Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Những ngày qua, Bình Dương liên tục ghi nhận số ca mắc Covid-19 có chiều hướng tăng. Dưới sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ Y tế, Bình Dương đã nhanh chóng bổ sung, thực hiện quyết liệt có trọng tâm, trọng điểm một số giải pháp mới. Theo đó, Bình Dương giữ vững những nơi an toàn chưa ghi nhận ca bệnh, đồng thời đẩy mạnh truy vết, xét nghiệm trả kết quả trong thời gian sớm nhất.
Lực lượng chức năng phun khử khuẩn làm sạch môi trường ở TP.Dĩ An. Ảnh: MINH DUY
Giữ vững các địa bàn an toàn
Hiện nay dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện ở 36 công ty, xí nghiệp và hàng chục khu nhà trọ công nhân. Hiện dịch bệnh ở Bình Dương không chỉ xuất phát từ nguồn lây của 12 ổ dịch bệnh tại TP.Hồ Chí Minh mà còn có nguồn lây từ ổ dịch bệnh trong tỉnh và 4 ca bệnh, chuỗi lây nhiễm đang điều tra dịch tễ. Tổng số F1 là hơn 4.500 trường hợp và hơn 10.600 trường hợp F2. Ông Nguyễn Lộc Hà, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, để ngăn chặn, cắt đứt các nguồn lây bệnh, tỉnh không ngừng đưa ra những biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt, khẩn trương hơn để dập dịch bệnh. Sau buổi làm việc với Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ Y tế, Bình Dương tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm Chỉ thị 10/CT-UBND của UBND tỉnh nhằm nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”.
Phân tích về những địa bàn đã có dịch bệnh và địa bàn chưa ghi nhận ca bệnh, ông Nguyễn Lộc Hà cho biết thêm, tỉnh kiên quyết giữ vững các địa bàn an toàn, chưa ghi nhận ca nhiễm bệnh mà cụ thể là các huyện phía bắc của tỉnh (Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng, Phú Giáo). Do đó, UBND tỉnh giao cho Chủ tịch UBND các địa phương phải bám sát các quy định phòng, chống dịch bệnh và dự báo tình hình nguy cơ phát sinh dịch bệnh; chủ động, kịp thời đề ra các giải pháp linh hoạt, phù hợp nhằm giữ vững, ngăn chặn dịch bệnh lây lan từ các địa phương phía nam của tỉnh và các địa phương ngoài tỉnh vào.
Đối với các địa phương phía nam, gồm: TP.Thủ Dầu Một, TP.Dĩ An, TP.Thuận An, TX.Tân Uyên, TX.Bến Cát, Chủ tịch UBND các địa phương phải siết chặt quản lý theo đúng chỉ đạo tại Chỉ thị số 10/CT-UBND của UBND tỉnh và các quy định phong tỏa, giãn cách đang còn hiệu lực theo phương châm đã quây thì phải quản cho chặt cả trong khu công nghiệp, ngoài xã hội; đồng thời đề ra các biện pháp cụ thể phù hợp, không để các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm lên các huyện phía bắc và các địa phương ngoài tỉnh.
Bảo đảm 100% số mẫu được xét nghiệm trong vòng 24 giờ
Hiện Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đang tăng cường quán triệt phương châm “4 tại chỗ”, nâng cao hơn nữa năng lực tổ chức xét nghiệm, thực hiện xét nghiệm tầm soát trong cộng đồng. Trên tinh thần lấy mẫu gộp cho từng nhóm đối tượng với tần suất, quy mô phù hợp cho từng khu vực, trong từng thời điểm, như: Cơ sở y tế, chợ, bến xe và các địa điểm, cơ sở đông người.
Đề cập đến công tác truy vết, xét nghiệm ông Nguyễn Lộc Hà cho biết, UBND tỉnh giao Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh bám sát tình hình, có giải pháp truy vết, cách ly, khoanh vùng nhanh, hiệu quả ngay từ đầu. Trong trường hợp phải tổ chức nhiều mũi lấy mẫu, nhiều đơn vị tham gia lấy mẫu, xét nghiệm thì tuyệt đối tránh tình trạng lấy nhiều mẫu nhưng không đồng bộ với các khâu khác, bất cập trong ghi tên, ghi mã số mẫu và khớp tên sau khi xét nghiệm... dẫn tới tình trạng mẫu được xét nghiệm chậm, xét nghiệm nhưng trả kết quả xét nghiệm chậm, thậm chí trả sai kết quả hoặc không trả được kết quả xét nghiệm.
Cũng theo ông Hà, thực tế có nơi phải hủy mẫu do lấy quá lâu không xét nghiệm được. Ngay khi có kết quả xét nghiệm, các đơn vị phải thông tin đầy đủ ngay cho các địa phương liên quan để tổ chức truy vết. Trước mắt Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức 2 mũi độc lập lấy mẫu, xét nghiệm: 1 mũi phục vụ truy vết, cách ly, khoanh vùng chống dịch và 1 mũi còn lại phục vụ tầm soát nguy cơ tại các vùng, địa phương có nguy cơ cao. Ngành y tế cần rà soát lại năng lực xét nghiệm Covid-19 trên địa bàn tỉnh, bao gồm năng lực của các đơn vị xét nghiệm công lập và ngoài công lập, bảo đảm 100% số mẫu được xét nghiệm trong vòng 24 giờ. Công tác triển khai, quản lý xét nghiệm Covid-19 phải thực hện bằng phần mềm, áp dụng công nghệ thông tin để quản lý công tác xét nghiệm và trả lời kết quả.
Trên cơ sở kết quả xét nghiệm, sàng lọc diện rộng, Bình Dương đề ra các biện pháp hiệu quả để dập tắt dịch bệnh. Song song với việc lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc diện rộng, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh cũng yêu cầu tất cả các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn phải tự thực hiện test nhanh kháng nguyên Covid-19 hàng tuần cho toàn bộ người lao động theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đặc biệt, doanh nghiệp cần xét nghiệm ngẫu nhiên cho 20% người lao động tại cơ sở sản xuất, kinh doanh và khu nhà trọ của người lao động có nguy cơ. Chủ các công ty, doanh nghiệp phải chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu để dịch bệnh Covid-19 lây lan trong công ty nếu không thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh.
KIM HÀ