thành phố trong tỉnh phục vụ công tác quản lý, điều hành.
Hướng tới thành phố thông minh
Trong 3 năm liên tiếp (2021, 2022, 2023), tỉnh Bình Dương đã vinh dự được Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF) công nhận là một trong 7 cộng đồng có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu nhất. Đặc biệt, năm 2023, Bình Dương đã đạt thành tích xuất sắc khi trở thành Top 1 ICF, khẳng định vị thế tiên phong trong quá trình chuyển đổi số và phát triển bền vững tỉnh nhà. Để góp phần duy trì và nâng cao vị thế này, cũng như hướng tới những mục tiêu cao hơn trong tương lai, Sở Tài nguyên và Môi trường đã và đang tăng cường năng lực quan trắc và quản lý môi trường. Cụ thể, sở đã triển khai các dự án nhằm mở rộng hệ thống quan trắc tự động, chia sẻ cơ sở dữ liệu và nâng cao chất lượng dữ liệu môi trường.
Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đang giám sát 110 trạm quan trắc nước thải tự động, 39 trạm quan trắc khí thải tự động và giám sát hơn 350 camera do các doanh nghiệp thuộc đối tượng phải lắp đặt và kết nối về sở. Sở Tài nguyên và Môi trường quản lý và giám sát các thông số quan trắc: COD, TSS, pH, Amoni, nhiệt độ, lưu lượng (đầu vào và đầu ra), CO, SO2, NOx,O2, bụi, áp suất, lưu lượng và hình ảnh camera giám sát truyền về Trạm điều hành trung tâm với tần suất 1 phút/1 dữ liệu. |
Bà Nguyễn Trình Cao Sơn cho biết dự án đầu tư mở rộng hệ thống quan trắc, chia sẻ cơ sở dữ liệu và quản lý môi trường phục vụ phát triển thành phố thông minh tỉnh Bình Dương được UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường làm chủ đầu tư. Dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 2091/QĐ- UBND ngày 29-8-2022 và Quyết định số 664/QĐ-UBND ngày 21-3-2024. Thời gian thực hiện dự án trong giai đoạn 2022- 2026. Theo đó, quy mô đầu tư của dự án bao gồm 3 hạng mục chính: Đầu tư mới 10 trạm quan trắc không khí tự động nhằm hoàn thiện mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường tự động, quan trắc đầy đủ các thành phần môi trường; đầu tư mở rộng hệ thống quan trắc chất lượng môi trường thông minh (gồm 2 trạm quan trắc nước mặt tự động và 21 trạm quan trắc nước dưới đất tự động); hoàn thiện mạng lưới các điểm quan trắc tự động về môi trường. Đồng thời, dự án cũng nâng cấp phần mềm xử lý số liệu quan trắc; xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung của lĩnh vực môi trường, phục vụ việc cung cấp các thông tin về chất lượng nước, chất lượng không khí... cho các tổ chức, cá nhân; chia sẻ thông tin cộng đồng về môi trường, phục vụ phát triển đô thị thông minh Bình Dương.
Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, sau khi dự án hoàn thành, mạng lưới quan trắc trên địa bàn tỉnh cơ bản hoàn thiện đồng bộ, bảo đảm quan trắc đầy đủ các thành phần môi trường từ quan trắc định kỳ đến quan trắc tự động. Sau khi giai đoạn 1 dự án hoàn thành, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục triển khai thực hiện giai đoạn 2 trong thời gian 2026-2030 để hoàn thiện mạng lưới quan trắc môi trường và tài nguyên nước dưới đất. Giai đoạn 2 của dự án sẽ đầu tư xây lắp 6 trạm quan trắc không khí tự động (nâng tổng số của mạng lưới quan trắc lên 17 trạm); xây lắp 1 trạm thủy văn chuyên dùng và 1 trạm quan trắc nước mặt tự động.
TIẾN HẠNH - VÕ LUYẾN