Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Từ năm 2002, HTX Ba Nhất dạy nghề cho bà con nghèo ở huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) rồi dìu dắt họ đứng lên bằng mái nhà chung HTX Ngọc Bích. Nhưng giờ đây, họ lại đang đối mặt nguy cơ tái đói nghèo. Hoàn cảnh đó đã khiến nhiều người rơi lệ, trong đó có một người được mệnh danh là “nữ tướng thời bình”.
Cỏ rác đổi... đô-la
HTX mây tre nứa lá Ba Nhất ở Tân Uyên nổi như cồn với thành tích tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo cho người dân. Nhưng ít ai ngờ rằng cái tên Ba Nhất trong nhiều năm qua đã ăn sâu vào trái tim của hàng chục ngàn lao động nghèo cả nước. HTX Ba Nhất là đơn vị đầu tiên dạy họ biến cỏ rác “vượt đại dương” mang về USD.
Bà Nguyễn Thị Cúc động viên người lao động nghèo ở Sóc Trăng
Những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, do nhu cầu mở rộng sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ nhiệm HTX Ba Nhất khảo sát khắp các vùng miền Tây. Nhận thấy nơi đây cói, lục bình, cỏ năng tượng, bẹ chuối... rất nhiều nhưng người dân chưa biết tận dụng nên xem như cỏ rác đem vứt bỏ. Từ đó, bà Cúc kết hợp với các địa phương như Cà Mau, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Bến Tre, Sóc Trăng, Đồng Tháp... cử người lên tận HTX Ba Nhất ở Tân Uyên để học kỹ thuật xử lý và đan lát các mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ nguồn nguyên liệu này.
Cho đến nay, HTX Ba Nhất đã tạo công ăn việc làm cho hàng chục ngàn lao động ở miền Tây. Mỗi người làm nghề này có thu nhập bình quân từ 20.000 - 50.000 đồng/ngày. Nghề đan lát này không đòi hỏi kỹ thuật quá cao, một người học nhưng nhiều người làm. Thậm chí, một người học, cả gia đình đều có thể làm được vì phương thức truyền nghề rất đơn giản, dễ học lại dễ làm. Vì vậy, lao động nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long theo nghề này khá đông.
Ít ai biết được rằng, năm 2000, quá ấn tượng trước cái nghề xỏ lá... kiếm tiền của HTX Ba Nhất, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã tìm đến tận HTX mây tre lá ở thị trấn Uyên Hưng, Tân Uyên mời “thầy” Ba Cúc “về Vũng Liêm, dạy dân quê tôi làm mây tre mỹ nghệ xuất khẩu. Nếu mô hình thành công, chúng ta có thể nhân rộng tại chỗ”.
Sau chuyến đi ấy, ông Kiệt cũng không ngờ rằng kết quả đem lại thật mỹ mãn. Bà Cúc về Vĩnh Long dạy dân ở đây chuyển nghề làm chiếu cói truyền thống sang đan lát đồ mỹ nghệ xuất khẩu. Bà đã kết hợp với trường Đại học Bách khoa TP.HCM cho ra đời máy xe cói ngược tạo ra những sản phẩm được thị trường Âu - Mỹ ưa chuộng. Bất ngờ hơn ở chỗ, khi xưa người Vĩnh Long đau đầu vì cói mọc quá nhiều mà không thể nào dẹp bỏ hết, đến giờ cói không đủ làm hàng, HTX Ba Nhất phải mua cói tận Thanh Hóa đem về đây để đủ nguyên liệu sản xuất. Không chỉ nguyên liệu cói, mà người dân đồng bằng sông Cửu Long bây giờ còn biết cách tận dụng cỏ năng tượng, biết tận thu lục bình thành sản phẩm mỹ nghệ xuất khẩu.
Nước mắt bà chủ nhiệm
Bà Nguyễn Thị Cúc mới đây có dịp về thăm bà con ở HTX Ngọc Bích cũng phải ứa nước mắt trước dân nghèo. Năm 2002, một số bà con ở huyện Mỹ Xuyên - Sóc Trăng tìm lên tận Tân Uyên để học nghề làm mây tre mỹ nghệ xuất khẩu. Bà Nguyễn Thị Cúc nhớ lại: “Lúc đó, cô Bích thấy bên Vĩnh Long ông Kiệt mời tôi về làm mây tre mỹ nghệ xuất khẩu xóa đói giảm nghèo có nhiều thành tích nên hỏi dò rồi dắt thêm khoảng 20 lao động nghèo người Khơ-me lên tận Tân Uyên ở lại học nghề”. Bà Cúc cũng cho biết thêm, sau khi truyền nghề cho 20 lao động này, bà đã xuống tận Mỹ Xuyên bắt tay vào việc phát triển mô hình tại địa phương.
