| 15-09-2023 | 09:40:21

Quy hoạch tích hợp, thu hút đầu tư chất lượng

Bình Dương đang đẩy nhanh tiến độ lập, trình phê duyệt quy hoạch tỉnh theo hướng tích hợp, định hướng hình thành vành đai công nghiệp, dịch vụ và đô thị cho cả vùng. Trong đó, tỉnh đã chủ động dành 25.000 ha đất để phát triển công nghiệp, nhằm tận dụng cơ hội đón làn sóng đầu tư mới đang đổ vào Việt Nam.

 Bình Dương tập trung đầu tư cho công tác quy hoạch để phát huy tiềm năng, cơ hội và lợi thế cạnh tranh nhằm thu hút các nhà đầu tư tiềm lực. Trong ảnh: Thành phố mới Bình Dương với quy hoạch bài bản đang thu hút mạnh các nhà đầu tư phát triển thương mại - dịch vụ và đô thị

 Tăng sức hấp dẫn

Để tăng sức cạnh tranh, Bình Dương đang tập trung thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN) theo quy hoạch. Theo lãnh đạo tỉnh, với những định hướng về quy hoạch, tỉnh đang dành 20.000 ha phát triển đô thị và 25.000 ha đất để phát triển công nghiệp. Đồng thời, nghiên cứu các phương án nâng cấp, chuyển đổi các KCN hiện hữu sang KCN sinh thái, KCN - đô thị - dịch vụ phù hợp với định hướng mới của đô thị Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Với định hướng phát triển đó, tỉnh đang tăng cường hơn nữa quỹ đất cho phát triển KCN, tiếp tục huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại gắn với phát triển công nghiệp - dịch vụ - đô thị, góp phần tạo lực đẩy thu hút thêm nhiều dòng vốn đầu tư chất lượng từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước vào địa phương. Việc thành lập KCN VSIP III cũng là một cách tuyên bố về quyết tâm xây dựng một hệ sinh thái công nghiệp mới - hệ sinh thái công nghiệp - công nghệ cao. Dù mới khởi công, nhưng hiện KCN VSIP III đã có hơn 30 tập đoàn và công ty quan tâm tìm hiểu và đầu tư phát triển sản xuất. Hiện các KCN trong tỉnh cũng đang hướng đến thu hút đầu tư theo chiều sâu, thông minh và phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Trung Tín, Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh, cho biết Bình Dương đã thành lập 29 KCN, tổng diện tích hơn 12.662 ha, trong đó có 27 KCN đã đi vào hoạt động, tổng diện tích hơn 10.962 ha. Hiện tỷ lệ lấp đầy của các KCN tại Bình Dương khá cao. Trong giai đoạn tới, định hướng thu hút đầu tư vào các KCN của tỉnh sẽ chuyển sang hướng chuyên biệt, sinh thái, thông minh để tạo sức hút mới.

Theo quy hoạch sử dụng đất KCN thời kỳ2021-2030, Bình Dương ưu tiên đầu tư 18 dự án KCN với diện tích đất tăng thêm là 6.573 ha. Dự kiến, đến năm 2050, tổng số KCN trên địa bàn tỉnh là 46, với tổng diện tích 24.338 ha.

Tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư

Ông Ono Masuo, Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TP.Hồ Chí Minh, cho biết với môi trường đầu tư được đánh giá cao cùng tiềm năng phát triển mạnh mẽ, tỉnh Bình Dương là điểm đến đầu tư được rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài quan tâm. Hiện nay có hơn 300 doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Trong những năm gần đây, với việc triển khai xây dựng những tòa nhà và trung tâm thương mại mới với trung tâm là thành phố mới, tỉnh Bình Dương được kỳvọng sẽ ngày càng thu hút nhiều hơn nữa công dân và doanh nghiệp Nhật Bản đến sinh sống và đầu tư tại tỉnh.

Lợi thế vượt trội của Bình Dương chính là hạ tầng giao thông, hạ tầng các KCN có tính kết nối trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh của các DN trong và ngoài nước. Hiện Bình Dương đang tập trung chuẩn bị tốt các điều kiện, thỏa mãn nhu cầu của nhà đầu tư nhằm tăng cường hiệu quả hợp tác; khai thác thời cơ từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để chủ động đón dòng vốn FDI mới.

Ông Trịnh Hoàng Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết hiện Bình Dương đang tập trung đầu tư các dự án hạ tầng liên kết vùng, cải cách môi trường đầu tư để tăng sức hấp dẫn. Tỉnh cũng quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, thu hút dòng vốn FDI chảy mạnh vào tỉnh. Bình Dương xác định, công nghiệp tiếp tục là ngành phát triển mũi nhọn.

Trong giai đoạn tới, thu hút đầu tư của tỉnh sẽ có chọn lọc kỹ để có được những dự án công nghệ cao, công nghệ sạch, sử dụng ít lao động, có giá trị gia tăng cao, các ngành công nghiệp phụ trợ và dịch vụ hỗ trợ công nghiệp, đô thị. Các KCN trong tỉnh đang tiếp tục hoàn thiện các thủ tục về quy hoạch, xây dựng, đất đai và đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật đồng bộ để đón làn sóng đầu tư FDI vào tỉnh trong giai đoạn tới.

 Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhận định Bình Dương được coi là vùng đất hội tụ, việc địa phương liên tục thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn là điều tất yếu. Để tăng “lực hút” mạnh mẽ hơn, tỉnh cần rà soát, quy hoạch không gian, quỹ đất để phục vụ phát triển. Quy hoạch phát triển đồng bộ, có chiều sâu đối với các ngành dịch vụ chất lượng cao cũng sẽ tác động lan tỏa đến các ngành dịch vụ khác phát triển trên địa bàn tỉnh theo hướng văn minh, hiện đại, phục vụ cho phát triển công nghiệp và đô thị.

 NGỌC THANH  

Chia sẻ