Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Sáng 15-3, UBND tỉnh tổ chức hội thảo giữa kỳ quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hội thảo nhằm nghe đơn vị tư vấn báo cáo đánh giá hiện trạng và xin ý kiến về các định hướng chiến lược phát triển trong quy hoạch. Tham dự có ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện các sở, ngành, địa phương và Tổng Công ty Becamex IDC.
Xây dựng chính quyền kiến tạo, kinh tế thịnh vượng
Bình Dương hiện tại có công nghiệp phát triển hàng đầu trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Thành quả này đã tích lũy được một nền tảng lớn về hạ tầng đi kèm với một không gian rộng lớn, tạo nền tảng cho các bước phát triển tiếp theo; đồng thời tạo tiền đề quan trọng để Bình Dương xây dựng một đồ án quy hoạch tích hợp có chất lượng, khắc phục được những tồn tại và khơi thông nguồn lực, tạo động lực tổng thể đưa Bình Dương phát triển trong thời kỳ mới.
Lãnh đạo tỉnh và các sở ngành tham dự hội thảo giữa kỳ quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Tại hội thảo, Ban Chỉ đạo quy hoạch tỉnh đã nghe đơn vị tư vấn báo cáo chuyên đề khung chiến lược tích hợp quy hoạch tỉnh Bình Dương, định hướng khung và không gian động lực của tỉnh, định hướng quy hoạch phát triển không gian và hệ thống cơ sở hạ tầng.
PGS.TS Hoàng Vĩnh Hưng, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và Nông thôn Quốc gia, cho biết đường lối phát triển Bình Dương thời kỳ 2021- 2030 là mô hình kinh tế phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo, khoa học và công nghệ và dịch vụ chất lượng cao để gia nhập chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu; chuyển đổi mô hình phát triển sang mô hình kinh tế cân bằng đa chiều giữa công nghiệp - đô thị - dịch vụ theo hướng giá trị gia tăng cao; phân bổ cân bằng không gian động lực - phát triển bứt phá, tích hợp đủ các nguồn lực phát triển. Về tầm nhìn đến 2050, Bình Dương xây dựng chính quyền kiến tạo, trở thành chỗ dựa đáng tin cậy của người dân và doanh nghiệp, hội nhập toàn cầu, kinh tế thịnh vượng, xã hội bền vững.
Tối ưu, phù hợp và khả thi
Theo kịch bản và dự báo phát triển của đồ án quy hoạch, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt khoảng 10%/năm; GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 là 412 triệu đồng/người (15.700 USD). Cơ cấu kinh tế đến năm 2030: công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 64%; dịch vụ chiếm 28%; nông, lâm, thủy sản chiếm 1-2%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 6%.
Quy hoạch tổng thể tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, huyện Bàu Bàng được quy hoạch bài bản với độ mở lớn về không gian phát triển. Trong ảnh: Khu công nghiệp Bàu Bàng. Ảnh: QUỐC CHIẾN
Đóng góp hoàn thiện vào đồ án quy hoạch tỉnh, tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Lợi nhấn mạnh, kịch bản phát triển phải bám sát vào Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị và điều kiện tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của Bình Dương để đặt ra kịch bản quy hoạch phát triển tối ưu nhất, phù hợp và khả thi. Trong đó, về cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ; đồng thời tiếp tục thực hiện bảo đảm phát triển theo 3 triết lý và 6 trụ cột đã được nêu trong khung định hướng chiến lược.
Ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh: Đến cuối tháng 4-2023 phải cơ bản hoàn chỉnh Đồ án Quy hoạch tỉnh kỳ cuối và tiếp thu lấy ý kiến nhân dân để hoàn thiện công tác lập quy hoạch. Cùng với xác định nguồn lực để tổ chức thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, đơn vị tư vấn và các ngành cần nghiên cứu đề xuất các kiến nghị cụ thể về mặt thể chế, chính sách đối với Trung ương để tạo nguồn lực, động lực cho Bình Dương phát triển theo đúng đồ án quy hoạch được duyệt. |
Về định hướng không gian phát triển của Bình Dương, theo ông Nguyễn Văn Lợi nên nghiên cứu không gian phát triển thành các vùng cơ bản. Khu vực phía Nam gồm TP.Thuận An, TP.Dĩ An, TX.Tân Uyên là trung tâm cửa ngõ của Bình Dương đi TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai và cảng biển, đầu mối kết nối giao thông trong vùng; phát triển đô thị hiện đại đáng sống với hạ tầng nhà ở, dịch vụ chất lượng cao, hệ thống y tế, giáo dục đạt chuẩn quốc tế, giao thông công cộng tiện lợi kết nối.
Trung tâm thành phố mới Bình Dương, Thủ Dầu Một, Bến Cát, Bàu Bàng là “thỏi nam châm” để thu hút người dân ngay cả khi họ vẫn làm việc ở TP.Hồ Chí Minh, là công cụ để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, vật lực, chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực trung tâm và các địa bàn phía Bắc của tỉnh. Khu vực trung tâm Bình Dương gồm Thủ Dầu Một, Bến Cát, Tân Uyên với hạt nhân là “trung tâm thành phố mới Bình Dương” trở thành vùng đổi mới sáng tạo, vùng lõi của một đô thị thông minh và tiếp tục thực hiện 8 hệ sinh thái hiện có.
Khu vực Bến Cát, Bàu Bàng, Phú Giáo, Dầu Tiếng, Bắc Tân Uyên (từ Vành đai 4 trở lên phía Bắc) sẽ là trung tâm kết nối vùng Đông Nam bộ và cảng sông do các tuyến đường vành đai tạo ra, trở thành một cực phát triển mới hình thành Khu liên hợp Văn hóa - thể dục - thể thao - y tế - giáo dục tầm cỡ khu vực để hỗ trợ cho các cực phát triển của tỉnh và của cả vùng Đông Nam bộ.
Phát biểu kết luận hội thảo, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh, đề nghị các đơn vị liên quan tiếp tục bổ sung, làm rõ thêm 1 số định hướng, bám sát khung định hướng chiến lược tỉnh, giải quyết các vấn đề nêu ra, đồng thời tiếp tục kế thừa và phát huy các thành quả phát triển, lợi thế, điều kiện của tỉnh để giải quyết được các thách thức.
PHƯƠNG LÊ