| 23-08-2019 | 08:19:59

“Quyền lực” tiếng còi?

Mỗi buổi sáng, trên đường đi làm, tôi thường chứng kiến nhiều thanh niên quá lạm dụng tiếng còi xe. Khi dừng xe chờ đèn đỏ ở các giao lộ, đèn vừa chuyển xanh, người phía trước chưa kịp di chuyển là từ phía sau, nhiều người đã bóp kèn xe inh ỏi. Ngoài ra, khi muốn rẽ phải nhưng xe trước dừng chắn lối đi, nhiều người cũng bấm còi xe máy liên tục. Hành động trên khiến nhiều người bực bội. Có không ít trường hợp to tiếng với nhau chỉ vì tiếng còi trên.

Không biết từ bao giờ một số người đi đường coi tiếng còi là một thứ “quyền lực” của mình? Họ vô tư bóp còi khi muốn xin đường, muốn tranh giành đường và muốn... vi phạm Luật Giao thông đường bộ...

Hình ảnh những thanh niên chạy xe máy, ô tô trong đường phố nhưng vô tư bóp còi luôn khiến người đi đường khó chịu. Nếu họ phản ứng thì có khi lại xảy ra chuyện không hay. Pháp luật có quy định về âm lượng của còi xe cũng như giờ cấm bóp còi trong đô thị. Tuy nhiên có lẽ không nhiều người biết được quy định này. Và họ cứ bóp còi như thể hiện thái độ của mình.

Vừa qua, trong đợt cao điểm ra quân xử lý tình trạng phương tiện giao thông gắn còi hơi trái quy định trên địa bàn, Công an TX.Tân Uyên đã phát hiện nhiều xe ben, xe tải gắn còi hơi để “hù” người đi đường.

Nếu ai có dịp lưu thông trên một số tuyến đường giáp ranh ở địa bàn TX.Tân Uyên sẽ không tránh khỏi một lần giật thót mình khi bất ngờ nghe một tiếng còi xe phát ra, chát chúa và rất to. Đó là vì tài xế cho gắn còi hơi vào xe để khi lưu thông trên đường tiếng còi to thể hiện được cái “oai” của mình. Sau khi ra quân, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an TX.Tân Uyên đã yêu cầu các trường hợp vi phạm phải tháo còi hơi ngay.

Người dân mong rằng sau TX.Tân Uyên, những địa phương khác cũng có những đợt ra quân xử lý chuyên đề tương tự để những tiếng còi không còn ám ảnh người đi đường!

TRẦN PHƯƠNG (TX.Tân Uyên)

Chia sẻ