Thế là những năm sau đó, HTX Ba Nhất của bà Nguyễn Thị Cúc trở thành cái tên thân thương của bà con huyện Mỹ Xuyên. Đến độ, người dân ở đây xem bà như một vị ân nhân làm thay đổi một vùng quê nghèo. Nhờ những chuyến hàng con thoi giữa Bình Dương - Sóc Trăng, đời sống của họ ngày càng khấm khá hơn, con cái được học hành, nhà không còn lo cảnh thiếu đói. Bởi bà Ba Cúc không chỉ dạy cho bà con huyện Mỹ Xuyên cái nghề xóa đói giảm nghèo mà còn thu mua sản phẩm, xuất khẩu sang thị trường Âu - Mỹ khiến họ yên tâm sản xuất vì không phải lo đầu ra.
Tính đến năm 2009, HTX Ngọc Bích đã giải quyết việc làm cho hơn 6.000 lao động “xuất xưởng” trên 200 mặt hàng từ lục bình, bẹ chuối, lác khía... ở thời điểm ấy. Không chỉ góp phần xóa đói giảm nghèo cho bà con huyện Mỹ Xuyên, HTX Ngọc Bích còn tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động ở các tỉnh Cần Thơ, Bạc Liêu, Cà Mau... Với những thành tích đạt được trong công tác xóa đói giảm nghèo, HTX Ngọc Bích được bầu chọn là 1 trong 100 HTX điển hình tiêu biểu toàn quốc năm 2008.
Tuy nhiên, cuối năm 2009, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Sóc Trăng đã khởi tố vụ án hình sự “tham ô tài sản” và khởi tố các bị can đối với Ngô Hồng Phi, Nguyễn Quốc Trung, Nguyễn Thế Vương, Đặng Minh Út đều là các cán bộ Trung tâm Khuyến công tỉnh Sóc Trăng. Trong vụ án này, vô tình bà Huỳnh Ngọc Bích (Chủ nhiệm HTX Ngọc Bích) bị cho rằng là người có liên quan. Sau đó, tòa đã tuyên bố hủy cáo trạng vì trong quá trình xét xử công khai tại tòa phát hiện nhiều biểu hiện vi phạm thủ tục tố tụng và cáo trạng chưa chặt chẽ. Vụ việc này kéo dài đã khiến bà Bích hoang mang, xã viên HTX thì công việc bị đình trệ. Theo anh Lý Văn Võ, Phó Chủ nhiệm HTX Ngọc Bích cho biết: “Giá trị sản xuất của chúng tôi giảm từ 2,3 tỷ đồng xuống còn 400 triệu đồng/tháng, liên tục bị trễ hàng nên chúng tôi có nguy cơ bị HTX Ba Nhất cắt hợp đồng, khi đó HTX sẽ bị phá sản...”.
Xã Gia Hòa 2 (Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) có 212 hộ nghèo theo chuẩn cũ. Trong đó có đến 15 gia đình bị nhiễm chất độc da cam. Gặp gỡ chị Hoàng Bích Nghiêm, công nhân ở HTX cho biết: “Con tôi nay đã lên 8 tuổi nhưng bị dị tật do nhiễm chất độc da cam. Lúc trước còn hàng đều, tôi tranh thủ vừa giữ con vừa làm hàng lục bình xuất khẩu mỗi ngày kiếm được 30.000 - 40.000 đồng. Nhưng trong vòng 1 năm trở lại đây thì đời sống gia đình rất khó khăn do ảnh hưởng từ việc HTX dính vào vụ án “tham ô tài sản” ở trung tâm khuyến công”.
Chứng kiến cảnh bà con, công nhân của HTX Ngọc Bích, những người trong nhiều năm qua gắn bó học nghề và xóa đói giảm nghèo với HTX Ba Nhất đang khó khăn, bà Nguyễn Thị Cúc bùi ngùi rơi lệ: “Nghĩ mà thương mấy ông khuyến công Bình Dương mình làm cái nào đều tăm tắp cái đó. Ở dưới này họ làm sai, tham ô đâu tôi chưa biết nhưng dân nghèo thì lãnh đủ. Bởi vì khi HTX Ngọc Bích bị ngưng trệ không sản xuất được thì chỉ có người làm công là chịu khổ. Đúng, sai là chuyện đã có luật pháp phân xử, chỉ tội cho người nghèo”. Ông Hoàng Văn Hưng, Chủ tịch Liên minh HTX Sóc Trăng cũng có cùng quan điểm: “Chúng tôi sẽ sớm có kiến nghị lên UBND tỉnh tạo điều kiện để bà con sớm ổn định sản xuất trở lại. Tội ai làm nấy chịu, nhưng không thể để công tác xóa đói giảm nghèo của địa phương bị ảnh hưởng”.
Thiết nghĩ, nghề mây tre lá là một mô hình xóa đói giảm nghèo đã mang lại nhiều hiệu quả trong thời gian qua. Mô hình này rất cần được sự ủng hộ của Nhà nước ta để tiếp tục duy trì, phát triển. Điều đó đặc biệt đúng ở trường hợp một mô hình hay như HTX Ngọc Bích đang đứng trước nguy cơ phá sản vì không sản xuất theo kịp đơn đặt hàng, còn hàng ngàn lao động nghèo thì đứng trước nguy cơ bị tái đói nghèo. Rất mong các cơ quan chức năng tỉnh Sóc Trăng sớm có biện pháp hỗ trợ để bà con sớm ổn định lại sản xuất và cuộc sống.
PHONG QUANG VINH