| 30-12-2022 | 09:02:37

Quy hoạch mạng lưới y tế Bình Dương đến năm 2030: Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân

Thời gian qua, ngành y tế Bình Dương đã có những bước phát triển nhất định, nhưng so với sự phát triển một số tỉnh, thành trong khu vực thì vị thế chưa đạt được như mong đợi. Quy hoạch mạng lưới y tế đến năm 2030 nhằm sắp xếp lại toàn bộ hệ thống, nâng cao chất lượng phục vụ người dân là nhiệm vụ quan trọng cần thực hiện.

 Cùng với việc sắp xếp quy hoạch mạng lưới y tế Bình Dương đến năm 2030 thì đội ngũ y bác sĩ cũng được đầu tư nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tay nghề. Trong ảnh: Một ca phẫu thuật tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh

 Sắp xếp, tổ chức mạng lưới y tế tuyến tỉnh

Trao đổi với P.V, bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết để phát triển tổng thể ngành y tế tỉnh, Bình Dương sẽ phát triển Bệnh viện Đa khoa tỉnh 1.500 giường là bệnh viện trung tâm của tỉnh, là cơ sở thực hành cho các trường y, dược trong và ngoài tỉnh, phấn đấu phát triển thành bệnh viện tuyến cuối của vùng Đông Nam bộ. Bệnh viện chú trọng phát triển các chuyên khoa sâu về tim mạch, chấn thương chỉnh hình, ung bướu, lão khoa, ngoại khoa… Tỉnh cũng nghiên cứu đề xuất Chính phủ xây dựng bệnh viện tuyến cuối 2.000 giường tại huyện Bàu Bàng. Cơ sở Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũ ở đường Phạm Ngọc Thạch, phường Hiệp Thành, TP.Thủ Dầu Một sẽ thành lập bệnh viện phụ sản tại một phần của cơ sở bệnh viện, sáp nhập Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản vào Bệnh viện Phụ sản và thành lập Bệnh viện Nhi đồng tại phần còn lại của cơ sở bệnh viện. Hiện cơ sở này xây dựng đã rất lâu, nhiều khối nhà đã xuống cấp, kiến trúc lạc hậu. Nếu có thể, ngành y tế đề nghị xây dựng 2 bệnh viện mới tại vị trí quy hoạch cụm y tế tuyến tỉnh.

“Trong khi đó cơ sở bệnh viện đa khoa ở phường Phú Chánh, TX.Tân Uyên phát triển thành bệnh viện chuyên khoa lao - phổi - truyền nhiễm và bệnh viện tâm thần. Tỉnh cũng thành lập trung tâm cấp cứu ngoại viện, sắp xếp, bố trí hoặc xây dựng trụ sở mới cho trung tâm cấp cứu ngoại viện; sáp nhập Bệnh viện Phục hồi chức năng vào Bệnh viện Y học cổ truyền; sáp nhập Trung tâm Sức khỏe lao động môi trường tỉnh vào Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh; xây dựng Labo xét nghiệm nhằm giúp Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học cấp 3”, bác sĩ Huỳnh Minh Chín nói.

Sau khi sắp xếp, tỉnh bàn giao cụm y tế (Bệnh viện Y học cổ truyền và các trung tâm y tế thuộc hệ dự phòng tuyến tỉnh) và Bệnh viện Phục hồi chức năng cho TP.Thủ Dầu Một. Tỉnh cũng bố trí quỹ đất để xây dựng trụ sở mới cho Bệnh viện Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng và cho các trung tâm y tế dự phòng tuyến tỉnh (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Giám định y khoa, Trung tâm Pháp y, Trung tâm Kiểm nghiệm), dự kiến khoảng 15 ha. Do các bệnh viện và trung tâm y tế thuộc hệ dự phòng có rất nhiều trang thiết bị gắn liền với hoạt động, không thể hoạt động tạm bợ, dã chiến nên phải tiến hành xây dựng và hoàn thiện cơ sở mới trước khi bàn giao cơ sở cũ.

Hoàn thiện mạng lưới tuyến huyện, tuyến xã

Hiện tỉnh giữ nguyên mô hình hoạt động của các trung tâm y tế tuyến huyện như hiện nay, nhưng tùy theo mức độ phát triển và điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực, có thể tách, thành lập bệnh viện đối với các trung tâm y tế có quy mô hạng I, II. Tuy nhiên, mỗi huyện, thị, thành phố phải bảo đảm có một trung tâm y tế thực. Do đó tỉnh tiếp tục phân cấp quản lý các cơ sở hành nghề trong lĩnh vực sức khỏe về phòng y tế huyện, thị, thành phố; đầu tư nâng cấp, xây mới các bệnh viện, các trung tâm y tế một cách toàn diện, đặc biệt là về cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ cán bộ lực lượng đáp ứng tiêu chí bệnh viện đa khoa hạng II.

Tỉnh cũng chú trọng xây dựng cơ chế khuyến khích tư nhân tham gia vào công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, mở rộng và phát triển các hình thức xã hội hóa tại tuyến y tế cơ sở (lĩnh vực răng hàm mặt, mắt, xét nghiệm…); bàn giao cơ sở Bệnh viện Phục hồi chức năng cho Trung tâm Y tế Thủ Dầu Một; xây mới Trung tâm Y tế Bến Cát và Trung tâm Y tế Thuận An. Tỉnh cũng bố trí quỹ đất để kêu gọi xã hội hóa xây dựng các bệnh viện, kêu gọi xây dựng với hình thức xã hội hóa bệnh viện chuyên khoa ung bướu, chấn thương chỉnh hình, tim mạch, ngoại thần kinh, thẩm mỹ, da liễu... Tỉnh khuyến khích, ưu đãi, đầu tư và bố trí quỹ đất để kêu gọi đầu tư, bảo đảm mỗi huyện có ít nhất 1 bệnh viện đa khoa và thành lập mới các bệnh viện chuyên khoa ngoài công lập với quy mô tối thiểu 50 giường bệnh/bệnh viện.

Tại tuyến xã, mạng lưới y tế được tổ chức sắp xếp hoàn thiện, số lượng người làm việc tại trạm y tế xã nằm trong tổng số người làm việc của Trung tâm Y tế huyện và được xác định theo vị trí việc làm trên cơ sở khối lượng công việc, điều kiện thực tế ở địa phương theo từng vùng. Cùng với đó, ngành y tế tỉnh nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh tại trạm y tế xã, phường, thị trấn, chú trọng phát triển các phòng khám đa khoa khu vực thông qua hình thức xã hội hóa hoặc thành lập các phòng khám vệ tinh của trạm y tế.

Đối với các phường có đông dân cư, tỉnh khuyến khích thành lập các phòng khám đa khoa tư nhân để đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe, thí điểm mô hình chăm sóc sức khỏe ban đầu tại phòng khám đa khoa tư nhân; nghiên cứu thí điểm mô hình “công - tư” theo nguyên lý y học gia đình. Đối với các khu công nghiệp mới thành lập có quy mô lao động từ 15.000 người, tỉnh quy hoạch bố trí quỹ đất xây dựng cơ sở y tế (tối thiểu 2.400m2). Đối với các khu công nghiệp hiện hữu, tỉnh sẽ chuyển đổi một phần công năng đất thương mại, dịch vụ thành đất y tế, kêu gọi xã hội hóa xây dựng phòng khám đa khoa tư nhân (diện tích tối thiểu 1.800m2)”.

(Bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế)

 HOÀNG LINH

Chia sẻ