| 10-04-2020 | 09:44:03

“Rằng qua hoạn nạn mới hiểu tận lòng nhau...”

Tôi xin mượn lời ca trên để dẫn đề cho bài viết này. Bởi tự bao đời, trong sâu thẳm tâm hồn con dân đất Việt, tiếng hát, lời ca cũng đã trở thành lời thiết tha của Tổ quốc, của quê hương, sông núi, soi vào đó mới thấy rõ, thấm nghĩa đồng bào...


Thành viên đội SOS cùng cán bộ phường Dĩ An tặng quà người lao động

A lô, anh Mỹ đây em! Đi không em? Đi đâu anh? Đi giữa mùa dịch Covid, đi về phía… đồng bào khó khăn đang cần giúp đỡ. Tháng tư, nắng hanh hao đổ xuống, tôi theo tiếng gọi của anh Kim Ngọc Mỹ, Đội trưởng Đội SOS Dĩ An, mong mỏi được làm “mỗi công dân là một Vắc-xin chống dịch”. Từ sáng sớm, đội SOS ai cũng chuẩn bị sẵn sàng đâu đó, tay xách, tay mang, nào mì tôm, gạo, bánh mì… cùng rất đông cán bộ phường Dĩ An, TP.Dĩ An cũng đi. Khu trọ nơi chúng tôi đến đông người mà sao lặng lẽ quá. Anh chị em công nhân tuy nghỉ việc ở nhà nhưng phòng ai nấy ở. Tất cả đều thực hiện giãn cách xã hội theo lời kêu gọi của Chính phủ.

Cầm Bá Bài, tên chàng trai người dân tộc Thái, quê ở miền viễn tây Thanh Hóa. Bài vào Bình Dương lao động được mấy năm rồi, đã có vợ và hai con nhỏ. Trẻ em ngây ngô vui đùa bên bố mẹ mà mặt vẫn đeo khẩu trang phòng dịch. Bỗng tôi chợt nghĩ, có lẽ trong cơn dịch bệnh đang hoành hành, những người bố như Bài mới có thời gian nhiều bên con thơ. Ý nghĩ thật phi lý, nhưng thực tế là vậy! Cầm trên tay những món quà được chính quyền và đội SOS trao tặng, vợ chồng Bài rất cảm động và biết ơn lắm. “Mai mốt đây về quê hương sông Mã, em sẽ nhớ hoài hai tiếng Bình Dương”, Bài nói trong nghẹn ngào...


Cầm Bá Bài và các con nhỏ tại phòng trọ

Cả khu trọ tràn ngập cảm xúc, đầy ắp tình người, từng thùng mì, bịch gạo... được trao tận tay mọi người. Chị Nguyễn Thị Oanh Kiều, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Dĩ An, chị Dương Thị Thùy Trang, chị Trần Thị Thùy Dung, anh Trần Đình Thừa, cán bộ phường... ai cũng mồ hôi lấm áo, chỉ nghe tiếng nói không thấy mặt người, đang quấn quýt bên đàn em nhỏ để động viên, để chia sẻ như những người thân ruột thịt yêu thương của mình. “... Rằng qua hoạn nạn mới hiểu tận lòng nhau...”! Ôi Việt Nam! Bao cuộc chiến chinh mới có hòa bình. “...Tổ quốc ơi vẫn còn gian khổ, hạt thóc chia đều dẫu no dẫu đói, ta vẫn vẹn tình đắng ngọt cùng vui...”. Thời chiến hay thời bình, nghĩa đồng bào, tình dân Việt vẫn ngời ngời đó thôi!


Chị Nguyễn Thị Oanh Kiều tâm sự cùng công nhân khu trọ

Ai đã qua vùng miền Đông đất đỏ hẳn không quên được mảnh đất Bình Dương một thời chở che đùm bọc... Đâu phải ngẫu nhiên mà ngày nay đến các di tích cách mạng người ta đều thấy sừng sững tượng đài bà má miền Đông. Những năm dài binh lửa, hình ảnh người má Bình Dương chẳng quản gian lao, dành trọn tình thương cho anh bộ đội miền Bắc đánh giặc. Rồi mùa xuân xuống đường Mậu Thân 1968, lịch sử vẫn còn ghi, các mẹ các chị thao thức thâu đêm chờ đoàn quân từ bưng biền tiến về giải phóng miền Nam để được trao tận tay các anh bộ đội những giỏ cơm, những đòn bánh tét...

Ai đó đã nói, người Bình Dương cần cù mà hào sảng, kỹ chữ tín mà hiếu khách quả thật chính xác. Đất lành chim đậu, mà lành, dữ cũng do người tạo ra. Truyền thống ấy, tấm lòng ấy bình thường không khác thường, nhưng khi Tổ quốc cần thì bùng lên chói lọi. Ngay anh Mỹ đấy thôi, đã hơn 10 năm anh “bỏ” việc nhà theo việc nghĩa. Đại dịch Covid-19 diễn ra coi như anh bận cả ngày lẫn đêm. Ngày thì chạy ngược chạy xuôi kêu gọi Mạnh Thường Quân, kêu gọi đến đâu anh lập tức ủng hộ người nghèo, đêm xuống tất cả các thành viên trong đội lại rong ruổi khắp phố phường để lúc vá xe miễn phí, khi giúp người không may gặp tai nạn giao thông. Tôi hỏi, vất vả thế anh có mệt lắm không? Anh nói, thấm tháp gì đâu em, cả nước chung tay chống dịch bệnh, đội SOS chúng tôi nguyện xông pha nơi tuyến đầu.

Bà Cao Huỳnh Mai ở khu phố Thống Nhất 1, phường Dĩ An, năm nay đã bước qua tuổi 90 vẫn tâm niệm làm việc thiện là không bao giờ ngơi nghỉ. Lúc chúng tôi đến nhà, đã thấy bà ở khu trọ công nhân phân phát từng gói quà. Cơn dịch ập đến bà không suy tính liền giảm tiền thuê trọ, ủng hộ gạo tiền giúp mọi người vượt qua buổi khó khăn chung. Bà Mai tham gia cách mạng lúc 18 tuổi, thuộc lớp cán bộ mùa thu tập kết ra Bắc công tác ngành quân y. Người phụ nữ có dáng hình thon nhỏ này đã từng trực chiến 12 ngày đêm dưới chảo lửa của B52 bom Mỹ. Đất nước thống nhất, bà về Nam công tác tại Nhà máy Toa xe lửa Dĩ An cho đến ngày nghỉ hưu năm 1985. Ở đời, người có điều kiện làm từ thiện đã là đáng trân trọng, người điều kiện ít, chắt chiu từng đồng lương ít ỏi như bà Mai, trong mấy năm nay dâng hiến cho người nghèo càng trân quý biết bao. Bà nói, hồi chiến tranh thực hiện 3 cùng - cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân - tinh thần ấy trong bà hôm nay vẫn vẹn nguyên không hề thay đổi. Trong căn phố nhỏ, có một bà lão, lưng đã còng, tóc đã bạc vẫn sớm trưa đi về vì mọi người... khiến bao hoàn cảnh cảm thấy ấm lòng.

Tôi gặp Lê Thị Hà Giang, cán bộ Đoàn phường An Bình giữa trưa trời chang chang nắng. Phố chợ có đông người qua lại, Giang cùng các bạn thanh niên hăng hái đến từng gian hàng, sạp chợ động viên, chia sẻ với bà con, dán từng tờ rơi chống dịch bệnh, phát từng chiếc khẩu trang để mọi người thêm phần yên tâm. Giang tâm sự: “Cả nước cùng ra trận, tuổi trẻ chúng tôi xin lãnh ấn tiên phong. Đây là lúc Tổ quốc gọi tên mình, chúng tôi chỉ biết tiến về phía trước. ..”.

Chống dịch như chống giặc, câu nói đó chỉ có dân tộc Việt Nam, chỉ có nhân dân Việt Nam mới mặc nhiên nói ra không chút đắn đo. Lịch sử đã chứng minh, khi đất nước lâm nguy, từ thế hệ này đến thế hệ khác, già trẻ, gái trai đều nhất tề đứng lên, băng qua đạn lửa, đạp bằng chông gai đến ngày thắng lợi mới thôi. Tháng tư ấm áp nghĩa tình sẽ còn “cháy mãi” trên mọi nẻo đường Bình Dương...

 KIẾN GIANG

Chia sẻ